Bi hài chuyện ô sin... sướng hơn chủ
Trưa ăn cơm xong, chủ phải rửa bát, dọn dẹp, còn giúp việc thì lên phòng ngủ khì.
Chuyện thuê người giúp việc đã không còn lạ đối với một số cặp vợ chồng trẻ. Những tưởng “bấm bụng” bỏ ra một khoản tiền thuê người giúp việc thì cuộc sống sẽ bớt phần vất vả, vợ chồng được thanh nhàn hơn nhưng trên thực thế, nhiều gia đình lại rơi vào cảnh “lao đao”, “chồng chu vợ chéo” vì người giúp việc có tật nọ, tính kia.
Bởi vậy mà câu chuyện về người giúp việc trở thành những chủ đề “bà tám” không bao giờ dứt của các bà mẹ bỉm sữa.
Ô sin “trốn” việc
Dù không mấy “mặn mà” với chuyện thuê giúp việc nhưng vì nhà neo người mà công việc thì không thể bỏ nên vợ chồng chị Nguyễn Thị Giang (28 tuổi, giáo viên dạy tại Trung tâm tiếng Anh) phải “bấm bụng” đến trung tâm tìm ô sin.
Nhưng sau 3 tháng đưa ô sin về nhà, chị phải dở khóc, dở mếu than vãn rằng, bỏ tiền ra thuê người làm chẳng thể giúp chị bớt mệt mỏi. Đây cũng là lần đầu chị thuê giúp giúp việc, nhờ người thân tìm được một bác hàng xóm lên trông con giúp với mức lương 4 triệu/tháng, bao cả ăn, ở. Nhưng người giúp việc cũng chỉ làm đúng một công việc là trông trẻ, ngoài ra không hề động chân, động tay vào việc nhà.
Nhiều bà mẹ đau đầu khi thuê phải ô sin lười nhác (ảnh minh họa)
“Thấy mình đi làm về là bà ấy bế con đi chơi, còn mình thì nấu cơm, giặt giũ. Ăn cơm xong, bà ấy lại chạy đến ôm con, còn mình thì bê bát đi rửa. Nhà cửa bẩn thỉu, bụi bặm thì cuối tuần hai vợ chồng chúi đầu vào nhau mà lau dọn. Trưa nào bà ấy cũng ngủ khì từ 1 đến 2h chiều. Còn mình thì tất tưởi, ăn cơm, rửa bát xong ngồi với con được vài phút thì phải đến cơ quan. Lắm lúc bực quá, thủ thỉ với chồng bảo cho bà ấy nghỉ việc, thuê người khác nhưng chồng lại can: “Thôi, dù gì họ cũng là hàng xóm ở quê, đuổi rồi về quê lại lắm chuyện”. Ấy thế mà mình cũng không chịu được quá 5 tháng, phải “tiễn” bà ấy về quê thật”, chị kể.
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Vân Anh về "nàng ô sin" lười nhác, "trốn việc", lấn lướt chủ nhà cũng khiến người nghe phải bật cười.
“Tớ mới “vớ” được một nàng giúp việc 42 tuổi chưa chồng (không chồng). Tháng đầu thì rất tử tế, nhiệt tình trông cháu và làm việc nhà nên ai cũng quý. Thế là được đằng chân lân đằng đầu, không coi tớ ra gì luôn. Nhắc nhở một tí thì mặt nặng mày nhẹ, lau được cái nhà thì kêu mỏi gãy lưng rồi mùi nước lau nhà khó ngửi.
Chơi với con tớ nửa tiếng thì kêu mệt, suốt ngày lợi dụng thằng cu quấn mẹ mà quẳng cho tớ trông (tớ làm việc ở nhà). Hôm nào bảo chị ấy trông con cho tớ ra ngoài thì y rằng 11 giờ trưa chưa có cơm ăn. Trưa ngủ hẳn đến 3 giờ chiều, sáng có hôm tớ mệt, tớ ôm con đi ngủ thì nàng cũng đi ngủ. Nói chung là vô cùng nẫu. Tớ chờ cố đến khi bà ngoại về hưu là cho nàng... lên đường”.
Thuê phải giúp việc lười đau đầu là thế nhưng không phải cứ tìm được người chăm chỉ đã là “phước lớn”. Chị Bình (quê Hải Dương, hiện đang làm việc ở Hà Nội) từng vui mừng vì thuê được một người giúp việc chăm chỉ, cần mẫn nhưng dần dà lại phát sợ vì họ quá chậm chạp.
