Bố mẹ của một nam sinh chọn cách từ bỏ cuộc đời ở tuổi 16 viết lá thư mà ai cũng nên đọc
Patrick Joseph Turner, sinh tháng 12/2001, còn được gọi là Patty, đã chọn cách từ bỏ cuộc đời vào năm 16 tuổi. Rất lâu sau khi Patty qua đời, bố mẹ của bạn ấy đã viết một lá thư chạm đến trái tim và cuộc sống của bất kỳ ai - một lá thư giúp tất cả mọi người nhìn ngược lại quá khứ và nhìn về tương lai. Lá thư này được đăng trên tờ “The Orange County Register”, còn ở đây là bản lược dịch.
Patrick Joseph Turner. Ảnh: The Turner Family.
Thứ Bảy, ngày 27/1/2018, là một ngày đẹp trời. Tôi tỉnh giấc do có tiếng còi xe cảnh sát vào lúc 7h sáng, nhưng chẳng nghĩ gì. Tôi và vợ cùng đi dạo. Rồi chúng tôi về nhà, uống cà phê và trà. Hai con lớn của chúng tôi ở xa: Emily ở Philadelphia, còn James học ĐH Indiana ở Bloomington. Hai con nhỏ hơn là Bradel và Patrick học trung học, đều đang ngủ. Hoặc ít ra chúng tôi nghĩ vậy.
Vợ tôi ra ngoài làm vài việc, còn tôi ở nhà dọn dẹp. Một lúc sau, có tiếng gõ cửa, và rồi cuộc sống của chúng tôi thay đổi mãi mãi. Patty không ngủ ở trên gác. Thằng bé đã qua đời. Thằng bé đã tự tử. Con trai 16 tuổi của chúng tôi, Patrick Joseph Turner, đã ra đi.
Nhiều ngày rồi thành nhiều tuần. Nhiều tuần rồi thành nhiều tháng… Kể từ cái ngày bi thảm đó, chúng tôi đã, và vẫn đang cố lắp ghép lại cuộc sống của mình, trong khi luôn nghĩ đến lời Emily nói: “Dù Patrick không còn ở bên chúng tôi về mặt thể chất, nhưng gia đình Turner sẽ vượt qua chuyện này và chúng tôi sẽ luôn là một gia đình 6 người”.
Tang lễ của Patrick có rất nhiều người tới dự, nhiều không tưởng tượng nổi. Về sau, tôi có nói với một người bạn như vậy. Anh bạn đó bảo rằng anh ấy không ngạc nhiên, vì sự việc của Patty đã khiến cả cộng đồng rất sốc; và nếu việc đó có thể xảy ra với chúng tôi, thì nó có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đã không ai nghĩ rằng Patty lại là người làm như thế.
Không ai thấy có điều gì lạ ở Patty. Ảnh: The Turner Family.
Patrick là ai?
Patty ngoan, chơi bóng chày và bóng bầu dục, được các huấn luyện viên và bạn bè đều yêu quý. Thằng bé thích nấu ăn, chơi điện tử. Nó có than phiền một chút về việc học nhưng không nhiều gì hơn những học sinh khác. Patty là một cậu bé bình thường, không có dấu hiệu lo âu hay trầm cảm, không có vấn đề gì lớn. Mỗi khi rời nhà, nó đều nói: “I love you”. Nó đã đánh lừa tất cả chúng tôi.
Những lời nhắn Patty để lại
Patty để lại trong máy tính của mình 4 bức thư và một đường link tới một video YouTube. Những bức thư đó cực kỳ trưởng thành, được viết rất cẩn thận, cùng video miêu tả sự căng thẳng đến mức không thể chịu được của Patty, và mong muốn của nó là mọi người đối xử với nhau tốt hơn. Thằng bé viết rằng nó phải “chiến đấu” với sức ép mà xã hội đặt lên học sinh. Cuộc đua để có điểm trung bình thật cao, rồi phải vào được đại học, rồi sự so sánh không hồi kết rằng những người khác thì tuyệt vời thế nào.
“Rất nhiều sức ép được đặt lên vai, đến mức con không thể làm được nữa. Chỉ một lần trượt chân là một đứa trẻ cảm thấy mình là kẻ kém cỏi nhất thế giới” - Patty viết. Thằng bé cảm thấy rằng, không sự ghi nhận nào được trao cho những đứa trẻ có tính cách tốt cả.
