Bi kịch người phụ nữ đẻ mướn: “Chỉ vì tiền mà tôi đã bán con”
Chị nói, lúc trao con cho gia đình kia, cũng là lúc chị biết rằng, đó chính là lỗi lầm lớn nhất trong cuộc đời mình…
Hiện tại, dù cuộc sống của chị Hoàng Thị M. (32 tuổi, Vũ Thư, Thái Bình) đã bớt khó khăn, gia đình hạnh phúc, chồng chiều, con cái ngoan ngoãn, đáng yêu nhưng chưa bao giờ tâm hồn chị thấy đủ đầy. Năm năm trôi qua, hình ảnh đứa con – dù không phải là con ruột khóc ngằn ngặt vì khát sữa rồi được người phụ nữ khác bế đi ám ảnh chị mỗi đêm.
“Đó là lỗi lầm lớn nhất của cuộc đời tôi. Có lẽ đến cuối đời tôi cũng không thể tha thứ cho chính mình…”, chị M. buồn bã nói.
Chị Hoàng Thị M. (Vũ Thư, Thái Bình)
Năm 28 tuổi chị lấy chồng. Hai vợ chồng cùng làm thuê ở Hà Nội. Vì công việc chưa ổn định, họ bàn nhau tích lũy, sau một năm sẽ sinh con.
“Chắc đó là định mệnh. Một buổi tối, sau khi đi làm về, chồng tôi đi nhậu với đám bạn. Có lẽ cũng quá chén, anh ấy đi xe máy đâm phải một bà cụ đi ngang đường. Bà ấy chết trên đường đi cấp cứu. Sau đó, họ yêu cầu phải bồi thường, nếu không sẽ kiện ra tòa”, chị thở dài kể.
Số tiền gia đình kia yêu cầu bồi thường là hơn 200 triệu. Gia đình nội ngoại vay mượn khắp nơi, thêm cả số tiền vợ chồng chị tiết kiệm được cũng chỉ được hơn một nửa. Lúc đó cả gia đình chị căng thẳng, lo lắng, chồng chị xác định sẽ vào tù vì không thể vay mượn được tiền.
“Một lần tình cờ vào một fanpage về Vô sinh, hiếm muộn trên Facebook, thấy nhiều người rao sẵn sàng trả tiền với giá cao nếu mang thai hộ, tôi như bắt được vàng. Ngấu nghiến đọc, tham khảo, trao đổi với họ. Tối đó, tôi hồi hộp bàn với chồng về kế hoạch kiếm tiền mà tôi đã định ra…”, chị M. kể.
Chồng chị lúc đầu nhất quyết phản đối. Nhưng sau nhiều lần thuyết phục, anh cũng đồng ý. Chị liên hệ với địa chỉ trên Facebook, hẹn gặp và trao đổi với gia đình kia.
Gặp chị, họ hỏi chị về chiều cao, cân nặng, sức khỏe. Họ đồng ý để chị mang thai hộ với giá 150 triệu đồng. Mọi chi phí trong quá trình cấy phôi, ăn uống, sinh nở gia đình kia sẽ lo hết. Họ cũng đồng ý sẽ ứng trước 2/3 số tiền để chị lo cho chồng.
“Vợ chồng ấy quê ở Hải Phòng, họ hiếm muộn và đã chạy chữa khắp nơi. Sau khi thỏa thuận, chúng tôi cùng nhau vào viện kiểm tra sức khỏe, rồi làm thủ tục cấy phôi. May mắn là cấy phôi ngay lần đầu, tôi đậu thai. Đó chính là đứa con đầu của tôi ”, chị M nói.
Chị buồn bã chia sẻ, càng ngày cái thai càng lớn, chị càng thêm gắn bó với hài nhi trong bụng. Mỗi lần đi khám, nhìn hình ảnh con qua máy siêu âm, nghe nhịp tim và từng cái đạp của con, chị lại sợ một nỗi sợ mơ hồ nào đó. Nhiều lúc chị chỉ ước rằng, giá như mình trúng sổ xố, hoặc nhặt được một bọc tiền thì chị sẽ trả lại gia đình kia số tiền để chị lại giữ lại con…
Gần đến ngày chuyển dạ, gia đình kia thuê hẳn một khách sạn gần nhà chị để tiện chăm sóc. Họ vui mừng chuẩn bị từng cái tã, miếng lót cho con. Nhìn họ hân hoan chuẩn bị chào đón con chào đời, chị như đứt từng khúc ruột.
Nhiều lúc trộm nghĩ, hay ôm con trốn đi thật xa? Nhưng nghĩ đến khoản tiền giúp chồng chị lại nuốt nước mắt ở lại.
Ngày sinh nở, lúc bước lên xe để vào viện, chị bắt đầu khóc. Chị sụt sịt kể: “Đứa bé ấy giống cả bố và mẹ. Nó rất xinh. Tôi chỉ được bế con và cho con bú đúng 2 ngày. Xuất viện, gia đình kia đón con về Hải Phòng”.
Có lẽ biết chị quấn quýt con, gia đình kia đưa nốt số tiền còn lại cho chị rồi mang con đi. Trước khi đi, người phụ nữ nhờ chị cấy phôi nói: “Hãy quên đứa nhỏ đi chị nhé”. Chị nức nở xin họ cho con ở cùng chị thêm thời gian. Nhưng họ không đồng ý.
Hôm chia tay, nhìn đứa con khóc ngằn ngặt vì khát sữa trên tay người phụ nữ khác, tim chị như có vết cứa. Những ngày tiếp theo, chị sống trong nỗi cồn cào nhớ con.
“Những ngày đầu vì căng sữa lại thêm nhớ con, tôi như điên dại. Nhiều lúc chỉ muốn lục tung mảnh đất Hải Phòng lên để tìm con. Nhưng tôi chẳng có bất cứ thông tin nào của gia đình ấy. Tôi ốm hơn một tháng sau đó. Cũng may có chồng an ủi, nên tôi mới nguôi ngoai phần nào. Tôi thấy mình thật đáng sợ, chỉ vì tiền mà bán con…”, chị sụt sùi kể.
Hơn 2 năm sau, khi đã bớt nguôi ngoai, chị mang bầu, sinh con. Dù đã có đứa con đáng yêu nhưng chưa khi nào trong tâm hồn chị thấy đủ đầy. Mỗi lần nhìn con chơi đùa, chị lại chạnh lòng nhớ về núm ruột kia và dằn vặt bản thân mình.
Chị bảo, có lẽ từ giờ đến cuối đời, chị cũng không thể nào tha thứ cho bản thân và thôi quên về đứa bé ấy.
Lau vội giọt nước mắt, chị nói: “Bây giờ con cũng đã hơn 5 tuổi rồi. Không biết giờ con sống thế nào? Có khỏe mạnh không?. Tôi luôn mong con khỏe mạnh và hạnh phúc. Đôi khi, tôi chỉ ước, giá như có thể gặp và ôm con thêm lần nữa…”
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.