Bí quyết học tập giúp nữ sinh Ngoại giao đạt GPA 3.9/4.0
Hà Phương hiện đang là sinh viên năm ba của Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao. Từng là cựu học sinh tại trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, từ lâu, Hà Phương đã xây dựng được cho riêng mình những phương pháp phù hợp, giúp cô bạn đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên con đường học tập.
Hà Phương - sinh viên năm 3 Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao.
Chủ động ngay từ trong tư duy
Theo Hà Phương, phương pháp học tập sẽ thay đổi linh hoạt theo từng môn học hay từng kĩ năng, vậy nên cô bạn chỉ áp dụng cho bản thân những phương pháp cố định trong tư duy. Thứ nhất là lập kế hoạch rõ ràng cho việc học của mình, bao gồm kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết.
Việc học luôn luôn có một mục đích nhất định, vậy nên khi bắt đầu học bất cứ điều gì, cô luôn đặt sẵn mục tiêu và sắp xếp các bước để đạt được nó. Xây dựng một kế hoạch như vậy sẽ giúp quá trình học trở nên rõ ràng hơn, giúp Hà Phương kiểm soát được mọi thứ đúng tiến độ, biết được mình đang đứng ở đâu trên hành trình dài vô tận này và nắm được những điều cần làm để có thể đi đến bước tiếp theo.
Hà Phương áp dụng cho bản thân những phương pháp cố định trong tư duy.
Phương pháp thứ hai chính là tìm đến sự giúp đỡ của những nguồn khác nhau. Hà Phương cố gắng trau dồi kỹ năng tự học bằng việc khai thác tối đa những nguồn chính thống từ sách vở, tài liệu. Bên cạnh đó, cô bạn cũng nhờ đến sự trợ giúp từ bạn bè mình.
Hà Phương chia sẻ: “Mình rất thích được cùng các bạn đi học để chúng mình có thể trao đổi về mọi thứ, cùng thúc đẩy nhau trong các môn học. Mình nghĩ đó chính là lí do mình không đi học một mình mà đang đi học trong cùng một lớp, cùng một trường”.
Một nguồn trợ giúp khác của Hà Phương đến từ chính các thầy, cô trong Học viện. Thay vì chỉ dừng lại ở việc nghe giảng suông trên lớp, việc mạnh dạn đặt ra các câu hỏi cũng như đóng góp ý kiến với thầy cô giúp cô bạn học được thêm rất nhiều điều.
Đôi lúc các thầy, các cô cũng không thể nắm rõ nhu cầu về kiến thức của sinh viên, vậy nên sự chủ động phản biện và xây dựng bài học sẽ giúp mình mở rộng thêm vốn kiến thức. Mỗi khi được giao bài tập, Hà Phương luôn dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu trước rồi xin ý kiến của thầy cô thông qua các buổi gặp mặt trực tiếp hoặc qua email.
Cô bạn tin tưởng rằng, khi nhìn thấy sự cầu tiến của học sinh thì các thầy cô sẽ luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn. Nhờ vậy, những kiến thức mà cô nhận được sâu rộng hơn nhiều so với chỉ nghe bài giảng trên lớp. Hà Phương chia sẻ thêm: “Nếu như ý kiến của mình đủ thú vị và giá trị thì sẽ tạo được ấn tượng tốt với thầy cô. Sau khi đạt được sự công nhận như vậy rồi, chính mình cũng sẽ hào hứng hơn trong tiết học, và việc trực tiếp tham gia xây dựng bài sẽ làm mình cảm thấy hứng thú hơn là chỉ ngồi nghe suông".
“Khi người học trò sẵn sàng thì người thầy cũng sẽ xuất hiện”.
Hà Phương rất yêu thích câu nói “Khi người học trò sẵn sàng thì người thầy cũng sẽ xuất hiện”, nghĩa là khi bản thân mình muốn học, sẽ luôn có những nguồn để giúp đỡ mình đi lên. Cô cho rằng nếu mình cởi mở, chân thành và biết cách đặt câu hỏi thì mọi người sẽ rất sẵn lòng giúp đỡ và hỗ trợ mình.
Thích ứng với học tập thời chuyển đổi số
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, phần lớn thời gian học tập của Hà Phương đều được thực hiện trực tuyến. Việc học online đã khiến cô phải đối mặt với nhiều rào cản, từ việc mất đi cơ hội được tương tác, được giao tiếp và chia sẻ trực tiếp với thầy cô, bạn bè cho tới việc dễ mất đi động lực học tập trong không gian thoải mái ở nhà.
Như vậy, nếu như không có kỷ luật với bản thân thì sẽ khó mà học tập một cách hiệu quả, vậy nên Hà Phương đã tìm ra một số phương pháp giúp mình khắc phục được phần nào những khó khăn mà hình thức học này mang lại.
Phương pháp đầu tiên của cô nàng chính là cố gắng nhìn nhận những ưu điểm của hình thức học trực tuyến và coi nó là một cơ hội mới cho mình. Hà Phương chia sẻ: “Thật ra học online rất tiện vì mình có thể học bất kỳ lúc nào, bất cứ ở đâu và việc lưu giữ tài liệu học tập cũng đơn giản hơn, chưa kể là mình còn có thể xem lại bài giảng của thầy cô nữa. Bên cạnh đó, nếu như trong lớp học trực tiếp có nhiều người ngại không dám bày tỏ quan điểm của mình, thì khi học online, việc bật mic lên phát biểu sẽ dễ dàng hơn. Mình thấy ở nhiều lớp học online, các bạn hăng hái hơn hẳn so với khi học trực tiếp".