Còn video mà Patty để lại đường link thì mở đầu thế này: “Albert Einstein từng nói: “Tất cả mọi người đều là thiên tài, nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó, thì suốt cả cuộc đời, nó sẽ nghĩ là nó ngu ngốc”. Các bạn có nhận ra rằng có bao nhiêu đứa trẻ thấy mình giống con cá đó không? Cứ bơi ngược dòng trong lớp, không bao giờ tìm ra điểm mạnh của mình, nghĩ rằng mình ngu ngốc, tin rằng mình vô dụng”. Patty đã suy nghĩ rất nhiều về việc này và chẳng nói với ai cả. Sức ép đè nặng lên thằng bé, và thằng bé không tìm đến ai. Những từ cuối cùng của nó trong một bức thư là: HÃY TẠO RA SỰ THAY ĐỔI.
Câu nói của Einstein.
Trong thư, Patty cũng muốn mọi người đối xử với nhau tốt hơn: “Không ai hiểu được rằng người khác có thể đang trải qua những gì. Hãy tử tế với mọi người, và quan trọng hơn cả, hãy cho người khác cảm giác thuộc về”. Những từ này đã được khắc lên bia mộ của Patty.
Như thường thấy sau mỗi bi kịch, sau khi Patty qua đời, nhiều người cố tìm “người có lỗi” cho những gì đã xảy ra. Nhưng một người bạn của gia đình chúng tôi đã nói trong tang lễ: “… ở mọi cấp độ, tất cả chúng ta đều là một phần của sự việc. Chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là những người đóng góp vào sự việc”. Nên chúng tôi hiểu rằng, điều chúng tôi nên làm là tạo ra sự khác biệt và làm những gì Patty mong muốn: Lan tỏa thông điệp của Patty rằng “Hãy tử tế với mọi người, và quan trọng hơn cả, hãy cho người khác cảm giác thuộc về”.
Một năm sau
Một đoạn thư của Patrick. Ảnh: The Turner Family.
Suốt một năm, chúng tôi đã tự hỏi rất nhiều lần: Tại sao? Làm sao chúng tôi có thể không biết gì cơ chứ? Sẽ thế nào nếu như chúng tôi đã…? Thực tế là chúng tôi sẽ không có câu trả lời, cho đến khi chúng tôi gặp lại thằng bé vào một ngày nào đó. Tuy nhiên, chúng tôi được nhắc nhở rằng Patty là người rất biết suy nghĩ, nhân hậu và biết quan tâm; nhưng thằng bé đã cảm thấy rằng nó không thể đạt được những kỳ vọng của mọi người, không thể không khiến cho mọi người thất vọng, để rồi chính nó tuyệt vọng mà lại không để ai bước vào thế giới của nó để chia sẻ. Cho nên, công việc bây giờ là của chúng tôi, như Patty nói: HÃY TẠO RA SỰ THAY ĐỔI. Đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người với nhau, nhất là với những người đang cảm thấy họ bị bỏ mặc, bị ở ngoài cuộc. Hãy hỏi thăm, hãy chia sẻ, hãy giúp đỡ.
Đôi khi chúng ta chỉ cần một cái ôm. Không cần lời nói nào, không cần lời khuyên nào, chỉ cần một cái ôm. Ảnh minh họa: YMClub.
Tuổi dậy thì là thời điểm chúng ta không hoàn hảo nhất, nhưng lại thường bị đòi hỏi phải hoàn hảo nhất. Và vì vậy, đó là khi con người rất dễ bị tổn thương. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có trách nhiệm tiếp tục cuộc sống của mình một cách mạnh mẽ để góp phần tạo nên sự thay đổi mà Patty mong muốn.
Patty để lại những lời thế này cho chúng tôi: “Con sẽ mãi mãi dõi theo gia đình mình. Hãy có những quyết định đúng, hãy làm những điều tốt cho bản thân và cho người khác, và đối xử với người khác như cách mình muốn được đối xử. Và hơn hết, HÃY VUI NHÉ, vì chúng ta không bao giờ biết là mình còn lại bao nhiêu thời gian… Thương yêu, Pat”.
Nguồn: [Link nguồn]
Những đứa trẻ được bố mẹ quan tâm, chia sẻ lớn lên sẽ trở thành người biết quan tâm người khác. Đã có những nghiên cứu kéo dài 30 năm, cho thấy rằng những đứa trẻ...