“Bày binh bố trận” để tỏ tình

Những lá thư tình từ đất liền ra nhà giàn DK1 và ngược lại là sợi dây gắn kết để tình yêu của họ nở hoa. Sau hơn 3 năm, họ nên vợ nên chồng.

Chuyện tình của thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Giáp và cô giáo dạy nhạc Nguyễn Thị Diệp ở trường tiểu học Lê Hồng Phong huyện Long Điền, Bà Rịa- Vũng Tàu là “mô hình” để nhiều lính DK1 học tập!

San hô biển thay lời hẹn ước

Qua 2 lần hẹn, tôi mới gặp được Giáp và Diệp- cặp tình nhân đẹp trong các câu chuyện tình lãng mạn của lính nhà giàn DK1. Cô giáo trẻ bẽn lẽn, còn chàng lính thì cứ nhìn sâu vào mắt người yêu.

Giáp bảo “Lính nhà giàn chỉ có trái tim chung thủy, còn gia tài là ba lô, sự nghiệp là tình yêu Tổ quốc. Yêu lính nhà giàn nghèo nhưng hạnh phúc. Đã không “cưa” thì thôi, chứ đã “cưa” thì chỉ có đổ”. Nhìn Giáp, Diệp bĩu môi: “Anh chỉ lẻo mép, ngày ấy sao hiền thế. Em mà không lấy anh, chắc giờ này anh còn ế dài”. Họ nói cười bên ly cà phê cuối tuần.

Giáp kể, khi ấy, anh là học viên năm cuối của trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân, đem lòng yêu thầm nhớ trộm cô giáo dạy nhạc mới ra trường. Tiếng “mì mồ mà” của cô giáo luyện thanh cho các em như lực hút chàng lính trẻ nhà giàn DK1 vốn chỉ quen với huấn luyện “Mốt hai mốt” và nắng gió của biển khơi. Qua nhiều lần “tán tỉnh” bị từ chối, Giáp “bày binh bố trận” bằng mọi cách chinh phục người đẹp trong một lần nghỉ phép ở đất liền.

Tối ấy, Giáp mời Diệp đi uống cà phê ở quán cà phê Không Tên (ở phường 12 thành phố Vũng Tàu). Hơn chục người bạn áo lính được bí mật đến trước “yểm trợ”. Những ly cà phê được dọn sẵn mà không ai cất lời. Bất ngờ, Giáp lấy từ trong ngực áo yếm hải quân cành san hô biển trắng và nói: “Anh yêu em. Xin tặng em cành san hô này như thay lời muốn nói anh rất yêu em. Tình yêu người lính nhà giàn mộc mạc chân thành chỉ thế”. Mọi người ngồi quanh vỗ tay rào rào. Diệp bất ngờ và xúc động, nhận cành san hô trên tay Giáp mà run quá, quên cả lời cảm ơn.

Sáng hôm sau, Giáp theo tàu Hải quân đi ra nhà giàn. Chia tay trên cầu cảng, Diệp chẳng nói câu nào, chỉ nhìn người yêu. Nắm chặt tay Diệp, Giáp hẹn ngày về: “Anh đi năm sau sẽ về rồi mình làm lễ cưới. Anh chẳng thay đổi gì đâu. Hãy tin và đợi anh về”. Tàu hú 3 hồi còi rồi từ từ rời bến, bóng Giáp xa dần. Diệp trở về với học trò trong lòng đầy ắp niềm tin.

“Bày binh bố trận” để tỏ tình - 1

Cô dâu Diệp hát trong ngày cưới của mình

Nhờ sóng biển gửi lời thương nhớ

Thời gian lặng lẽ trôi, Giáp đi làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1 và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau hơn một năm phấn đấu, anh được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, là đảng viên trẻ nhất của tiểu đoàn DK1, 3 năm liền là chiến sĩ thi đua. Diệp ở đất liền là cô giáo dạy giỏi, mỗi lần có tàu ra nhà giàn thay trực, Diệp gửi cho Giáp những lá thư nồng nàn lời yêu.

Sau 3 năm nhờ sóng biển gửi lời thương nhớ, Giáp và Diệp làm lễ cưới tại nhà hàng Đông Xuyên thành phố Vũng Tàu. Trong tiếng nhạc rộn ràng, chú rể mặc quân phục lấp lánh ngôi sao, cô dâu mặc áo cưới màu xanh lá mạ trong niềm vui hân hoan của bạn bè đồng đội. Ly rượu ngày vui và những bông hồng rực rỡ. Sau nghi thức lễ thành hôn, Giáp hát tặng Diệp bài “Gần lắm Trường Sa”. Diệp hát tặng Giáp bài “Yêu lính nhà giàn” do chính cô sáng tác với những ca từ sâu lắng “Cả cuộc đời em chỉ yêu lính nhà giàn/Bởi nơi ấy có nhành san hô trắng/Bởi tình yêu trào dâng rồi phẳng lặng/Sau mỗi chuyến tàu em lại thấy yêu hơn”.

Hai tuần sau ngày cưới, Giáp trở lại nhà giàn làm nhiệm vụ, Diệp ở đất liền ngày 2 buổi đến trường. Giáp mới từ nhà giàn DK1 về sau những ngày dài xa vợ. Giáp quả quyết: “Chuyến này, phải có em bé. Vợ em mong lắm rồi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Cường (Tiền phong)
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN