Bi hài hai phụ nữ cùng khoe ảnh chung một chồng
Hai phụ nữ cùng khoe ảnh hạnh phúc bên 1 ông chồng, họ trở thành nạn nhân và tự biến mình thành nhân vật phản diện còn người chồng thì vô can?
Bi hài “chồng nhặt”
Như đã phản ánh, hậu 20/10, cùng một lúc trên mạng xã hội Facebook, 2 người phụ nữ đăng 2 tấm ảnh ở bên một người đàn ông có khuôn mặt giống y chang, kèm những lời ngọt ngào đầy yêu thương, khiến ai nấy xem xong cũng phải bất ngờ.
Dư luận “dậy sóng” trước hành vi bất minh của người chồng và lối ứng xử “chợ búa” của hai người phụ nữ.
Bi hài "Chồng nhặt" dậy sóng mạng hậu 20/10.
Trao đổi với phóng viên, TS.Nguyễn Thị Kim Quý- Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam Trung tâm cho rằng, chuyện đàn ông đã có vợ nhưng vẫn “tòm tem” bên ngoài không phải là chuyện hiếm gặp. Nhưng tình huống cả hai bà vợ cùng lên mạng khoe ảnh hạnh phúc cùng 1 người chồng là chuyện quá hy hữu.
Theo nhận định của TS.Quý, một bức hình- nhiều tình huống xảy ra. Có thể do cô gái kia không biết (tình huống này hơi hiếm-PV) người đàn ông đã có vợ nên mới có cách hành xử như vậy.
“Tâm lý của người phụ nữ, ai cũng muốn được yêu thương và khi họ cảm thấy hạnh phúc thì họ chia sẻ, đó cũng là điều rất đỗi bình thường”, TS.Qúy nói.
Theo vị chuyên gia tâm lý này, nhiều người sẽ nghĩ đến tình huống, người phụ nữ kia là “người thứ ba” chen ngang vào hạnh phúc gia đình của người khác. Thậm chí, có nhiều trường hợp, biết người đàn ông đã có gia đình nhưng cô gái lại có hành xử thiếu chuẩn mực theo kiểu thách thức, công khai lên mạng xã hội để lôi kéo người đàn ông về phía mình.
“Việc đăng tải hình ảnh cũng có thể được xem là hành động công kích đối phương (người vợ) rằng, cô gái kia mới là người anh ta yêu đích thực. Cô vợ chỉ là bù nhìn, bị lừa đối mà không biết”, TS.Quý nhấn mạnh.
Tuy nhiên, TS.Quý cũng cho rằng, việc cô vợ lên mạng “đá xéo” tình địch, có lời nói khiếm nhã cũng là điều dễ hiểu. Vì lâu nay, người vợ vẫn luôn đặt niềm tin vào người chồng. Cả giận mất khôn, người vợ dù có “dằn mặt” cô gái kia cũng không đem lại kết quả như mong muốn.
Cuộc “đấu khẩu” trên mạng không phải là cách giải quyết vấn đề. Xấu chàng thì hổ ai?
Đàn ông gây tội rồi “vô can”?
“Theo tôi, trong tình huống này, thay vì lên mạng “tỉ thí”, người vợ nên bình tĩnh nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo.
Người vợ nên thẳng thắn nói chuyện với chồng mình, đưa ra những hình ảnh, “bằng chứng” đó để người chồng giải thích. Liệu rằng có tình huống “tình ngay lý gian” ở đây không?
Cả người vợ và cô gái kia chỉ là nạn nhân mà thôi. Nếu hai người cứ lên mạng “cướp chồng” cũng không làm sáng tỏ sự việc. Người đáng phải lên tiếng là người đàn ông và anh ta không thể “vô can”, đứng ngoài cuộc!”, TS. Quý lên tiếng.
Theo nhận định của các chuyên gia, tâm lý của người phụ nữ Việt nhiều khi có tính cam chịu, họ có thể đôi co, nhiếc móc tình địch nhưng trước mặt chồng họ lại coi như không có chuyện gì xảy ra.
Chân dung người vợ danh chính ngôn thuận trong scandal ầm ĩ mạng xã hội mấy ngày qua bên chồng.
Họ chấp nhận chịu thiệt thòi thay vì phải lên tiếng đòi công bằng cho mình. Người đàn ông trong tình huống này đáng bị “trừng phạt” chứ không thể để hai cô gái “vạch áo cho người xem lưng”.
“Không chỉ nói chuyện thẳng thắn với chồng, cô vợ nên nói chuyện với các thành viên trong gia đình nhà chồng để có "phiên tòa" phân xử.
Người đáng trách hơn hết là người chồng, sau mới đến cô gái kia. Vì thế, người vợ nên “đóng cửa bảo nhau” không nên lên mạng xã hội để “khẩu chiến” với cô gái đó. Không nên làm ồ ã và cần tỉnh táo xử lý mâu thuẫn trong nội bộ gia đình”, chuyên gia tư vấn thêm.