Bắt nhân viên ăn sống mướp đắng vì không đạt chỉ tiêu
Một công ty đã yêu cầu những người không đạt chỉ tiêu kinh doanh ăn sống mướp đắng.
Một công ty trang trí nội thất ở Trùng Khánh, Trung Quốc đã áp dụng một hình thức trừng phạt mới: Ăn sống mướp đắng. Những hình ảnh trong cuộc họp nhanh chóng được chia sẻ lên mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của cư dân mạng.
Theo một nhà quản lý, họ đưa ra hình phạt này với mong muốn “thúc đẩy” những người làm việc chưa hiệu quả có động lực phát triển hơn trong tương lai.
Các nhân viên công ty phải lên khán đài để ăn mướp đắng trước sự chứng kiến của nhiều người khác.
Trong bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, trên khán đài buổi họp, một số nhân viên khó khăn cắn những trái mướp đắng, phía dưới hàng ghế là các đồng nghiệp khác đang nhếch mép cười nhạo.
Dù chưa từng ăn mướp đắng hoặc vô cùng ghét nó, hãy hiểu là không ai quan tâm đến điều đó. Bạn vẫn phải ăn số lượng mướp như lãnh đạo yêu cầu.
Chia sẻ với phóng viên, một người bị phạt cho biết “Đây là lần đầu tôi ăn loại quả này. Nó thực sự rất khó nuốt. Thế nhưng, tôi vẫn phải nuốt nó dù nó khiến tôi nấc cụt”.
Trước đây, công ty này đã áp dụng các hình thức phạt khác như chạy quanh văn phòng 2 – 3 vòng hay đẩy tạ, chống đẩy. Tuy nhiên, giám đốc công ty cho rằng những cách đó đã quá cũ nên thay đổi bằng hình thức mới – ăn mướp đắng - này. Và trong cuộc họp hôm đó, có tới 40 nhân viên của công ty phải chịu nhận hình phạt trong tổng số 100 thành viên.
Đây là loại mướp đắng mà các nhân viên phải ăn.
Chưa biết việc trừng phạt có giúp doanh số của công ty tăng lên hay không nhưng hiện đã có 50% số nhân viên bị phạt quyết định nghỉ việc.
Một nữ nhân viên cho biết lý do “Chúng tôi không đủ năng lực để thỏa mãn kỳ vọng của cấp trên. Dù áp lực cao như vậy nhưng chúng tôi nhận được mức thu nhập rất thấp. Quan trọng nhất, việc bị trừng phạt trước các đồng nghiệp khác khiến tôi vô cùng xấu hổ”.
Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, hình thức trừng phạt của công ty này nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Một luật sư cho biết, người lao động hoàn toàn có thể báo cáo sự việc với cơ quan chức năng. “Công ty này đã vi phạm luật lao động của Trung Quốc. Ngoài ra, đó như là một sự vi phạm nhân quyền”, anh này chia sẻ.
Cư dân mạng Weibo cho biết: “Nếu là họ, tôi sẽ nghỉ việc ngay lập tức. Tôi không muốn phí thời gian và năng lực của mình cho một công ty mà không tôn trọng nhân viên của mình”.
Trước đây, nhiều người lao động ở Trung Quốc tự hào về khả năng chịu đựng khó khăn. Thế nhưng công ty này có vẻ hơi cực đoan, vượt xa khả năng chịu đựng đó khiến nhân viên không còn muốn gắn bó.