Bối rối với thái độ mua hàng như “bố thí” của “thượng đế”

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Được gọi là “thượng đế” nhưng không phải vị khách nào cũng có thái độ mua hàng văn minh, lịch sự.

Không phải vị khách nào cũng có thái độ lịch sự, văn minh khi đi mua hàng (ảnh minh họa)

Không phải vị khách nào cũng có thái độ lịch sự, văn minh khi đi mua hàng (ảnh minh họa)

Trong mối quan hệ mua bán, khách hàng thường được gọi là “thượng đế”. Đây như một sự nhắc nhở với những người bán hàng, đặt quyền lợi của người mua lên cao nhất, phục vụ với chất lượng tốt nhất.

Tuy nhiên, ở góc độ khách hàng, khi tự coi mình là “thượng đế”, nhiều người có cách cư xử không phù hợp, thậm chí được xem là thiếu văn minh, lịch sự. Thái độ xem mình ở vị thế cao hơn người bán của một số khách hàng khiến cuộc trao đổi mua bán rơi vào căng thẳng.

Mai Hương (34 tuổi, Hà Nội) trong 6 năm kinh doanh quần áo đã gặp rất nhiều khách hàng khó hiểu. Cô  biết, làm nghề dịch vụ là phải có thái độ nhiệt tình, cởi mở, sẵn sàng tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng. Sự phục vụ tận tình quyết định rất lớn đến việc có thể bán được hàng hay không.

Tuy nhiên, điều Mai Hương nhận lại không phải lúc nào cũng là thái độ dễ chịu, lịch sự của các “thượng đế”. Đôi khi không may mắn gặp phải những vị khách có hành vi thiếu văn hóa, không tôn trọng người phục vụ, cô rất bối rối.

“Có vị khách khi nhận hàng, giật mạnh chiếc túi từ tay mình rồi quay người đi thẳng, không nỡ nói một lời cảm ơn. Có người rút ví ra rồi ném tiền xuống bàn, mặc kệ trong đó có những đồng tiền lẻ nhăn nhúm, gấp làm ba, làm bốn. Mình tự hỏi, mình có thể bỏ ra gần một tiếng đồng hồ phục vụ họ chọn đồ, thử đồ, tư vấn kỹ lưỡng giá cả, chương trình ưu đãi, tại sao họ không thể bỏ ra 1, 2 phút vuốt phẳng tờ tiền rồi trả tận tay mình. Cái cách họ ném những tờ tiền ra trước mặt chủ shop chẳng khác nào bố thí”, Mai Hương kể.

Minh Tuấn (26 tuổi, Vĩnh Phúc) cùng bạn bè mở một cửa hàng thực phẩm sạch ở thị trấn. Anh cho rằng, sản phẩm của mình ở một phân khúc cao hơn, tệp khách hàng cũng là những người có điều kiện, sẵn sàng “ăn sạch, mặc xanh”, chỉ cần có thái độ phục vụ nhiệt tình thì điều nhận lại cũng là cách cư xử văn minh của khách hàng.

Tuy nhiên, thực tế lại khác xa những gì Minh Tuấn tưởng tượng. Hàng ngày, cậu vẫn gặp những trường hợp khách hàng kỳ kèo, không tôn trọng sản phẩm cũng như chủ cửa hàng.

“Ngay chiều qua thôi, một chị bước vào cửa hàng mình, chưa kịp liếc nhìn bất cứ thứ gì đã hỏi: “Rau chiều có tươi không em?”, “Rau sạch hay phun thuốc?”, “Thịt mới hay thịt đông đá mấy ngày rồi?”… Trước những câu hỏi đó, chúng mình vẫn kiên nhẫn giải đáp tỉ mỉ nhưng nhìn cách chị ấy lật qua lật lại từng mớ rau khiến chúng dập nát, mình xót xa trong lòng. Mình bỗng nhớ đến trái táo, ổi, kiwi in đầy vết bấm móng tay trong siêu thị. Rồi những thứ rau quả, bầm dập ấy, tụi mình biết bán cho ai”, Minh Tuấn ngậm ngùi kể.

Hình ảnh quá táo bị khách bấm móng tay khiến nhiều người ngán ngẩm (ảnh minh họa)

Hình ảnh quá táo bị khách bấm móng tay khiến nhiều người ngán ngẩm (ảnh minh họa)

Ở thời đại 4.0 khi mua bán hàng trực tuyến lên ngôi, những người bán hàng online cũng gặp đủ tình huống bi hài. Bích Trâm (29 tuổi) trong 7 năm kinh doanh mỹ phẩm thường xuyên gặp những vị khách “ố dề”. Nhiều người chỉ gửi cho cô một bức ảnh sản phẩm, kèm theo câu hỏi cụt lủn: “Mấy?”, “Bao nhiêu?”, “Giá?”…

Ban đầu, Bích Trâm khá bức xúc trước những tin nhắn mất lịch sự thế này. Cô đáp trả khách hàng, sau đó chặn tin nhắn để thể hiện sự bất bình. Nhưng giờ đây, thay vì “trả treo”, Bích Trâm chọn cách im lặng, tin nhắn hỏi sản phẩm lịch sự cô sẽ trả lời, tư vấn nhiệt tình, tin nhắn thiếu văn hóa, cô bỏ qua.

“Nhiều vị khách lạ lắm, nhắn tin với chủ shop nhưng luôn thể hiện ta đây là “cửa trên”, có tiền thì có quyền. Họ chê sản phẩm, chê giá cả, đòi xuất trình giấy tờ chứng minh sản phẩm uy tín thì cũng thôi, mình sẵn sàng đáp ứng, đằng này, có người còn nói rất khó nghe như: “Em bán hàng bao năm rồi vẫn không biết cái này à?”, trong khi họ là người sai kiến thức hoặc: “Chị thấy bên kia bán rẻ bằng nửa bọn em. Ăn lãi vừa thôi chứ”… Ngày nào mình cũng phải niệm chú: “Không cãi nhau với khách”, “Bình tĩnh với khách”…”, Bích Trâm chia sẻ.

Khái niệm “bom hàng” không còn lạ lẫm với những chủ shop như Bích Trâm. Có những vị khách nhờ cô tư vấn cả tuần mới “chốt đơn” nhưng sau đó lại “bom hàng” trong một nhốt nhạc. Khi cô gọi điện, nhắn tin hỏi thì lập tức khóa máy “bốc hơi”.

“Mình mất công tư vấn, gói hàng, gửi hàng nhưng khổ hơn chính là những anh shipper. Họ đội mưa, đội nắng giao hàng tận nơi cho khách chỉ để nhận vài nghìn đồng tiền công mà rồi cũng bị khách tàn nhẫn “bom hàng”. Chỉ mong các “thượng đế” đừng ai đặt hàng theo cảm hứng nữa bởi, sự tùy hứng của họ làm khổ bao người”, Bích Trâm nói.

Mối quan hệ giữa người mua và người bán thực chất là mối quan hệ công bằng. Chỉ khi đôi bên cùng tôn trọng, cư xử văn minh, lịch sự với nhau thì cuộc mua bán mới diễn ra tốt đẹp, tạo thành trải nghiệm tuyệt vời cho cả hai bên.

Nguồn: [Link nguồn]

Nữ du khách có hành động xấu xí trên máy bay khiến người xem bức xúc

Chứng kiến cảnh nữ du khách đang gác chân lên chiếc ghế phía trước mặt, nhiều người chứng kiến không khỏi bức xúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN