Bất ngờ với tiểu thuyết của nữ sinh lớp 11
Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết, em phải lén lút thực hiện trong thời gian 6 tháng.
Không chỉ gây sốt cộng đồng mạng trong giới tuổi teen mà cuốn tiểu thuyết đầu tay “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không?” vừa xuất bản của nữ sinh Mai Như Quỳnh, học sinh lớp 11, trường THPT Lệ Thủy (Quảng Bình) khiến gia đình, bạn bè, nhà trường và cả giới chuyên môn bất ngờ.
Viết tiểu thuyết “chui”
Cầm cuốn tiểu thuyết dày 450 trang vừa mới xuất bản vào tháng 4/2013 nhưng đã nhàu nát vì có nhiều người mượn đọc, ông Mai Văn Định, bố của nữ sinh Mai Như Quỳnh rưng rưng nói: “Tôi thật có lỗi với con. Vì không hiểu con nên đã vô tình cấm cản, khiến con phải theo đuổi niềm đam mê trong sáng của mình trong sự lén lút và sợ hãi”.
Là một sỹ quan quân đội, đại tá Mai Văn Định, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự Quảng Bình quá hiểu những cám dỗ nguy hiểm trong thế giới ảo. Là người thường xuyên xa nhà, để an toàn, ông đã dùng “luật sắt” của quân đội, cấm tiệt con rong chơi trên mạng, mỗi ngày chỉ được phép dùng máy vi tính học bài trong vòng hai giờ đồng hồ. “Có lần thằng út nhà tôi mách, “bố ơi, chị Quỳnh đang viết tiểu thuyết”, tôi đã gạt phắt đi, vì cứ nghĩ chúng bày trò để được chơi vi tính” - ông Định nhớ lại.
Như Quỳnh không đủ tự tin bày tỏ với cha mẹ về niềm đam mê của mình. Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết, em phải lén lút thực hiện trong thời gian 6 tháng, cùng với sự giúp sức bằng việc “cảnh giới” của cậu em trai học lớp 5. Việc làm của Như Quỳnh diễn ra trong vòng bí mật, chỉ duy nhất em trai và cô bạn thân ở lớp biết.
Như Quỳnh giúp bà ngắt rau.
“Tôi cầm cuốn sách của con đưa cho mà hai hàng nước mắt cứ chực trào ra. Cảm giác ân hận, xen lẫn tự hào dâng trào, tôi đã quá cứng nhắc, quá vô tâm với con mình”. - Đại tá Mai Văn Định |
Như Quỳnh tâm sự, em đam mê truyện tranh Nhật Bản từ nhỏ. Ngoài những cuốn truyện cha mẹ mua tặng những dịp sinh nhật, em đã nhịn ăn sáng, dành dụm tiền mua sách về đọc. Khi nhà nối mạng internet, em tranh thủ thời gian đọc truyện trên mạng. Lên học cấp hai, em đã là trưởng nhóm bạn thân chuyên dịch truyện tranh trên mạng và nhận được nhiều phản hồi tích cực của bạn đọc trong diễn đàn. Chính thế giới “thần tiên” của truyện tranh đã giúp em nhận thức, trau dồi câu chữ, sự phong phú trong tưởng tượng, để rồi từ dịch truyện của người khác, em mạnh dạn viết những câu chuyện của riêng mình.
Cuốn tiểu thuyết “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không?” được Như Quỳnh bắt tay vào viết từ năm lớp 10, sau một số tác phẩm bị dang dở trước đó do sự kiểm soát gắt gao của cha mẹ và việc học hành, thi cử. Những chương đầu tiên của cuốn “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không?” được Như Quỳnh đưa lên mạng với bút danh Suzu Fukazime để “qua mặt” cha mẹ.
Sự khích lệ tích cực từ diễn đàn đã giúp em quyết tâm hoàn thành niềm đam mê của mình. Với gần 1 triệu lượt đọc, bình luận phản hồi trên mạng, tác phẩm của em nhanh chóng được Nhà xuất bản Văn học để ý, và 1.000 cuốn đầu tiên được xuất bản trong sự ngỡ ngàng của Như Quỳnh.
“Sách ra rồi, nhà xuất bản gửi cho em 10 cuốn, nhưng em không dám mang về nhà mà gửi ở nhà bạn. Đứa bạn thân của em đưa cho các bạn trong lớp đọc nhưng không ai biết là của em. Tám triệu nhuận bút mà nhà xuất bản gửi về em cũng gửi luôn nhà bạn vì mang về nhà sợ bị lộ” - Như Quỳnh kể.
Nhưng rồi bí mật cũng bị “bại lộ” khi cô bạn thân bép xép nói cho một số bạn trong lớp kèm theo lời dặn “tau chỉ nói với mi, đừng nói với ai cả nhé, lộ ra là con Quỳnh chết với ba hắn đó”. Câu chuyện của cô bé Quỳnh xuất bản tiểu thuyết nhanh chóng lan ra cả trường. Thầy giáo chủ nhiệm đến nhà gặp bố Như Quỳnh chúc mừng, ông ngớ người không hiểu. Sau một hồi truy xét, Quỳnh mới thừa nhận toàn bộ “lỗi lầm” của mình với bố mẹ.
Hiện tượng
Bìa của cuốn tiểu thuyết
Xuyên suốt tiểu thuyết “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không?” là bối cảnh gia đình, bạn bè và ngôi trường thân yêu của mình, được Như Quỳnh phô diễn bằng trí tưởng tượng phong phú qua giọng văn tưng tửng của lứa tuổi học trò. Những xung đột của các nhân vật ở lứa tuổi mới lớn trong truyện cho người đọc cảm nhận một nét rất riêng, rất học trò, đó là sự hồn nhiên, tình cảm trong sáng, dễ thương nhưng cũng không kém phần hài hước. Nhân vật chính trong truyện là nữ sinh “cá biệt”, mạnh mẽ, tưởng chừng như không bao giờ yêu, vô tình lại phải lòng anh chàng bí thư lạnh lùng đầy bí ẩn. Và cô từ từ nhận được những câu hỏi mơ hồ lẫn lộn “Thừa nhận đi, cậu yêu tôi phải không?”.
Ông Nguyễn Bình An, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình nhận xét: Ông đã rất bất ngờ khi đọc xong cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô bé đang học lớp 11. Với 450 trang sách, nhiều nhân vật, nhiều mối quan hệ đan xen nhưng em đã sắp xếp một cách logic, tạo cho người đọc đi từ bất ngờ này, đến bất ngờ khác. Tuy nhiên, do quá đam mê truyện tranh Nhật Bản, nên nhân vật của Như Quỳnh xây dựng có phần xa rời hồn Việt, quá hiện đại so với thực tại, nhưng chất văn chương và sức sáng tạo của Như Quỳnh thì đáng được ghi nhận.
Ông An tin tưởng Như Quỳnh sẽ thành công trên con đường viết lách nếu được động viên và đào tạo bài bản. Vùng đất Lệ Thuỷ, nơi Như Quỳnh sinh ra và lớn lên là cái nôi của nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đương thời như: Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Đỗ Hoàng... “Cách đây mấy năm, cũng gốc Lệ Thủy, cô bé Lê Huyền Minh đã ra tập thơ đầu tay “Bé và mặt trời” lúc tròn 10 tuổi, và giờ là cô bé Như Quỳnh ra tiểu thuyết. Tôi cho đây là hai hiện tượng trong đời sống văn học của Quảng Bình cần được quan tâm đúng mức”.
Cô giáo dạy văn của Như Quỳnh, Nguyễn Thị Quỳnh Trang cho biết: Như Quỳnh là học sinh ngoan, có phần nhút nhát, khép kín. Em học đều các môn, điểm văn của em luôn suýt soát giỏi. “Khi đọc cuốn tiểu thuyết của em Quỳnh tôi đã rất bất ngờ. Không chỉ câu chữ chỉn chu mà em có một trí tưởng tượng phong phú, một cuộc sống nội tâm mạnh mẽ. Qua hiện tượng của Như Quỳnh, tôi thấy cách dạy văn hiện nay còn quá khuôn khổ, giáo điều không những không giúp các em sáng tạo mà chính người dạy cũng khó phát hiện tố chất của học trò để động viên, bồi dưỡng” - cô Trang nói.