Bé "hạt tiêu" xông pha trên tuyến đầu đẩy lùi COVID
Không may mắc COVID trong thời gian hỗ trợ địa phương lấy mẫu xét nghiệm, sau khi khỏe hẳn, nữ sinh phổ thông đem chính hiểu biết trong những ngày trị bệnh cùng sự tận tâm để đồng hành, cứu chữa người bệnh F0.
Cẩm Tiên vác bình phun khử khuẩn (Ảnh: NVCC)
Cuối tháng 7, trong lúc tham gia hoạt động tình nguyện hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, Lê Võ Thị Cẩm Tiên (học sinh lớp 12, Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM) không may bị nhiễm COVID-19.
"Bé hạt tiêu" của đội cấp cứu F0
Cẩm Tiên điều trị cách ly ở Bệnh viện dã chiến số 10 (TP. Thủ Đức) được một thời gian thì có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 và tiếp tục được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày nữa. Sau khi khỏe hẳn, Tiên tiếp tục đăng ký tình nguyện tại đội phản ứng nhanh hỗ trợ cấp cứu điều trị F0 ở phường 3, quận 11.
Cô nàng nhỏ nhắn luôn đồng hành với niềm vui của bà con bằng những phần quà mà cô "bán" với giá "một nụ cười".
Chia sẻ về những hoạt động hỗ trợ chống dịch của mình trong những ngày vừa qua, Cẩm Tiên cho biết cô tham gia nhiều việc diễn ra xuyên suốt cả ngày. Nữ sinh phổ thông trung học luôn xốc vác, năng nổ mọi công việc tình nguyện trong đội, từ việc hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, mang thuốc cho người bệnh, phát quà cho người dân cho đến phun khử khuẩn, ôm bình oxy đi cấp cứu F0...
Trong những buổi đi lấy mẫu truy vết trong cộng đồng, với những trường hợp dương tính, các thành viên trong đội sẽ chia nhau thông báo cho người dân hoặc sẽ phân công nhau đưa thuốc đến nhà nếu họ có các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Đặc biệt trường hợp F0 nào có chỉ số SpO2 xuống thấp dưới 80 hoặc khó thở, nguy cấp thì đội với sự hỗ trợ của lực lượng quân y, sẽ đến nhà cấp cứu bệnh nhân. Lắm lúc Cẩm Tiên tức tốc vác bình oxy đến tận nhà trợ thở cho các bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp, rất cần nguồn oxy.
Kỷ niệm hoạt động tình nguyện của Tiên cùng các anh bộ đội trong những ngày thành phố siết chặt giãn cách (Ảnh: NVCC)
Ngày nào không kẹt cấp cứu thì đội của Tiên lại cùng các chiến sỹ bộ đội, dân quân đi phát lương thực, rau quả cho người dân trên địa bàn trong những ngày ở nhà thực hiện giãn cách xã hội.
Cẩm Tiên chia sẻ, những buổi đi phát lương thực, đồ ăn cho người dân như vậy, cô cảm nhận rõ niềm vui của họ khi nhận được món đồ thiết yếu trong lúc không thể ra khỏi nhà. Chỉ là phần quà nhỏ thôi nhưng cũng đủ làm họ vui cười và từ đó “truyền” sang cả mình.
“Khi tụi mình đi phát, có cô chú còn hỏi là phần đó bao nhiêu tiền vậy con. Mình mới nói vui là giá bằng một nụ cười, cô chú cứ cười là tụi con phát thôi. Và thế là bà con ở đó cười rộ lên làm mình vui lắm. Niềm vui chỉ là vậy thôi chứ không cần gì đó to tát, cao siêu”, Cẩm Tiên bày tỏ.
Mặt khác, cũng vì từng mắc COVID nên Tiên có thể nắm bắt, hiểu được tâm lý người bệnh, những điều mà nữ sinh Sài thành này từng trải qua không lâu. Chính vì lẽ đó, cô càng muốn dành hết tâm sức của mình hỗ trợ điều trị, chăm sóc, động viên cho F0.
Khoảnh khắc giá trị trong đời
Đến giờ, Cẩm Tiên cảm thấy thời gian đã qua không hề hoài phí khi chính công việc tình nguyện đã cho cô nắm bắt và tích lũy được những kỹ năng quý báu không dễ gì có được. Những ngày làm “chân chạy” cấp cứu hỗ trợ F0, Tiên đã biết đo SpO2, huyết áp, hướng dẫn cách thở, vỗ lưng giúp người bệnh dễ thở, tư vấn ăn uống sao cho nhanh hồi phục…
“Mình đã là F0 nên hiểu tâm lý của người bệnh như thế nào, hiểu được nỗi sợ cũng như những điều họ mong muốn. Từ những điều đó đã góp phần giúp người bệnh vượt qua nguy kịch”, Cẩm Tiên bộc bạch, đồng thời cho rằng đó chính là khoảnh khắc mà cô vui nhất, bởi nỗ lực của bản thân đã cứu được người khác.
Chiến thắng COVID-19, giờ đây Cẩm Tiên đem chính hiểu biết về căn bệnh, cùng tinh thần lạc quan, nhiệt huyết của tuổi trẻ để tiếp sức người bệnh sớm vượt qua bệnh tật.
Ở trường phổ thông, Cẩm Tiên cũng năng nổ với hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ về gia đình, nữ sinh nhỏ tuổi cho biết ngoài bản thân cô, những người thân trong nhà cũng nhiễm COVID cùng thời gian với mình. May mắn là họ đã khỏe mạnh trở lại trong một thời gian ngắn, phần nào giúp Tiên có thể tiếp tục hành trình góp sức cứu F0.
“Khi gia đình đã khỏe mạnh, mình xin được đi hỗ trợ mọi người để giúp nhiều người khác khỏi bệnh. Lúc đó bà ngoại thương mình và khóc nhiều lắm. Rồi ngoại dặn thôi thì ráng đi, mong mau hết dịch rồi về với ngoại. Lúc đó mình chỉ biết vừa khóc vừa dọn đồ đi”, Cẩm Tiên nhớ lại.
Dù nhỏ tuổi nhất, Tiên được các anh chị trong đội bầu làm trưởng nhóm.
Theo Tiên, chính vì mình nhỏ tuổi nhất, các anh chị có thể thoải mái chia sẻ trao đổi với cô, từ đó giúp công việc trong đội diễn ra trôi chảy hơn.
Những ngày đầu tiếp cận công việc mới, cô nàng “bé hạt tiêu” này bận bịu suốt ngày với các hoạt động hỗ trợ các anh chị trong đội, xong hoạt động cũng khá mệt nên vùi vào giấc ngủ. Còn giờ công việc đã vào guồng và ổn định, nữ sinh cũng thường tranh thủ gọi về cho ngoại an tâm.
Nguồn: [Link nguồn]
Nguyễn Ngọc Bảo Trúc, sinh viên trường Đại học Xây dựng Miền Tây không ngại khó khăn và nguy hiểm xung phong vào điểm...