Bi hài chuyện sinh viên ở ghép
Ở ghép có thể giảm chi phí tiền trọ nhưng lại khiến nhiều bạn rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà sinh viên ngoại tỉnh phải đổi mặt khi ra Hà Nội học là chuyện ở trọ. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều bạn sinh viên chọn giải pháp ở ghép để giảm chi phí và một “mớ” rắc rối cũng nảy sinh từ đây.
Đồ đạc không cánh mà bay
Để thuê được một phòng trọ rẻ và thuận tiện luôn là nỗi khó khăn đối với các sinh viên học xa nhà. Nhưng khó khăn hơn gấp bội lần là việc tìm một người ở ghép phù hợp, đáng tin cậy.
Như trường hợp của Hằng (sinh viên trường Đại học Thủy lợi, quê Bắc Giang) vừa chân ướt, chân ráo ra Hà Nội nhập học đã phải dở khóc, dở cười vì chuyện tìm người ở ghép. Hằng kể lại: “Mình và đứa em thuê được một phòng trọ khoảng 15m2 ở ngõ 150 phố chùa Láng (Đống Đa - Hà Nội) với giá 2 triệu đồng, chưa tính tiền điện nước".
Do quá tải với điều kiện cho phép nên hai chị em bàn nhau tìm thêm một người đến ở ghép để giảm bớt chi phí. Sau một hồi rao tin trên mạng, cuối cùng Hằng cũng tìm được một người thấy có vẻ phù hợp và hẹn ngày hôm sau sẽ chuyển đến luôn. Đó là một phụ nữ khoảng 30 tuổi, vóc dáng cao to, khuôn mặt đầy đặn có vẻ dễ gần. Chị ta mang đồ tới và hẹn Hằng ra đầu đường chuyển đồ vào phòng giúp. "Trong lúc mình đợi ở dưới đường trông đồ, chị ta đã lẻn vào phòng lấy sạch Iphone, laptop (tổng trị giá 20 triệu đồng) rồi biến mất mau lẹ. Lúc chạy lên mình mới tá hỏa vì đồ đạc đã không cánh mà bay, còn mấy túi đồ mình trông giúp thì hóa ra chỉ có quần áo bẩn và chăn rách” - Hằng buồn bã kể lại.
Căn phòng khoảng 15m2, nơi diễn ra vụ đánh cắp của Hằng
Hằng không phải là nạn nhân duy nhất của tấn bi hài kịch ở ghép này. Nam (sinh viên năm 3 trường Đại học Thương mại), sau khi mất hết những thứ đồ đạc quý giá mới biết bạn cùng phòng với mình là một tên trôm siêu hạng. “Mình cũng rất cảnh giác vì bạn cùng phòng cũng chỉ là một người mới quen. Nhưng hôm đó vì sợ muộn học mình đi vội vàng không kịp khóa hòm. Đến khi về thì bạn cùng phòng không thấy đâu, mà toàn bộ số tiền mình để trong hòm cũng “bay” sạch”.
“Thổi cơm chung nhưng không góp gạo”
Không chỉ là chuyện mất đồ mà chuyện tình yêu tình báo nơi xóm trọ cũng gây ra rất nhiều rắc rối.
Bạn Cao Thị Mai (Sinh viên trường Cao đẳng Du lịch) lại rơi vào trường hợp dở khóc dở cười khi Mai và một bạn cùng lớp tên Liên thuê chung một phòng trọ ở Cổ Nhuế (Từ Liêm - Hà Nội). Cả hai đều rất hợp nhau trong chuyện ăn, ở, sinh hoạt nói chung… nhưng riêng về chuyện “người yêu” bạn đến chơi khiến Mai bị ức chế kinh khủng. "Cứ vào ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật là Liên lại dẫn người yêu về nhà nấu cơm, chuyện trò, vui đùa thân mật với nhau. Một lần, hai lần không sao nhưng thường xuyên như vậy mình cảm thấy vô cùng bất tiện, không còn không gian riêng để nghỉ ngơi nữa” - Mai bức xúc chia sẻ.
Cùng chung hoàn cảnh với Mai, Trinh (sinh viên trường Đại học Tài nguyên- Môi trường) cũng không khỏi ức chế khi kể về chuyện ở ghép của mình. Trinh ở chung với một cô bạn khá thân, ban đầu thì không sao nhưng ở được một thời gian thì bạn cùng phòng bắt đầu dẫn người yêu về phòng chơi, ăn uống, cười đùa quá mức thân mật. "Một tuần có tới 4 ngày thì người yêu bạn có tới 4 ngày ăn cơm nhà mình. Đã vậy, cậu ấy không bao giờ đóng góp tiền nong hay mua bất cứ thứ gì đến. Cùng cảnh sinh viên tỉnh lẻ nên lúc đầu mình không tính toán nhưng lâu dần rồi mình cũng thấy chán cái cảnh “thổi cơm chung nhưng không góp gạo” ấy”.
Vấn đề nhà trọ và ở ghép vẫn là những vấn đề muôn thuở mà sinh viên ngoại tỉnh phải đối mặt khi học xa nhà. Điều quan trọng là trong từng hoàn cảnh, các bạn hãy thật cảnh giác và cẩn trọng hơn để tìm được người ở ghép phù hợp với lối sống, tính cách của mình.