Bi hài chuyện sĩ tử kiêng gặp “bà chửa” trước ngày thi
Không chỉ có thế, nhiều sĩ tử còn tránh gội đầu, cắt tóc... để tránh vận xui tìm đến.
Chuyện kiêng kị vốn được người Việt rất quan tâm bởi “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Không chỉ những dịp quan trọng như đầu năm, cưới xin, sinh nở… mà ngay cả trong hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng ngày, người Việt cũng tự liệt kê ra hàng loạt thứ phải kiêng để đảm bảo mọi thứ được diễn ra thuận lợi.
Một dịp nữa cũng rất quan trọng khiến các bậc phụ huynh và sĩ tử phải “lao tâm khổ tứ” kiêng kị đó là các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi cao đẳng, đại học. Bao nhiêu năm đèn sách được quyết định trong một vài giờ thi nên phụ huynh và học sinh sẵn sàng kiêng kị mọi thứ để có được sự may mắn.
Kiêng ăn đủ thứ
Trong những ngày chuẩn bị bước vào kỳ thi căng thẳng, hàng loạt thứ đồ ăn bị các bậc phụ huynh và sĩ tử “ghẻ lạnh” như: lạc, trứng, chuối... bởi quan niệm ăn lạc sẽ bị lạc đề, ăn trứng sẽ bị điểm 0, ăn chuối sẽ “trượt vỏ chuối”. Không những thế, ngay cả các loại dưa như: dưa hấu, dưa leo, dưa gang… cũng bị loại khỏi thực đơn của các sĩ tử bởi dân gian có câu “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.
Nhiều bậc phụ huynh và sĩ tử liệt kê ra hàng loạt điều kiêng kị để cầu may mắn cho kỳ thi (ảnh minh họa)
Lẽ tất nhiên, mực, thịt chó, mắm tôm… cũng là những đồ ăn các sĩ tử "dè chừng" bởi quan niệm khi ăn chúng sẽ gặp vận đen đã gắn liền với tiềm thức của người Việt. Đặc biệt, các bạn thí sinh thi Văn, Sử, Địa còn tránh ăn cả gà vì sợ chữ sẽ “xấu như gà bới”.
Bạn Vũ Thị Thư (học sinh trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “5 ngày trước khi thi mẹ mình cấm không cho ăn chuối và dưa dù hai quả đó mình rất thích. Mẹ mình bảo, chịu khó nhịn ăn những thứ ấy mấy ngày rồi thi xong thì ăn thoải mái, chứ giờ sắp thi mà ăn vào sợ đen đủi, mẹ không yên tâm. Mình chẳng hiểu chuyện ăn chuối với dưa thì có liên quan gì đến thi cử nhưng vì mẹ nhất quyết nên mình cũng phải chiều lòng”.
Bởi có hàng “tá” thứ phải kiêng như vậy nên thực đơn đồ ăn của các sĩ tử mùa thi rất nghèo nàn, đơn sơ, chủ yếu là cá, thịt và mấy loại rau. Kiêng kị như vậy chưa rõ may mắn thế nào nhưng không ít sĩ tử từng phải lao đao trong ngày thi vì thiếu dĩnh dưỡng.
Bạn Lê Minh Tuấn (sinh viên năm 3 trường Đại học Mỏ - Địa chất, quê Ninh Bình) kể lại chuyện bi hài của mình: “Mình vốn ghét cay ghét đắng ăn cá và tôm, thế mà suốt mấy ngày thi, mẹ mình ép phải ăn hai thứ đó, không cho ăn gà. Chưa kể, mình còn phải nói lời từ biệt cả đống thứ hoa quả mình thích. Vì không ăn được nhiều nên khi vào phòng thi, mình bị mệt lả, người vã mồ hôi. May vì năm đó thi Vật lý có 90 phút nên mình vẫn chống cự được đến hết giờ”.
Kiêng kị chuối, trứng, lạc, gà, mực… một cách triệt để nhưng các bậc phụ huynh lại hết sức “hối thúc” con ăn bí đỏ, đậu đỏ bởi cho rằng, ăn những thứ đó sẽ gặp may mắn.
Việc kiêng ăn những thứ được cho là đem lại điều xui chỉ nhằm giúp cho các bậc phụ huynh và sĩ tử ổn định tâm lý, yên tâm bước vào phòng thi. Tuy nhiên, một số trường hợp kiêng khem quá mức lại gây ra tác dụng ngược, may mắn chưa thấy đâu mà hậu quả đã treo lơ lửng trên đầu.
