Bị trầm cảm, Gen Z lui về làm vườn, biến sân thượng 260m2 thành khu vườn “trên mây” để chữa lành vết thương
Sau hơn một năm ở nhà làm vườn, cô nàng Gen Z đã nguôi ngoai nỗi đau và quay trở lại trường học.
Bạn trồng cây, làm vườn để làm gì? Để không gian sống thêm đẹp mắt, sống động hay để thư giãn tinh thần? Còn với cô nàng Gen Z Tiểu Ngữ (ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc) này đã làm vườn để chữa lành vết thương trong tâm hồn.
Bị trầm cảm, Gen Z về làm bạn với cây cỏ để chữa lành vết thương
Mấy năm trước, cuộc sống của Tiểu Ngữ bị đảo lộn. Nhớ lại khoảng thời gian đen tối nhất đó, cô nàng 22 tuổi cho biết: “Khi đó tôi 15 tuổi, giáo viên của tôi là một người thích dùng bạo lực, hay đánh mắng và xúc phạm học sinh. Thời điểm ấy trạng thái tinh thần của tôi còn non nớt, mong manh nên dễ bị ảnh hưởng.
Tôi tức giận, bế tắc, cảm thấy mình thật tồi tệ, không tìm được ý nghĩa của cuộc sống và rơi vào trầm cảm. Sau đó, tôi bỏ học và nhốt mình trong nhà. Tôi đã thử chuyển trường, đi khám bác sĩ và uống thuốc nhưng không cải thiện được gì.
Cho đến khi tôi bắt đầu làm vườn, tôi mới dần dần tìm lại được chính mình, được ý nghĩa của cuộc sống từ cỏ cây hoa lá. Chỉ khi bạn coi mình là một bông hoa thì thế giới mới trở thành một khu vườn!”.
Vòm hoa hồng mang lại bóng mát cho sân thượng.
Tiểu Ngữ rất thích nghe nhạc và làm việc trong vườn.
Năm 2019, Tiểu Ngữ và gia đình chuyển đến ngôi nhà mới có sân thượng. Ban đầu, khoảng không gian sân thượng rộng 260m2 này chẳng có gì, rất thô sơ nhưng dưới bàn tay của cô, giờ đây nó đã được lấp đầy bởi cây cỏ, trở thành một khu vườn trên mây.
Chia sẻ về quá trình cải tạo sân thượng, Tiểu Ngữ cho biết cô đã chia sân thượng thành nhiều khu vực khác nhau, gồm nhà kính, khu trồng cây nhỏ trong chậu và khu vực trồng hoa. Sau này, theo nhu cầu riêng, cô dần dần mở rộng và phân chia khu vực trồng hoa chi tiết hơn, gồm khu nhiệt đới, khu hoa hồng, khu cây bóng mát, khu cây giống,…
Khu vực trồng cây hoa nhỏ trong chậu.
Hoa tử đằng.
Gen Z trồng nhiều loài hoa khác nhau nên có hoa ngắm quanh năm. Chẳng hạn như mùa xuân ngắm hoa hồng, mùa hè ngắm cẩm tú cầu, hoa hướng dương, hoa cúc,…Ngoài ra, tại đây cô còn đặt một vài bộ bàn ghế nhỏ, xích đu để thư giãn, ngồi tĩnh tâm, thiền định. Những bộ bàn ghế này hay xích đu đều được sơn đồng nhất màu trắng, khiến không gian vườn hoa thật trang nhã, yên bình.
Bàn ghế trong vườn cũng như vòm hoa hồng đều mang gam màu trắng trang nhã.
Ở đây cũng có một căn nhà nhỏ để chuyển cây vào nhà khi trời trở lạnh. Đây cũng là nơi cô ngồi làm những món đồ trang trí thủ công. “Ngay cả sau khi cây héo và chết, sự sống của nó vẫn chưa kết thúc, nó vẫn có thể tiếp tục tồn tại ở dạng khác. Vì vậy, tôi đã biến những bông hoa tàn thành đồ trang trí”, Tiểu Ngữ chia sẻ.
"Khu vườn cũng là hình ảnh phản chiếu của chính tôi. Tôi đã lặng lẽ sắp xếp từng chi tiết trong đó. Đây là cảm giác hòa nhập. Khu vườn là tôi và tôi là khu vườn”, cô nàng nói thêm.
Khu vực bên trong nhà kính ở sân thượng.
Nơi đây Tiểu Ngữ tự tay làm những món đồ trang trí từ hoa cỏ trong vườn.
Hãy để cây cối tự quyết định!
Tiểu Ngữ cho biết, ban đầu cô phun thuốc trừ sâu để bảo vệ hoa, cây cảnh. Thế nhưng, việc này không thể loại bỏ hoàn toàn sâu bệnh mà ngược lại càng khiến tâm lý cô trở nên tồi tệ, khiến cô cảm thấy mình đang làm một việc vô ích.
Sau đó, cô ngừng sử dụng thuốc trừ sâu, chấp nhận vẻ ngoài không hoàn hảo của chúng và tôn trọng vẻ ngoài tự nhiên của chúng. Điều này không chỉ để cây cối được tự quyết định mà còn để chính cô cảm thấy thoải mái hơn.
Dưới bàn tay chăm sóc của Tiểu Ngữ, hoa trên sân thượng đều phát triển tươi tốt, nở rộ.
“Trong vườn, dần dần tôi phát hiện ra nhiều loài côn trùng: bọ rùa, dế, bọ ngựa, bọ cánh cứng, ve sầu, chim ruồi,... Mỗi loài côn trùng, bất kể là loài gây hại hay côn trùng có ích, chúng đều có ý nghĩa riêng, vì vậy tôi cố gắng hạn chế tối đa sự can thiệp của mình. Để thu hút nhiều ong hơn, tôi còn trồng nhiều hoa thơm”, Gen Z chia sẻ.
Sau hơn một năm ở nhà làm vườn, Tiểu Ngữ đã quay trở lại trường học. Dù nỗi đau trong quá khứ vẫn không thể xóa nhòa nhưng việc làm vườn giúp cô vui lên, kết nối lại với thế giới bên ngoài.
Sở dĩ như vậy vì khu vườn nhỏ của cô, có một số người yêu hoa đã đến đây chiêm ngưỡng và dành cho cô nhiều lời khen có cánh. Điều này khiến Tiểu Ngữ vô cùng vui vẻ và hạnh phúc.
Hàng năm, cô nàng này cũng tặng cây giống cho những người cần. Chia sẻ về kế hoạch tương lai, Tiểu Ngữ cho biết cô muốn trở thành người làm vườn chuyên nghiệp và trị liệu tâm lý cho người khác nhờ làm vườn.
"Tôi hy vọng tôi có thể giúp đỡ người khác bằng những điều tốt đẹp, đó cũng là để chữa lành vết thương cho chính mình. Mà thực ra, chỉ có bạn mới có thể tự cứu mình thôi. Khi bạn nhìn bản thân, người khác và thế giới từ góc độ khác, bạn mới có thể thoát ra khỏi bản ngã của mình và mở ra một thế giới mới. Hãy luôn tin rằng mùa đông rất ngắn ngủi, mùa xuân rồi sẽ đến và hoa sẽ nở”, Gen Z nhắn nhủ.
Nguồn: [Link nguồn]
“Cân bằng là chìa khoá của cuộc sống hạnh phúc” - đó là quan điểm sống của Trần Thị Mỹ Thuận (sinh năm 1995). Sau thời gian lập nghiệp tại TP. HCM, cô quyết định gác lại...