Bi kịch những người vợ chấp nhận bị chồng “xỏ mũi”

Họ không dám đấu tranh, không dám vùng lên vì quyền lợi của mình.

Theo các chuyên gia, khi mọi chuẩn mực đạo đức không còn chi phối lối sống của số đông thì sự nhẫn nhịn của chị em trước những sai trái nối tiếp của người chồng sẽ làm cho sự thăng bằng trong gia đình bị xiêu đổ. Do vậy chị em nên xác định rõ ràng, có những giới hạn không thể để chồng vượt qua.

Bi kịch những người vợ chấp nhận bị chồng “xỏ mũi” - 1

Không yêu thương bản thân thì phụ nữ sẽ không chặt được những dây xích trói buộc mình bấy lâu (Ảnh minh họa)

Phụ nữ bị “trói” bởi quá nhiều dây xích

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Lê, Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (Trung ương Đoàn TNCSHCM), có một thực tế, người con gái khi đi lấy chồng thường được bà, mẹ dặn “một điều nhịn, chín điều lành”, rằng “cơm sôi thì bớt lửa”.

Bản chất của những “sự nhịn” này giúp ta sống khoan dung, độ lượng trong cuộc sống nhờ đó có thể hóa giải xung đột. Thế nhưng, truyền thống của người Việt Nam lại thường gắn đức tính đó cho phụ nữ, như là đặc quyền và trách nhiệm của riêng họ.

Bởi vậy tâm lý chung của các bà vợ là luôn “nhịn” để sống. Có nhiều người còn biết rõ chồng ngoại tình nhưng vẫn cam chịu, chấp nhận nhìn chồng đi bên người phụ nữ khác, không một câu oán thán.

Họ chấp nhận làm kiếp chung chồng như vậy để cho gia đình hòa thuận, con cái được yên vui. Đây là lý do mà các bà vợ thường đưa ra khi chấp nhận những cảnh ngang trái, những nỗi khổ đau mà chồng gây ra cho mình.

Thường người phụ nữ nào ở trong hoàn cảnh đó đều cho rằng, việc họ chấp nhận những sai trái của chồng là “vì con”, vì “để yên cửa yên nhà”. Thế nhưng, sâu xa là vì những người vợ này mắc phải chứng bệnh sợ chồng một cách phi lý. Sợ chồng như ăn vào máu, như là nỗi sợ truyền kiếp của họ. Họ không dám đấu tranh, không dám vùng lên, không dám vì bản thân, vì quyền lợi của mình.

Lý giải về nỗi sợ chồng này ở phụ nữ, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, sở dĩ tâm lý chung của phụ nữ là sợ chồng là bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại dai dẳng cho đến tận bây giờ.

Phụ nữ bị “trói buộc” bởi nhiều dây xích từ quan niệm của xã hội như “chồng là nóc nhà”, “chết làm ma nhà chồng”, “xấu chàng hổ ai”, “là phụ nữ thì phải chịu thiệt đi một tí, nhịn đi một tí”, “vợ có làm sao thì chồng mới đi cặp bồ”, “vợ có làm sao thì mới bị chồng đánh”, “có con gái như quả bom nổ chậm trong nhà”, “gái ế”…

Chính bởi những quan niệm phân biệt đối xử như thế, nên phụ nữ bị buộc chặt vào một người đàn ông được gọi là chồng – cho dù người đó cư xử với mình thế nào vẫn cứ phải cắn răng mà chịu đựng.

Ngoài những quan niệm và cách suy nghĩ mang tính chất trọng nam khinh nữ như trên thì lý do khiến cho người phụ nữ thường phải chịu đựng, nhẫn nhịn đến mức cam chịu thành nhu nhược đó là vì khả năng độc lập tài chính kém. Thêm vào đó, xã hội ta chưa thực sự coi phụ nữ là đối tượng yếu thế cần được bảo vệ.

Hãy thôi hy sinh khi người chồng đi quá giới hạn

Cổ nhân xưa dạy chị em rằng, nên “lạt mềm buộc chặt”, sự mềm mại khoan dung để điều hòa không khí trong gia đình. Nhưng chúng ta nên hiểu, lời khuyên này được đặt trong bối cảnh mà xã hội ngày xưa rất đề cao những chuẩn mực đạo đức, không chỉ ở phụ nữ mà ngay cả với nam giới…

Khi chị em biết “nâng khăn sửa túi”, biết “cơm sôi bớt lửa”… thì người đàn ông trong gia đình cũng bị buộc vào những vai trò rất nặng nề như: Làm nhà, kiếm tiền, trụ cột gia đình.

Trong mối quan hệ vợ chồng, khi vai trò, bổn phận và trách nhiệm được phân công một cách rõ ràng; khi những chuẩn mực của một người vợ cũng như người chồng được xã hội phân định rõ ràng thì sự nhẫn nhịn, chịu thiệt thòi lúc này thường không bị nghiêng về một phía.

Còn ngày nay, khi mọi chuẩn mực đạo đức đã bị xói mòn thì sự nhẫn nhịn của chị em trước những sai trái nối tiếp của người chồng sẽ làm cho sự thăng bằng trong gia đình bị xiêu đổ. Chị em cũng nên xác định rõ ràng, có những giới hạn không thể để cho chồng vượt qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Khánh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN