Bố mẹ đi ăn cỗ, con ở nhà hái rau thơm đợi phần
Xung quanh tục lệ đi ăn cỗ lấy phần có rất nhiều câu chuyện dễ thương.
Tục lệ đi ăn cỗ lấy phần vẫn gặp phải cái nhìn dòm ngó của nhiều người
Đi ăn cỗ lấy phần là chuyện thường tình
Một câu chuyện tưởng như rất đơn giản là đi ăn cỗ lấy phần lại thu hút sự quan tâm của đông đảo dân mạng và gây ra nhiều tranh cãi. Tuổi thơ bao người từng háo hức đợi ông bà, bố mẹ đi đám cỗ về để được ăn phần, dù chỉ là nắm xôi nhỏ, con tôm hay miếng giò nguội. Thế nhưng, nhiều người lại cho rằng đó là hành động đáng xấu hổ, mất lịch sự và thiếu văn minh.
“Không ăn thì để người khác ăn chứ vừa ngồi vào mâm đã gói gói ghém ghém thì có văn minh không? Nghèo không lo được cho con miếng ăn ngon thì phải chăm chỉ làm lụng, chứ nghèo rồi lại bảo vì thương con mà bỏ đi cái sự văn minh thì nghe sao được. Lo cho con thì lo cả đời, bữa cỗ đáng mấy trăm nghìn mà phải vác túi ra bỏ phần như thế…”, một nick name lên án.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, sự lên án ấy xuất phát từ cái nhìn phiến diện về tục lệ đi ăn cỗ lấy phần.
Nguyễn Phượng, sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, nơi nổi tiếng với phong tục đi ăn cỗ lấy phần khá bất ngờ khi tục lệ này bị hiểu sai đến vậy. Cô thừa nhận, vẫn có những người vừa ngồi vào mâm đã chăm chăm gói phần nhưng chỉ là số ít và ở đâu cũng có. Còn thực tế, mọi người trong mâm luôn có ý, biết nên lấy phần lúc nào và lấy làm sao cho lịch sự.
“Quê mình mỗi mâm 6 người, để sẵn túi bóng ở mâm, ăn uống xong xuôi mới chia đều phần thức ăn thừa cho mọi người gói về. Thường thì các bà, các mẹ chỉ ăn những món xào nấu như canh, rau, dưa… còn thịt, giò, chả… thì để gọn sang một bên, lát gói phần đem về. Đó là trước kia, còn bây giờ cuộc sống đầy đủ hơn rồi thì mọi người cứ thoải mái ăn thôi, ăn xong có thừa mới gói phần.
Hơn nữa, ai cũng có ý thức cả, miếng giò hay con tôm phần mình đã ăn rồi thì không gói về nữa chứ không có chuyện lấy vô tội vạ. Còn chuyện đi ăn cỗ lấy phần là chuyện hiển nhiên rồi, chẳng ai đánh giá ai cả”, Phượng chia sẻ.
Dù là năm 6 tuổi hay 26 tuổi như bây giờ, Phượng vẫn háo hức mỗi khi ông bà, bố mẹ đi ăn cỗ, mà thứ cô trông ngóng đơn giản chỉ là chiếc bánh dày. “Chứ nhiều khi mẹ mang giò chả hay trứng vịt lộn về hai anh em mình cũng không ăn vì có thiếu thốn gì đâu. Nhưng được mẹ gói ghém cho vẫn vui”, Phượng nói.
Đa phần dân mạng đều cho rằng, đi ăn cỗ lấy phần không đáng bị chỉ trích, dè bỉu
Nguyễn Nguyệt (quê Nam Định) cũng quá quen với việc được người thân lấy phần. Cô còn hài hước kể rằng, thuở nhỏ, mỗi dịp bố mẹ đi ăn cỗ, cô lại ở nhà hái rau thơm đợi sẵn. Bởi lẽ, cô biết chắc phần đem về sẽ có thịt, giò, chả… và mấy chị em ở nhà có bữa ăn ngon.
“Ngày xưa thiếu thốn, bố mẹ đi ăn cỗ là mừng lắm. Trẻ con trong xóm đứa nào cũng vậy, chẳng riêng gì tôi. Giờ cuộc sống đầy đủ, tôi cũng không cảm thấy chuyện đi ăn cỗ lấy phần có gì là kỳ lạ hay đáng xấu hổ. Đã đi ăn cỗ là ai cũng biết, mâm 10 người thì 10 phần, ai ăn phần người đó chứ không ăn lộn xộn. Ví dụ như mâm 10 con tôm thì mỗi người một con, chứ ai dám sờ vô con của người khác. Bố không ăn con tôm của mình thì đem về cho con, có gì lạ đâu”, Nguyệt chia sẻ.
Chưa kể với nhiều người, việc được ăn phần cỗ người thân đem về là cả bầu trời kỷ niệm. Như Tuấn Cương, đến giờ đã 35 tuổi vẫn nhớ túi mực khô khi xưa ba đem về mỗi khi đi nhậu. Dẫu nhà gần biển, chẳng lúc nào thiếu mực nướng nhưng với anh, chẳng có gì ngon bằng túi mực trong túi ba.
“Cả ông nội nữa, đi ăn cỗ về luôn đem phần cho tôi. Ngày đó đâu có nhiều đồ ăn ngon, ai có phần người đó. Lúc nhỏ, tôi không biết rằng ông đã nhịn miệng để dành phần mình cho cháu. Sau này hiểu chuyện rồi, tôi càng thương ông hơn”, Tuấn Cương kể lại.
Hay như Ngọc Hoàng (mất cha từ nhỏ) chỉ mong một lần được ăn đồ ăn cha đem về, dù cho đó chỉ là đồ thừa thãi của mâm cỗ. Anh cho rằng, những người sống trong vỏ bọc giàu sang cả về vật chất lẫn tình thương yêu, không hiểu được giá trị của những món quà nhỏ này mới lên án.
“Lãng phí thức ăn mới đáng xấu hổ”
Từ câu chuyện đi ăn cỗ lấy phần bị giễu cợt, nhiều người liên tưởng đến việc gói đồ thừa đem về khi đi ăn nhà hàng. Hành động này vẫn gặp phải cái nhìn dòm ngó, mỉa mai của người xung quanh.
Đi ăn cỗ lấy phần để tránh lãng phí thức ăn
Anh Tuấn từng bị mọi người nhìn với ánh mắt dè bỉu khi gói ghém lại chỗ thức ăn thừa trên bàn tiệc thịnh soạn. Thậm chí, có người thẳng thắn can ngăn vì cho rằng mất sĩ diện.
“Tôi vẫn gói lại, trên đường về gặp hai ông bà tướng khắc khổ, ôm nhau trên chiếc xe đạp thì tặng họ ít chuối, vài khúc cá kho (vẫn còn nguyên chưa ai động đũa) và một hộp cơm trắng. Hai cụ vui vẻ nhận và còn cảm ơn. Hôm sau, bạn bè tôi vẫn nhắc lại “hành động xấu hổ” này với lời lẽ chẳng dễ nghe gì nhưng tôi mặc kệ. Tôi chỉ thấy tội nghiệp cho bố mẹ họ, tốn công nuôi con lớn người mà không lớn suy nghĩ, chỉ biết ích kỷ nghĩ cho mình”, Tuấn chia sẻ.
Võ Anh trong 5 năm làm nhân viên nhà hàng chứng kiến không ít lần cảnh khách bỏ thừa đồ ăn. Đôi khi cô chỉ ước, một trong số đó chịu xin hộp gói đồ ăn còn lại về cho con cháu nhưng dẫu cô có gợi ý thì mọi người vẫn từ chối.
“Mình tin là nhiều người trong số họ có bố mẹ, anh chị em chưa từng được ăn món ngon trên bàn tiệc đó. Hà cớ gì vì chút ngại ngần, sĩ diện mà để thừa đồ ăn sang trọng, trong khi người thân ở nhà chắc gì đã có đồ ăn ngon”, cô nói.
Trước đây, Võ Anh cũng cảm thấy chuyện gói đồ ăn thừa có phần “kỳ kỳ” và xấu hổ. Nhưng từ ngày làm ở nhà hàng cô mới hiểu lãng phí thức ăn tội lỗi thế nào. Nhiều người đi ăn tiệc gọi quá nhiều đồ ăn dẫn đến thừa mứa, có những món chỉ động đũa đôi lần, nhà hàng vẫn phải bỏ đi.
“Thật ra, mọi người cứ bảo giờ cuộc sống dư giả rồi, chẳng đói khát gì mà phải nhặt nhạnh đồ ăn thừa đem về nhưng mấy món ngon ở nhà hàng có phải nhà ai cũng có đâu, có khi bố mẹ chúng ta cả đời chẳng được thử một lần. Trong lúc chúng ta ăn uống sang chảnh, lãng phí thức ăn mà bố mẹ, con cháu ở nhà lại phải ăn bữa cơm đạm bạc, như thế mới là đáng xấu hổ”, Võ Anh nói.
Với tất cả những gì đã qua, cặp đôi rất trân trọng hiện tại.