Bơi ra Tháp Rùa: “Chỉ là anh hùng rơm”

Sự kiện: Clip hot

Theo GS.TS Hà Đình Đức, hành động của nam thanh niên trong clip "nửa đêm bơi ra Tháp Rùa" là thiếu suy nghĩ. Ông cũng cho rằng một số chi tiết trong clip là không có thật.

Gần đây, clip chàng trai Hà thành một mình bơi ra Tháp Rùa lúc nửa đêm đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Hành động này đã gây ra rất nhiều tranh cãi.

Chúng tôi đã có dịp trao đổi với GS.TS Hà Đình Đức - người đã có hơn 20 năm nghiên cứu về Hồ Gươm để đánh giá hành động này dưới góc độ lịch sử - văn hóa.

Clip thanh niên Hà Nội bơi ra Hồ Gươm lúc nửa đêm với mục đích “khám phá” bí ẩn Tháp Rùa đang gây ra rất nhiều tranh cãi. Ông nhận định về việc làm này như thế nào?

Đây là một hành động của “anh hùng rơm”, rất trẻ con, thiếu suy nghĩ và khó có thể chấp nhận được. Khoan hãy nói đến chuyện khám phá bí ẩn của Tháp Rùa, chỉ cần biết bị cấm mà vẫn vi phạm là cậu thanh niên đã sai. Đó là tôi chưa nói đến chuyện cậu thanh niên còn ngang nhiên quay lại clip, tung lên mạng để khoe với mọi người như thách đố luật pháp, đây là hành vi liều lĩnh.

Hơn nữa, tôi cho rằng, có một số chi tiết trong clip là không có thật như cậu thanh niên đó thở hồng hộc, tự động viên mình “sắp tới rồi”, “quyết tâm đến đó”… Đây là đoạn clip đóng kịch vì trên thực tế nước Hồ Gươm rất cạn và lội được, không phải bơi và khoảng cách từ bờ hồ đến Tháp Rùa là rất gần, đoạn gần nhất chỉ khoảng 100m. Đối với một thanh niên khỏe mạnh, bơi thành thạo thì rõ ràng đây là trò đùa. Tôi cho rằng, cậu thanh niên này chỉ vì muốn tạo scandal để gây chú ý.

Bơi ra Tháp Rùa: “Chỉ là anh hùng rơm” - 1

Theo GS.TS Hà Đình Đức, đây là hành động thiếu suy nghĩ và một số chi tiết trong clip là không có thật (Ảnh chụp từ clip "bơi ra Tháp Rùa" được đăng tải trên mạng)

Sau khi clip nhận được những ý kiến trái chiều, chàng trai đã phân trần là do tò mò muốn vén bức màn “liêu trai” bên trong Tháp Rùa và quan trọng nhất là muốn gần gũi với thiên nhiên. Ông có cho rằng những lý do đó là chính đáng?

 “Gần gũi với thiên nhiên” đâu phải làm lén lút vụng trộm mà đây là hành động mang tính tò mò mà không được phép. Không thể lấy cớ muốn gần gũi thiên nhiên mà muốn làm gì thì làm. Đối với một di tích lịch sử văn hóa, có rất nhiều cách để tìm hiểu, khám phá chứ không nhất thiết phải là trực tiếp đặt chân đến. Ví dụ như nhiều di tích có Hậu cung là nơi linh thiêng không phải ai muốn vào cũng được mà phải được phép của người quản lý.

Hành động này của chàng trai đơn thuần chỉ là muốn thỏa mãn trí tò mò có phần thái quá của bản thân. Hơn nữa, sau khi đã đặt chân được đến đó, đã thỏa mãn được điều mình muốn cậu thanh niên còn phát tán clip lên mạng, tự “hùng biện” về hành động của mình là khám phá bí ẩn. Đó là một hành động rất thiếu suy nghĩ.

Theo ông, hành động này của chàng trai có được gọi là xâm phạm di tích lịch sử, xâm phạm đến giá trị linh thiêng của Tháp Rùa cũng như Hồ Gươm?

Kết luận hành động này có xâm phạm đến di tích lịch sử hay không là do Ban quản lý di tích và Ban quản lý an ninh trật tự Hồ Gươm quyết định. Nhưng tôi nghĩ nếu điều gì đã cấm thì không nên làm. Hơn nữa, nếu ai cũng tìm cách đặt chân lên Tháp Rùa thì không thể dám chắc được tất cả mọi người đều có ý thức bảo vệ mà không làm ảnh hưởng đến di tích. Hành động này của cậu thanh niên nếu được chấp nhận thì sẽ rất dễ tạo thành một tiền lệ không hay, nó có thể cổ súy cho rất nhiều hành động tương tự hoặc “lập dị” hơn.

Còn nói về giá trị linh thiêng của Tháp Rùa, tôi nghĩ nó thuộc về cái “tâm” của mỗi người. Tôi nhớ không nhầm thì trong clip cậu thanh niên này có nói: “Hồ Gươm là một điều gì đó rất linh thiêng”. Vậy việc cậu ấy bơi ra Tháp Rùa vào lúc nửa đêm rồi tung hô trên mạng là bên trong Tháp Rùa có những gì thì có xâm phạm chính cái gọi là linh thiêng đó? Câu hỏi này nên để mỗi người tự trả lời.

Bơi ra Tháp Rùa: “Chỉ là anh hùng rơm” - 2

Giáo sư Hà Đình Đức – người đã có rất nhiều năm nghiên cứu về cụ Rùa và Hồ Gươm

Là một người có rất nhiều năm nghiên cứu về Hồ Gươm, theo ông việc cấm mọi người ra Tháp Rùa thăm quan có được gọi là cấm người dân tiếp xúc với các di tích lịch sử?

Tôi không muốn bàn luận về việc đúng sai trong các quyết định của ban quản lý Hồ Gươm. Nhưng tôi nghĩ Ban quản lý đã cấm thì chắc chắn sẽ có lý do hợp lý. Thử hỏi, một Tháp Rùa bé tí tẹo như vậy mà ai cũng muốn đặt chân đến thăm quan thì liệu có đảm bảo nó sẽ được gìn giữ.

Là một người đi trước, ông có suy nghĩ gì về những hành động “khác người" của một số bạn trẻ ngày nay?

Tôi chỉ mong các bạn trẻ - tương lai của đất nước hãy suy nghĩ kĩ trước khi hành động. Đôi khi một số hành động bột phát các cháu nghĩ không làm ảnh hưởng đến ai nhưng có khi để lại nhiều hậu quả khó lường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Lịch – Thùy Dung ([Tên nguồn])
Clip hot Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN