Bật khóc trong đám cưới, cô dâu thừa nhận mình không có tình yêu với chồng
Cô dâu 20 tuổi thú nhận rằng cô không yêu người đàn ông trong lễ cưới.
Mới đây, cô gái họ Yan (đến từ tỉnh Quý Châu, Trung Quốc) trở thành tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội ở đại lục. Trong clip lan truyền trên mạng, cô dâu 20 tuổi bật khóc ngay trong đám cưới, thừa nhận mình không có tình yêu với chú rể và chỉ kết hôn để làm hài lòng bố mẹ, theo SCMP.
Theo chia sẻ của Yan, chú rể là người cô quen biết trong một buổi hẹn xem mắt. Cô gái nhấn mạnh thêm mình không muốn bắt đầu cuộc sống hôn nhân với người đàn ông xa lạ.
Những hình ảnh lan truyền cho thấy cô dâu mặc váy trắng, không nhìn vào ống kính và nước mắt chảy dài. Yan cho biết cô kết hôn vì cha mẹ muốn như vậy, để theo đúng chuẩn mực văn hóa xã hội.
"Bố mẹ tôi ngày càng già đi và tôi cũng vậy. Người thân bên cạnh thường xuyên hối thúc. Những người hàng xóm thì bàn tán, chê bai", cô nói.
Cô đã chịu rất nhiều áp lực, bị ép kết hôn từ nhiều phía. Để kết thúc mọi chuyện, cô gái đồng ý gặp mặt người đàn ông theo mai mối và quyết định kết hôn ngay dù không có tình cảm với anh. "Kết hôn để vừa lòng bố mẹ, bản thân tôi cảm thấy cuộc sống hôn nhân không có tương lai", cô nói.
Cưới cho xong chuyện là một hành động thiếu trách nhiệm đối với cuộc đời mình
Khi người ta đã trưởng thành, đã lớn khôn thì lẽ tất nhiên là phải yên bề gia thất. Suy nghĩ ấy không sai. Chả thế mà, thấy nhà bên có đám cưới, ba mẹ chạnh lòng, sốt ruột thay cho những "trai khôn", "gái lớn" nhà mình. Kế đó là khuyên răn, giục giã: "Ba mẹ có tuổi rồi cũng muốn con cái ổn định, có con bồng con bế như vậy mới yên lòng" rồi là "Mấy đứa bạn con cưới hết cả rồi đấy!"...
Lời dạy đầy ngậm ngùi ấy có lý, có tình lắm chứ, con nào chẳng phải suy nghĩ. Thế nhưng khi những lời lý tình ấy trở thành điệp khúc chào đón mỗi lần con trở về nhà thì vô tình nó trở thành một áp lực tâm lý. Người ta ai cũng muốn tìm được một nửa của mình để cùng đồng cảm, cùng yêu thương và sẻ chia nhưng trên đường đời này đâu phải ai cũng may mắn tìm được nhau?
Cái khó ấy cộng với những lời thúc giục của gia đình khiến cho những đứa con đôi khi chẳng muốn về nhà vào những dịp cuối tuần hay thậm chí là đi đến quyết định gặp gỡ sơ qua một người nào đó rồi vội cưới cho xong nghĩa vụ.
Ảnh minh hoạ
"Cưới cho xong" - nghe như gượng ép, nghe như việc phải làm trong khi không hứng thú, nhưng đó là thực tế mà nhiều người đã chọn lựa khi đã đến tuổi "dựng vợ gả chồng". Để rồi sau đó là vô vàn những hệ lụy khổ đau.
Cưới nhau mà chưa kịp hiểu nhau, chưa cùng trân trọng những ưu điểm, chưa cùng bao dung những khuyết điểm của nhau thì e là sẽ khó khăn cho cuộc sống gia đình.
Đã có những người vội vàng nhắm mắt đưa chân lên xe hoa để rồi 2 tháng sau đường ai nấy đi bởi chỉ là không hợp. Cái sự không hợp ấy khơi nguồn chỉ là những bất đồng nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày nhưng nếu không đủ yêu thương, không đủ bao dung và thấu hiểu thì ngày nay, ngày mai nó sẽ là nguyên nhân của những tan vỡ.
Cũng có những người ngậm ngùi mà chấp nhận cuộc sống "cơm không lành, canh chẳng ngọt" kia chỉ vì con vì cái. Dẫu biết rằng những đứa con luôn là sợi dây gắn kết gia đình và là động lực để người ta cố gắng nhưng liệu những đứa trẻ sinh ra trong môi trường ấy liệu có thực sự hạnh phúc?
"Cưới cho xong chuyện" hay lập gia đình để cho người thân yên lòng thực chất là một hành động thiếu trách nhiệm đối với cuộc đời mình. Hôn nhân là chuyện quan trọng cả đời người và không ai có thể chọn "một nửa" thay bạn được. Chỉ bạn mới biết ai phù hợp và có thể chung sống hạnh phúc với mình. Và cũng chỉ khi có tình yêu, sự cảm thông và tìm hiểu kỹ lưỡng giữa hai người, hôn nhân mới có thể nồng ấm, bền lâu.
Sự hiểu lầm của mọi người đã khiến cô dâu đã phải đích thân lên mạng đính chính.
Nguồn: [Link nguồn]