Hà Phương nhìn nhận những ưu điểm của hình thức học trực tuyến và coi nó là một cơ hội mới cho mình
Một cách khác để Hà Phương khắc phục những rào cản của việc học trực tuyến, đó là luôn xác định một tinh thần nghiêm túc khi tham gia vào giờ học. Cô bạn tạo dựng cho mình một không gian làm việc nghiêm túc tại nhà, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ để ghi chép lại kiến thức trong bài giảng y như một buổi học trên lớp chứ không chỉ đơn thuần là đang xem một video một chiều, không có tính tương tác.
“Học online có một cái khó khăn nữa, chính là việc thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi của mình rất chồng lấn với nhau, lúc nào cũng cảm giác như mình phải ngồi 24/7 trước màn hình máy tính”, Hà Phương bộc bạch. Để giải quyết vấn đề này, cô bạn thường xuyên sử dụng planner để có thể quản lý thời gian một cách hiệu quả.
Hàng ngày, cô đều liệt kê To-Do list (danh sách những công việc cần hoàn thành) của mình vào planner để giúp cho các bài tập không bị trì hoãn quá nhiều hôm. Khi học online, không có thầy cô hay bạn bè ở bên cạnh để nhắc nhở, thì việc dùng planner giống như một phương pháp để đốc thúc bản thân, hạn chế việc kéo dài không cần thiết các công việc của mình.
Song song với quản lý thời gian, việc quản lý các tài liệu học tập một cách khoa học cũng rất được cô nàng coi trọng. Với khối lượng dữ liệu rất lớn của tất cả các môn học, Hà Phương luôn lập một thư mục riêng cho mỗi môn để lưu trữ mọi tài liệu mà thầy cô gửi để tránh nhầm lẫn.
Bài giảng và bản ghi (record) của mỗi buổi học đều được cô tải về máy tính và chia thành từng thư mục nhỏ thay vì để trên Teams hay Email, đi kèm với một bảng thông tin của thầy cô để có thể liên lạc ngay lập tức khi gặp vấn đề.
Bên cạnh slide và tài liệu, Hà Phương cũng có một bản ghi chú để viết lại những kiến thức thu nhận được của riêng mình, những kết luận tự rút ra cho bản thân hay những thắc mắc mà cô muốn đặt câu hỏi. Theo cô, điều này yêu cầu rất nhiều tính tự kỷ luật (self - discipline) trong quá trình học tập và cũng chính vì vậy nên đến lúc chuẩn bị thi hay viết luận, việc tìm lại kiến thức sẽ rất dễ dàng.
“Nhiều bạn dựa dẫm vào việc có thể xem lại bài giảng nên chủ quan, để đến cuối kì rồi mới quay lại ôn tập. Mình thấy như thế sẽ tốn thời gian hơn, đằng nào cũng cần học thì mình sẽ học chắc chắn từ đầu, đến lúc thi cử bản thân mình cũng chủ động hơn nhiều”, Hà Phương khẳng định.
Hoạt động ngoại khóa là để bổ trợ cho việc học
Khi được hỏi về cách cân bằng giữa học tập và hoạt động ngoại khóa, Hà Phương thổ lộ: “Mình luôn ưu tiên việc học hơn cả, vậy nên mình không cố gắng cân bằng chúng mà học tập lúc nào cũng chiếm phần nhiều nhất trong quỹ thời gian của mình. Vì vậy, mình sẽ ưu tiên lựa chọn các hoạt động ngoại khoá có thể bổ trợ cho việc học.”
Theo Hà Phương, việc học không nên bị giới hạn trong sách vở mà phải được mở rộng ra nhiều khía cạnh khác. Đó cũng chính là lý do vì sao cô bạn luôn cố gắng để biến hoạt động ngoại khóa trở thành một nguồn học của mình.
Cô cho biết: “Mình đang học ngành truyền thông, và việc tham gia vào vị trí ban truyền thông của các dự án dạy cho mình rất nhiều điều mà thầy cô không dạy được trên lớp như làm slide, sử dụng photoshop hay kĩ năng điều phối, quản lí dự án,... Đây là những kĩ năng không được giảng dạy như một học phần chính thức ở trường, nhưng tất cả đều rất cần thiết trong quá trình học tập”.
Bên cạnh đó, việc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa cũng giúp cho Hà Phương có thể mở rộng được vòng tròn quan hệ, học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ thầy cô, bạn bè và anh chị đi trước.
Gói gọn lại, Hà Phương chưa bao giờ phải cố gắng sắp xếp mình sẽ dành bao nhiêu thời gian cho học tập, bao nhiêu thời gian cho hoạt động ngoại khóa mà cô bạn luôn coi đó là một tổng thể và cố gắng để cái này có thể bổ trợ cho cái kia.
“Hoạt động ngoại khóa không nên được coi là một điều gì đó trái ngược lại với việc học, mà nó nên được đặt song hành với nhau” - cô bạn chia sẻ.
Trong thời gian sắp tới, Hà Phương vẫn sẽ luôn cố gắng hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày, phấn đấu không ngừng nghỉ và tiếp tục trau dồi thêm kiến thức để phục vụ cho những dự định cá nhân trong tương lai.
Không chỉ học song song 2 trường đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Trần Trang Linh còn khiến nhiều người nể phục...
Nguồn: [Link nguồn]