Dù rất bổ dưỡng nhưng dưa hấu và chuối vẫn bị nằm trong danh sách kiêng dè của các thí sinh
Trước khi nghĩ đến sự may mắn, chỉ số chiếm một phần rất nhỏ trong tổng hợp yếu tố làm nên thành công thì các bậc phụ huynh và sĩ tử nên quan tâm đến sức khỏe, ăn những thứ an toàn, đảm bảo chất dinh dưỡng để có sức khỏe tốt nhất “chiến đấu” với kỳ thi đầy cam go.
Kiêng bước chân trái, gặp bà chửa
Hàng loạt thức ăn bị loại khởi thực đơn mới chỉ là một phần nhỏ trong danh sách những điều cần kiêng kị của các bậc phụ huynh và sĩ tử. Còn rất nhiều điều cần kiêng kị khác vốn được áp dụng trong hoạt động kinh doanh, buôn bán, cuộc sống thường ngày thì dịp quan trọng như thi cử cũng không thể bỏ qua.
Đã tốt nghiệp ra trường nhưng Bùi Thị Vân Anh (sinh năm 1993, sinh viên Khoa Luật, trường ĐH Quốc gia Hà Nội) vẫn không quên được những tháng ngày thi cử đầy ắp những thứ phải kiêng của mình.
Vân Anh kể lại: “Trước khi đi thi mình buộc phải bước chân phải trước, tránh ra cổng gặp gái mà lỡ có gặp thì lại phải quay về ngồi chờ vài phút nữa mới được ra. Riêng bà chửa (phụ nữ mang bầu) thì tuyệt đối không được gặp. Hồi đó mình vừa bực vừa buồn cười vì sao người lớn lại nghĩ ra nhiều cái oái oăm thế”.
Một số sĩ tử còn tránh gặp bà bầu trước ngày thi (ảnh minh họa)
Không những vậy, gia đình Vân Anh còn kiêng không khởi hành vào ngày mùng 7. Vân Anh kể, trước đây, kỳ thi đại học khối C, D được tổ chức vào ngày mùng 9, 10 và trước đó một ngày thí sinh phải đến điểm thi làm thủ tục. Vân Anh định lên Hà Nội vào mùng 7 để có thời gian nghỉ ngơi nhưng bố mẹ nhất quyết không cho đi vì ngày mùng 7 xấu. Khi cô bạn thắc mắc, khái niệm “chớ đi mùng 7, chớ về mùng 3” chỉ tính theo ngày âm chứ không tính theo ngày dương thì bố mẹ tuyên bố dõng dạc rằng: “phải kiêng triệt để”.
“Ai dè, sáng mùng 8 mưa gió, sấm chớp đùng đùng mà mình thì lại sợ sấm sét nhất trên đời nên nhất quyết không đi. Nhưng bố mẹ dọa, nếu không lên Hà Nội làm thủ tục thì không được thi, phí 12 năm đèn sách thế là mình đành đánh liều, vừa đi vừa ấm ức”, Vân Anh chia sẻ.
“Nhưng có chuyện này còn hay hơn nữa, đó là cô giáo chủ nhiệm lớp 12 bọn mình tránh mang bầu trong suốt năm đó vì sợ đem lại xui xẻo cho học sinh. Giờ vẫn muốn cảm ơn tấm lòng của cô giáo dù nó có hơi hài hước”, Vân Anh vui vẻ kể lại.
Chuyện hợp tuổi không chỉ được nhắc đến trong dịp “xông nhà” đầu năm mà còn được áp dụng vào việc chọn người đưa con cái đi thi.
“Việc ai đưa mình đi thi trở thành đề tài bàn bạc của bố mẹ trong suốt cả buổi tối. Vì bố làm nghề xe ôm, thông thuộc đường sá nên muốn đưa mình đi, nhưng mẹ bảo bố tuổi Thìn không hợp với tuổi Sửu (là tuổi của mình) nên không đồng ý. Hai người bàn qua bàn lại cả tối, cuối cùng buổi sáng hôm sau, mẹ là người đưa mình đến làm thủ tục”, bạn Vũ Thị Thư (trường THPT Cầu giấy) chia sẻ.
Đối mặt với kỳ thi cam go, nhiều sĩ tử còn tránh gội đầu, cắt tóc, cắt móng chân, móng tay… để tránh vận xui tìm đến.
Không thể phủ nhận, ngoài kiến thức, tâm lý cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của các thí sinh trong kỳ thi gay cấn này. Việc kiêng kị tất cả những điều trên chỉ nhằm cầu mong may mắn, ổn định tâm lý cho sĩ tử. Tuy vậy, đó chỉ là những quan niệm dân gian, các bậc phụ huynh và thí sinh không nên để tâm lý kiêng dè gây ra những rắc rối không đáng có.