Bỏ nghề kỹ sư, học làm y tá nhờ được vợ truyền động lực
Người đàn ông Singapore làm kỹ sư xử lý kim cương 8 năm trước khi quyết định học làm bác sĩ, nhờ được vợ truyền cảm hứng và động viên.
Nếu tình cờ gặp Muhammed Fairuz Bin Suwandi tại Bệnh viện Cộng đồng Yishun, bạn có thể thấy anh đang hỗ trợ bệnh nhân chăm sóc tại giường hoặc giúp họ tắm rửa. Vì vậy, thật khó để tưởng tượng rằng cách đây nhiều năm, Fairuz đang làm việc tại một nhà máy sản xuất kim cương với tư cách là một kỹ sư.
Người đàn ông 40 tuổi, hiện là y tá cấp cao tại Bệnh viện Cộng đồng Yishun, từng gây bất ngờ khi quyết định chuyển nghề ở tuổi ngoài 30. Mặc dù đây là một trải nghiệm khó khăn nhưng Fairuz nói với Asia One trong một cuộc phỏng vấn rằng anh sẵn sàng làm vậy để đảm bảo an toàn công việc và chăm sóc gia đình mình.
Vợ anh, một y tá, đã luôn sát cánh, giúp Fairuz vững tâm khi quyết định chuyển nghề. "Cô ấy là động lực của tôi, không ngừng động viên, khuyến khích tôi", anh nói.
Fairuz hiện đã gắn bó với ngành chăm sóc sức khỏe được 7 năm. Ảnh: Khoo Teck Puat Hospital
Theo Asia One, trước khi trở thành y tá, Fairuz làm việc tại một nhà máy sản xuất kim cương trong 8 năm, cho tới năm 2017. Đó là công việc toàn thời gian đầu tiên của anh, do một người bạn giới thiệu. Điều buồn cười là phải vài năm, Fairuz mới biết mình đang chế tạo kim cương.
"Có một vị trí tuyển dụng và một người bạn đã giới thiệu cho tôi. Ban đầu tôi không biết đó là ngành công nghiệp kim cương vì nó rất bí mật, đến mức chúng tôi không thể mang điện thoại di động vào trong", Fairuz giải thích.
Trong suốt hai đến ba năm đầu tiên ở đó, Fairuz thậm chí còn không được xem sản phẩm cuối cùng là những viên kim cương. Anh chỉ biết nhiều hơn về công việc của mình khi được thăng chức làm giám sát tầng.
Tuy đây là một ngành thú vị, Fairuz nhận thấy có rất ít sự đảm bảo về công việc. Anh từng chứng kiến hai đợt sa thải trong suốt 8 năm làm việc ở đó. Dù bản thân không bị ảnh hưởng, việc nhìn thấy bạn bè mất việc khiến anh vô cùng sợ hãi.
"Tôi tự nghĩ: nếu bây giờ tôi không phải là người bị sa thải thì có lẽ là người tiếp theo. Và nếu tôi ở độ tuổi bốn mươi và bị sa thải, đó sẽ là thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc đời vì kiếm được việc làm ở độ tuổi đó sẽ rất khó khăn, đặc biệt là trong ngành kim cương", anh nói.
Ngoài nỗi lo sợ sẽ thất nghiệp khi về già, một yếu tố quan trọng khác thôi thúc Fairuz chuyển nghề là vợ và con gái 5 tuổi.
"Tôi muốn chu cấp cho gia đình mình, đó là lý do tại sao tôi muốn làm việc ở nơi có thể giúp tôi mang lại cuộc sống tốt đẹp cho họ", ông bố một con nói.
Với nhiều mối lo lắng, Fairuz bắt đầu tìm kiếm những công việc ổn định hơn. "Nỗi sợ không có việc làm đã thúc đẩy tôi chuyển sang một lĩnh vực có nhu cầu cao hơn", anh chia sẻ.
Lĩnh vực y tế không phải là sự lựa chọn đầu tiên của Fairuz và anh đã cân nhắc một số vai trò khác, bao gồm cả một vị trí trong ngành công nghiệp dầu khí. Tuy nhiên, sau đó anh biết rằng một số bạn bè làm việc trong ngành dầu khí cũng bị sa thải và họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới do tuổi tác.
Sau khi nghiên cứu thị trường việc làm, anh nhận thấy sự nghiệp trong ngành y tế là một lựa chọn khả thi.
Lúc tốt nghiệp từ Nanyang Polytechnic với bằng kỹ sư thông tin kỹ thuật, Fairuz từng cân nhắc đến ngành kỹ thuật dược phẩm. Ngoài ra, anh cũng hứng thú với chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, anh không đủ điều kiện cho những vai trò này.
Cuối cùng, anh nhận ra nếu muốn làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trở thành y tá có thể là một ý tưởng tốt bởi công việc này đa dạng hơn các vai trò khác trong ngành. "Bởi vì nếu bạn là một nhà vật lý trị liệu, bạn sẽ làm vật lý trị liệu suốt đời. Nhưng nếu bạn là một y tá, bạn có thể khám phá làm việc ở rất nhiều bộ phận như ung thư, thần kinh", anh nói.
Hiện tại, Fairuz làm việc trong bộ phận y học tổng quát, kết hợp giữa y khoa và phẫu thuật.
Việc có một người vợ làm y tá hơn 20 năm và quen thuộc với ngành y tế cũng là một lợi thế cho Fairuz.
"Cô ấy ủng hộ tôi và chia sẻ kinh nghiệm làm việc với tôi. Bởi vì khi làm y tá, bạn thường xuyên cảm thấy kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần, nên bạn thực sự cần có sự hỗ trợ từ người thân để tiếp tục công việc này", anh nói thêm.
Fairuz cho biết, ngoài sự an toàn công việc, vợ cũng là một trong những lý do khác khiến anh muốn chuyển nghề.
Fairuz kiểm tra các chỉ số sinh tồn của một bệnh nhân nữ. Ảnh: Khoo Teck Puat Hospital
Fairuz cảm thấy việc chuyển nghề là khả thi vì anh đã chuẩn bị tinh thần từ trước. Anh cũng nhận thấy những điểm tương đồng giữa công việc trước đây là kỹ sư và nghề y tá, chẳng hạn như sự tỉ mỉ trong chi tiết.
"Bạn cần có kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề tốt", anh giải thích thêm.
Để minh họa, Fairuz cho biết các y tá cần phải nhanh chóng nhận biết nếu có điều gì đó không ổn với bệnh nhân. "Chẳng hạn, nếu bệnh nhân đột nhiên trở nên buồn ngủ, bạn sẽ cần có kỹ năng tư duy phản biện để tìm ra nguyên nhân có thể đã xảy ra với họ", anh nói.
Những kỹ năng này cũng là điều anh đã học được khi làm việc trong ngành kỹ thuật.
Tuy nhiên, bắt tay vào một công việc mới vẫn luôn có những thách thức và chúng đến trước khi anh bước chân vào bệnh viện.
Để trở thành một y tá, Fairuz phải quay lại trường học do chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, anh đã tham gia một chương trình chuyển đổi nghề nghiệp.
Ngoài khó khăn của việc học một lĩnh vực hoàn toàn mới, anh còn phải đảm nhận các nghĩa vụ gia đình, bao gồm chăm sóc vợ khi cô đang mang thai. "Tôi có các dự án, vì vậy việc cân bằng chúng với thời gian gia đình thực sự là một thử thách", anh nói.
Mọi thứ trở nên khó khăn hơn khi cả Fairuz và vợ đều làm việc theo ca. Ban đầu, bố mẹ họ đã giúp chăm sóc con gái. Nhưng sau khi bố mẹ qua đời, Fairuz và vợ phải sắp xếp lịch sao cho ít nhất một trong hai người có thể ở bên cạnh con gái mình.
Fairuz chính thức trở thành y tá vào năm 2019 và chỉ hơn một năm sau, đại dịch Covid-19 ập đến. Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn khi anh và các đồng nghiệp đã "vật lộn rất nặng nề".
Khi virus tấn công, đó là một cuộc tranh giành điên cuồng vì bệnh viện phải nhanh chóng đưa ra quy trình và kế hoạch mới. Các y tá cũng phải mặc thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) 24/7, khiến điều kiện làm việc của họ càng khó khăn hơn.
"Bạn đổ mồ hôi, bạn mệt mỏi, và thực sự kiệt sức", anh nói. Hơn hết, họ đã chứng kiến rất nhiều cái chết. "Những tổn thương tinh thần mà chúng tôi gặp phải thật tồi tệ".
Rất may, Fairuz có một hệ thống hỗ trợ tuyệt vời, bao gồm cả người giám sát phòng bệnh.
"Vào cuối một ngày, cô ấy vỗ nhẹ vào vai tôi và nói: 'Fairuz, chúng ta đã làm được! Chúng ta đã sống sót! Cảm ơn anh rất nhiều'", anh kể lại.
Sau đó, cô đãi cả nhóm trà sữa như một phần thưởng cho sự chăm chỉ của họ. "Mặc dù đó là một cử chỉ đơn giản, nó có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi", Fairuz nói.
Fairuz có hai lời khuyên dành cho những ai đang nghĩ đến việc theo nghề điều dưỡng, đó là khả năng thích ứng và khả năng phục hồi.
"Hãy cho bản thân một năm để thích nghi hoàn toàn. Bạn không thể làm điều đó trong vài tháng, bạn cần ít nhất một năm. Vì vậy, đừng bỏ cuộc", anh nói. "Bạn cũng cần phải thích nghi vì mọi thứ luôn thay đổi. Chỉ cần bạn có thể thích nghi và kiên cường thì bạn có thể tồn tại".
Nguồn: [Link nguồn]
Khiếm thị nhưng bền trí, ông Lê Đình Hậu không chỉ lấy được vợ, xây dựng gia đình mà còn làm ăn, xây căn nhà 3 tầng khang trang.