Chị kể: “Mình vừa sinh cháu thứ 2 được gần 2 tháng, có thuê một cô giúp việc để đỡ đần việc nhà. Cô thì cũng thật thà nhưng chậm chạp quá, lại không biết nấu ăn. Từ 10 - 12 giờ trưa, cô nấu mãi mới xong được bữa cơm mà cũng có phải cơm nước cầu kỳ gì đâu. Mình cũng đã nói rất kỹ về khẩu vị ăn của cả nhà vậy mà cô vẫn nấu kiểu canh mùng tơi cho dầu, mướp xào cho hành… Thấy thế, mình bảo cô chăm con để mình làm việc nhà, nhưng hễ sang tay cô là đứa bé khóc ré lên. Thế là, cả ngày cô cứ lui khui dưới bếp. Không biết là cô chậm thật hay cố tình làm chậm để trốn việc nữa”.
“Trùm” buôn chuyện
Bỗng nhiên có thêm một người lạ trong nhà, sinh hoạt gia đình đảo lộn là điều không thể tránh khỏi. Nhiều người còn ví, người giúp việc giống như “tình báo”, nhiều chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường cũng chỉ vì người giúp việc buôn chuyện mà ra.
Nhiều câu chuyện "trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường" chỉ vì cái "loa phóng thanh" của người giúp việc (ảnh minh họa)
Chị Ngọc Thùy, cũng từng đau đầu khi thuê phải người giúp việc kiểu này. Không tin tưởng tìm người qua trung tâm, chị nhờ ông bà ngoại giới thiệu cho một người giúp việc ở quê từng có 2 năm kinh nghiệm.
Ngày đầu tiên đến nhận việc, người giúp việc đã thao thao kể về xấu gia đình trước rằng khó tính, keo kiệt khiến chị phải đôi phần cảnh giác, đề phòng. Tuy vậy, “giặc nhà” khó tránh, vợ chồng chị vẫn không ít lần phải “té ngửa” vì những câu chuyện trong nhà không cánh mà bay ra khắp đầu làng, cuối ngõ.
“Bác ấy không chỉ buôn chuyện với hàng xóm láng giềng ở đây mà còn truyền về tận quê. Có lần, mẹ tôi điện ra hỏi: “Vợ chồng mày làm sao mà nửa đêm, nửa hôm cãi nhau để người ta chê cười thế hả?”, tôi giật mình rồi phân trần: “Vợ chồng tránh sao được lúc xô bát xô đũa”. Sau đấy, tôi cũng chỉ bóng gió nhắc nhở bác ấy rồi cho qua chuyện.
Ấy thế mà chưa hết, lần khác mẹ tôi lại gọi điện ra trách: “Ngày lễ, ai người ta cũng thưởng cho người giúp việc, sao mày không cho bác ấy đôi đồng”, tôi bực quá gọi luôn bác giúp việc đến nghe máy thì bác ấy nhỏ nhẹ: “Già cả rồi hay nhớ nhầm”. Thôi thì bác nhận mình già cả rồi thì tôi cũng cho bác nghỉ luôn”.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, câu chuyện éo le liên quan đến người giúp việc của mỗi nhà cũng khác nhau. Chị Thủy (31 tuổi, nhân viên kế toán ở Hương Canh, Vĩnh Phúc) cũng là người gặp nhiều vấn đề với người giúp việc quá đến mức phải thốt lên “Ô sin đúng là nợ đời”.
Nhiều bà mẹ bị ô sin "bỏ bom" phải nghỉ việc ở nhà ôm con (ảnh minh họa)
Chị than vãn: “Tôi cũng ớn thuê giúp việc quá rồi. Người vừa rồi cũng là người thứ 3 trong năm nay, đã chốt rất kỹ lưỡng nhưng đúng là họ chỉ toàn biết việc của họ, ban đầu thì hứa gắn bó lâu dài rồi chăm chỉ này nọ nhưng cuối cùng thì toàn bỏ dở nửa chừng. Hôm rồi, bác giúp việc bảo cho về thăm nhà 4 ngày (theo thỏa thuận 2 tháng 1 lần/3 ngày). Tôi cũng cho tiền tàu xe rồi sắm quà cáp đủ cả kèm theo hai tháng lương. Sau bốn ngày, bác gọi điện bảo con đang ốm, mai mới lên được. 5 giờ sáng hôm sau gọi bác lại bảo, đang ra bắt xe. Cuối cùng đã 10 ngày rồi mà chưa thấy bác đâu. Mình chỉ còn nước dở khóc dở mếu xin nghỉ việc ở nhà ôm con”.
Không ít gia đình còn gặp phải những người giúp việc có tính tắt mắt, trộm cặp vặt. Rồi cả tình trạng giúp việc không làm theo những gì đã thỏa thuận, không giữ chữ tín...
Mối quan hệ giữa người giúp việc và chủ nhà cũng phức tạp không kém các mối quan hệ khác trong xã hội. Thiết nghĩ, nếu đôi bên đều có thể hiểu chuyện, bên cạnh những lợi ích có thể sống vì nhau chút ít thì có thể mọi thứ sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều.