Bí mật ADN: Sự thật gây sốc trong ca sinh đôi “mỗi con một bố"
“Sinh đôi mà chỉ có một đứa là con của tôi. Trời ơi, thật kinh khủng”, ông bố trẻ gục đầu rú lên trong nỗi kinh hoàng và đau đớn khi nhận kết quả xét nghiệm ADN...
Ảnh minh họa
Một đứa tóc xoăn, một đứa tóc thẳng
Những câu chuyện ly kỳ, những bí mật động trời trong phòng xét nghiệm ADN mà bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội hé lộ như “liều thuốc mê” khiến chúng tôi tập trung cao độ, chăm chú lắng nghe và đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chúng tôi đã cùng cười, cùng khóc với từng câu chuyện và nỗi đau nhân tình thế thái.
Đang say sưa trò chuyện, điện thoại từ đường dây nóng vang lên, nhân viên báo công việc khẩn cấp cần giám đốc xử lý. Mặc dù rất ái ngại, song bà Nga vẫn phải hẹn gặp chúng tôi vào buổi khác với lời hứa hẹn sẽ bật mí một câu chuyện “kinh thiên động địa”, có thể xem lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Tuy trong lòng vô cùng háo hức, nhưng chúng tôi đành chào tạm biệt và hẹn nữ giám đốc vào một ngày khác.
Sau nhiều ngày mong ngóng, trung tâm sắp xếp lịch cho chúng tôi vào một buổi chiều tháng10. Mang trong lòng sự tò mò xen lẫn cảm giác hồi hộp, chúng tôi quay lại và được bà Nga nhiệt tình tiếp đón.
Thấy chúng tôi hào hứng, bà Nga trầm ngâm kể: “Vụ việc hai đứa trẻ sinh đôi có hai người bố khác nhau từng dậy sóng dư luận một thời chính là do tôi trực tiếp xử lý. Đó là một trong những câu chuyện “ám ảnh” về ADN mà cả đời tôi không bao giờ quên”.
Suy tư hồi lâu, bà Nga trầm ngâm kể, cách đây vài năm có một chàng trai trẻ tuổi tên M. đến trung tâm làm xét nghiệm cha con với hai mẫu tóc đã chuẩn bị sẵn. Tiếp nhận hai mẫu tóc từ tay anh, bà Nga ngạc nhiên hỏi anh khi thấy một mẫu ghi “xoăn”, một mẫu ghi “thẳng”.
Với gương mặt thẫn thờ, ánh mắt buồn thiu, anh M. thở dài cho biết, hai đứa con sinh đôi của anh đều là con gái, một đứa có mái tóc xoăn, một đứa có mái tóc thẳng nên anh ghi thế cho đỡ nhầm.
Đây là trường hợp hi hữu, rất hiếm gặp
Bà Nga cho biết, sau khi tham khảo bảng lệ phí, anh quyết định làm mức xét nghiệm có kết quả nhanh nhất là ba tiếng đồng hồ. Anh M. nói anh sẽ ngồi đây chờ kết quả vì giờ có về nhà cũng không còn tâm trí làm việc.
“Thấy tâm trạng anh M. có vẻ căng thẳng, tôi mời anh ta vào phòng chờ dành cho khách hàng để xem ti vi giải trí giảm bớt sự lo lắng. Nhưng dường như điều ấy vô ích, anh ta nhìn ti vi bằng ánh mắt vô hồn, không chút cảm xúc”, bà Nga cho biết.
Cú sốc đau đớn
Thấy vẻ mặt băn khoăn của tôi, bà Nga hiểu ngay tôi tò mò về kết quả xét nghiệm. Bà tiếp tục kể, sau ba tiếng mòn mỏi chờ đợi, bà mời anh M. vào nhận kết quả. Đưa bàn tay run run kí nhận, đọc lướt rất nhanh tờ kết quả xét nghiệm, anh gục đầu đau xót rồi thốt lên: “Thật không thể tưởng tượng nổi, tôi lại trúng “số độc đắc” thế này. Sinh đôi mà chỉ có một đứa là con của tôi. Trời ơi, thật kinh khủng. Làm sao cô ta lại có thể đốn mạt đến thế?”.
Nghe kể đến đây, tôi sửng sốt không nói nên lời. Rõ ràng là sinh đôi nhưng lại không cùng bố, câu chuyện hiếm có này khiến người ngoài không khỏi sốc chứ không nói đến người trong cuộc. Bà Nga cho biết, trong suốt mấy chục năm gắn bó với nghề ADN, bà chưa bao giờ gặp phải trường hợp nào “oái oăm” như vậy...
Gục đầu một hồi lâu, anh M. ngẩng mặt lên, lấy khăn thấm nước mắt. Đôi mắt anh dường như ánh lên một tia hy vọng mới, anh hỏi dồn dập: “Liệu kết quả có sự nhầm lẫn không cô? ADN có bao giờ cho ra kết quả sai lệch không? Cô có thể giúp cháu xét nghiệm lại cho thật chính xác được không?”.
Nghe xong câu hỏi, dù rất thương anh M. nhưng bà Nga cũng đành “gạt bỏ” hy vọng cuối cùng của chàng trai trẻ. Bà khẳng định chắc chắn không thể nhầm lẫn, trừ khi anh lấy nhầm mẫu đưa đến xét nghiệm.
Nghe bà Nga nói xong, anh M. lại đắm chìm trong suy tư, tiếng thở dài thườn thượt của anh như chấp nhận sự thật cay nghiệt ấy. Anh cho biết, có thể loại trừ khả năng lấy nhầm mẫu và trao nhầm con ở bệnh viện bởi chính anh là người tận tay bế hai đứa nhỏ khi vừa sinh ra.
“Khi vợ cháu mới sinh con, nữ hộ sinh còn nói rành rọt: “Chị sinh được hai cô công chúa có hai kiểu tóc khác nhau, xinh lắm nhé”. Và đúng là như vậy, chúng càng lớn sự khác biệt càng rõ rệt”, anh M. buồn rầu chia sẻ.
Vì hai đứa con sinh đôi có nhiều điểm khác biệt nên anh M. mang mẫu đến xét nghiệm.
Nghe đến đây, dường như tôi cũng hiểu được phần nào lý do anh M. quyết định mang mẫu tóc của con đi xét nghiệm. Bà Nga chia sẻ thêm, hai con của anh M. khác biệt hoàn toàn, không giống như các cặp song sinh khác bởi một bé tóc rậm, xoăn, còn bé kia tóc thẳng, lưa thưa.
Chính bởi sự khác biệt “một trời một vực” của hai đứa con sinh đôi, anh M. đã phải chịu rất nhiều áp lực từ họ hàng, bạn bè. Đã rất nhiều lần anh tự trấn an bản thân phải tin tưởng vợ, nhưng cho đến khi con được hai tuổi, không thể chịu đựng được sự hoài nghi giằng xé tâm can nên anh đã bí mật lấy tóc của con mang đi xét nghiệm ADN.
Lo ngại lỡ bé “xoăn” bị trao nhầm khi ở bệnh viện, Th.S. Nguyễn Thị Nga đã đề nghị người chồng mang tóc của vợ đến đây làm xét nghiệm. Dù trong thâm tâm anh M. tin chắc không thể có một kết quả khác, song để khẳng định chắc chắn anh vẫn mang mẫu tóc của vợ đến trung tâm để xét nghiệm. Không ngoài dự đoán của anh, cả hai bé đều cùng một mẹ và không có chuyện nhầm con ở bệnh viện.
Nhìn người cha trẻ “vật vã” trong nỗi đau bị phản bội, bà Nga xót xa khuyên anh M. nên bình tĩnh để sáng suốt giải quyết vấn đề. Trước khi chào tạm biệt bà Nga ra về, anh M. chua chát nói: “Cả hai đứa bé không có tội tình gì cả, nhưng thực sự cháu không biết phải đối diện với người đàn bà ấy như thế nào nữa…”
Nguồn: [Link nguồn]
Đằng sau tờ kết quả ADN là những câu chuyện vô cùng ly kỳ và kịch tính. Bên cạnh hạnh phúc vỡ oà khi nhận kết quả,...