Bỏ học 8 năm vì nghèo, sĩ tử mồ côi vay tiền đi thi

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Thào Mỹ Dà (sinh năm 1988) sau khi học hết lớp 9 đã nghỉ học 8 năm vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Không có tiền, Dà quyết tâm vay bạn 800.000 đồng, trốn mẹ để đi thi.

Nếu không đi học, cả cuộc đời chỉ đi bộ và ăn mèn mén

Thào Mỹ Dà - chàng trai dân tộc Mông là học sinh trường Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thị trấn Quản Bạ (Hà Giang) khóa 2011 - 2014. Mỹ Dà sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc hộ nghèo có 9 anh chị em, bố mất từ khi anh 2 tuổi, người mẹ già năm nay đã 70.

Gia đình Mỹ Dà sống trên đỉnh núi Cán Tỷ (Hà Giang). Cuộc sống người dân tộc Mông còn nhiều khó khăn khi điện mới về bản năm ngoái và có nước dùng vài năm trở lại đây. Mỹ Dà cho biết, cảm giác của anh lần đầu tiên khi được nhìn thấy ánh sáng đèn điện thật kỳ diệu, đó là thứ ánh sáng làm thay đổi cả cuộc đời anh. Để lấy nước, chàng trai này gùi trên lưng 20 lít đi từ đỉnh núi Cán Tỷ xuống giáp Văn Minh trong 2 giờ.

Không chỉ đi bộ lấy nước, Mỹ Dà tâm sự: “Cuộc sống của tôi không biết phải đi bộ đến bao giờ nữa”.

Học lớp 4, cậu bé người dân tộc Mông đã tự lập đi bộ đến trường trên quãng đường dài 8km. Lên cấp 2, con đường lại nối dài đến 20km, Mỹ Dà vẫn đi bộ. Bắt đầu vào lúc 5h sáng, Dà vượt núi xuống chân dốc đi học đến 1h trưa mới về tới nhà và mang theo thức ăn là bột sắn trộn bột ngô.

Để tham dự kỳ thi đại học năm nay, Mỹ Dà cũng phải đi bộ 2 giờ từ đêm hôm trước để bắt xe trên đường quốc lộ.

Bỏ học 8 năm vì nghèo, sĩ tử mồ côi vay tiền đi thi - 1

 Mỹ Dà được tình nguyện viên đón tại bến xe Mỹ Đình.

Thức ăn quanh năm, thậm chí có thể là suốt đời của Mỹ Dà và các thành viên trong gia đình là mèn mén (bột ngô hấp). Do tập quán sinh sống trên các triền núi cao, giữa rừng đá trập trùng, không đủ đất trồng lúa nên từ bao đời nay, lương thực chính của người H’Mông là ngô. Mỗi năm gia đình Mỹ Dà thu hoạch 5 tạ đến 1 tấn ngô. Tuy vậy năm nào gia đình Dà cũng rơi vào cảnh đói ăn từ 4 - 5 tháng. 

Mỹ Dà tâm sự thật lòng: “Từ năm 2000, khi đó 12 tuổi tôi mới biết vị của miếng thịt như thế nào. Không có điều kiện nên phải đến gần nửa năm mới được một bữa cơm có thịt".

Ám ảnh bởi suy nghĩ sẽ ăn mèn mén, đi bộ suốt cả cuộc đời, Mỹ Dà quyết tâm học cấp 3, thi đại học sau thời gian nghỉ 8 năm vì nghèo khó.

Ham học từ nhỏ nhưng con đường học vấn của chàng thanh niên người Mông rất vất vả. Học hết lớp 9, Mỹ Dà buộc thôi học để ở nhà phụ mẹ làm nương rẫy, xẻ gỗ, trồng ngô, lấy củi nuôi em trai sinh năm 1990 học ĐH Lâm nghiệp.

Bằng tuổi anh, hầu hết người trong bản đã có vợ con nhưng Mỹ Dà vẫn quyết tâm tiếp tục việc học. Anh quan niệm, nếu không học hành, lấy vợ sớm thì cuộc sống sẽ lặp lại những nỗi khổ của cha mẹ. “Vì thế phải cố gắng đến cùng” - chàng trai này tâm sự.

Mồ côi bố, mẹ già yếu, gia đình có 9 người con

Mồ côi bố từ khi 2 tuổi, một mình mẹ nuôi 9 người con. Mẹ anh năm nay đã 70 tuổi, sức khỏe nhiều phần giảm sút nhưng vẫn đi bộ hàng giờ để làm nương làm rẫy. “Mẹ già rồi đi một mình nên tôi cũng lo” - chàng trai này kể về mẹ đầy ưu tư. Đối với Mỹ Dà, mẹ là người đã cho anh tất cả nhưng cuộc đời vất vả của mẹ chỉ khiến anh buồn mỗi khi nghĩ lại.

Anh em trong gia đình không được chăm sóc đầy đủ, lớn lên như lẽ “trời sinh voi sinh cỏ”. Gia đình đông con nên những người anh, người chị lớn lên lại đi làm thuê để nuôi em, cả cuộc đời không thoát khỏi vòng nghèo khó.

Bỏ học 8 năm vì nghèo, sĩ tử mồ côi vay tiền đi thi - 2

Chàng trai dân tộc Mông vui mừng vì được tình nguyện viên tặng bánh mì trong căn phòng trọ dự thi đại học.

Mỹ Dà cùng gia đình sống trong căn nhà đã tồn tại được 30 năm, được dựng nên bởi 5 chiếc cột, bện rơm và cỏ gianh lập thành vách. Nỗi lo sợ về những cơn gió mạnh, lốc xoáy nơi đỉnh núi ám ảnh của tuổi thơ cậu bé dân tộc. Năm 2006, gia đình anh đã có một căn nhà vững chắc hơn bằng gỗ, nền đất. Khi được hỏi về đồ đạc trong nhà, chàng trai này nói vui: "Chỉ có toàn người là người thôi".

Hai năm trở lại đây, Mỹ Dà sống cùng gia đình người anh trai hiện đang làm trưởng thôn, cuộc sống phần nào bớt khó khăn hơn. Anh kể lại: “Từ khi về ở với anh nhà tôi mới được mổ lợn khi Tết, trước đó hầu hết không được mua sắm gì”.

Trốn mẹ, vay 800.000 đồng để đi thi

Sau thời gian nghỉ học 8 năm, Mỹ Dà quyết định học tiếp hệ Giáo dục Thường xuyên vào năm 2011. Biết tin này, mẹ anh chỉ khóc và ngăn cản: “Thời đại bây giờ phải có tiền mới đi học được thôi”. Để mẹ yên tâm, anh an ủi: “Học không mất tiền đâu mẹ”. Bản thân anh không trách sự ngăn cản của mẹ mà chỉ thấy thương nhiều hơn.

Ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Mỹ Dà được hỗ trợ học phí, tiền ăn 140.000/tháng, quanh năm chỉ ăn cơm và canh.

Bỏ học 8 năm vì nghèo, sĩ tử mồ côi vay tiền đi thi - 3

Sau 8 năm nghỉ học vì nghèo khó, Dà vẫn quyết tâm tiếp tục việc học.

Trở lại trường sau 8 năm nghỉ học, mặc dù lượng kiến thức đã hao hụt nhiều nhưng Mỹ Dà vẫn không ngừng cố gắng trong học tập. Năm lớp 12, tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thị trấn Quản Bạ, Dà đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Trong lớp, lực học của Dà xếp thứ 3, giữ vị trí lớp phó lao động, được bạn bè, thầy cô yêu mến. Chàng thanh niên người Mông còn vinh dự được kết nạp Đảng năm 2009.

Quyết tâm thi đại học, Mỹ Dà giấu mẹ, anh chị trong nhà vì sợ mọi người lo lắng rồi ngăn cản. Anh chỉ nói tranh thủ thời gian vài ngày đi chơi. Anh kể: “Sức khỏe của mẹ đã yếu dần, tay mẹ bị đau nhức trong khớp và sưng vù bên ngoài. Trước khi đi mẹ dặn, mau về con nhé, tay mẹ đau lắm không làm được gì đâu”.

Để ra Thủ đô dự kỳ thi đại học, chàng trai dân  tộc Mông không có đồng tiền nào trong túi. Anh quyết tâm vay của người bạn 800.000 đồng để lên đường. Được Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ chi phí đi lại trong chương trình Cùng bạn đi thi, Dà thuê phòng trọ hết 100.000 đồng/ngày gần trường THPT Phan Huy Chú (Ngọc Khánh, Hà Nội).

Trước ngày làm thủ tục dự thi, anh lo lắng: “Nếu vẫn không đủ tiền lo cho kỳ thi, tôi sẽ ở lại Hà Nội làm thuê, sau khi về sẽ lại làm thuê để kiếm tiền trả bạn".

Xem thêm các bài viết liên quan:

Theo chân sư thầy bế sĩ tử đi thi ĐH

Nam sinh mồ côi, đi thi đại học với 500 nghìn đồng

Nữ sinh đi thi đại học trên lưng cha

Có đi thi mới hiểu tấm lòng cha mẹ!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quyên Quyên (ZING.vn)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN