Bất hạnh đè nặng cuộc đời cô giáo mầm non đi xin con

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Hạnh phúc làm mẹ vừa mỉm cười thì nhiều bi kịch lại ập xuống với chị.

Khát khao làm mẹ cháy bỏng của cô giáo mầm non Ngô Thị Ngọc (SN 1970, trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) kéo dài hơn 10 năm trời. Khát khao ấy là động lực khiến người phụ nữ này mạnh dạn ngỏ lời với chồng cho ra ngoài “xin” một mụn con. Hạnh phúc làm mẹ vừa mỉm cười thì nhiều bi kịch lại ập xuống với chị.

Được đứa con thì “mất” người chồng

So với 6 anh em trong gia đình thì chị Ngọc là người được ăn học nhiều nhất. Năm 1989, khi mới 19 tuổi, chị được mời dạy mầm non ngay tại trường làng.

Ngày ấy, đồng lương giáo viên ba cọc ba đồng, dạy cả tháng không đủ tiền đong gạo ăn vài bữa. Người nhà khuyên chị nên nghỉ dạy, ở nhà chăm lo cho mấy sào ruộng rồi lấy chồng. Yêu nghề, mến trẻ, chị quyết định vừa dạy vừa học để bồi dưỡng thêm nghiệp vụ sư phạm với hi vọng sẽ được gắn bó lâu dài với nghề.

Gần 30 tuổi, hạnh phúc mới mỉm cười với chị. Nhưng ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị dần chất chứa nỗi buồn khi không có bóng dáng của trẻ thơ. Sau khi ra Hà Nội khám, vợ chồng chị như chết lặng khi được bác sỹ cho biết là chồng chị không thể có con. Dù được động viên, nhưng anh Vũ Hồng K - chồng chị vẫn suy sụp.

Bất hạnh đè nặng cuộc đời cô giáo mầm non đi xin con - 1

Chị Ngọc bên con gái bé bỏng. Ảnh: PV

Cũng từ đó, tâm tính của người chồng thay đổi hẳn. Anh K thường xuyên tụ tập bạn bè, la cà quán xá, nhậu nhẹt đến say khướt mới về nhà. Hết say lại bài bạc ăn tiền, không đoái hoài gì đến cuộc sống gia đình, một mình chị Ngọc phải cáng đáng mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình.

“Nhiều khi nhìn gia đình người khác sống hạnh phúc, con cái vui vầy tôi lại thấy tủi thân, thèm được như họ. Tôi chỉ biết tìm niềm vui trong những giờ lên lớp, được nhìn thấy đám trẻ con nô đùa. Nhìn đám trẻ hàng ngày, khát khao làm mẹ trong tôi cháy bỏng”, chị Ngọc chia sẻ về hoàn cảnh trớ trêu của mình.

Rồi chị cũng nói với chồng khao khát cháy bỏng của mình. Chị xin anh cho ra ngoài “xin” một đứa con. Khi ấy chồng chị chỉ ngồi yên lặng bên ly nước trà đắng ngắt. Đầu năm 2009, chị Ngọc hạnh phúc khi thấy bụng mình lớn dần. Việc chị mang thai trong khi chồng bị vô sinh khiến ai nấy đều ngỡ ngàng.

Thế nhưng, thay vì chê trách, lên án, mọi người lại dành cho chị cái nhìn chia sẻ. Nhưng phía gia đình chồng chị đã không chấp nhận điều đó. Lúc này, chị tìm đến sự an ủi của người chồng, nhưng anh cũng nín lặng, quên sầu trong men rượu.

Con chị chào đời trong niềm hạnh phúc xen lẫn tủi nhục. Suốt gần một năm, dù vẫn sống chung một mái nhà nhưng người chồng vẫn không một lần ngó ngàng gì đến mẹ con chị. Mãi đến khi cô con gái tròn một tuổi, hàng xóm láng giềng khuyên bảo, chồng chị cũng dần có suy nghĩ tích cực hơn.

Dù biết không phải máu mủ nhưng anh vẫn đi làm giấy khai sinh, con của chị vẫn được mang họ bố. Nhưng rồi cuối cùng, chồng chị cũng không vượt qua được rào cản từ phía gia đình, chị và chồng chia tay để mở lối thoát cho nhau.

Hết dày vò lại mang… “án tử”

Căn nhà nhỏ, đơn sơ của hai mẹ con chị Ngọc nằm sát con đường liên thôn. Phía trong, chị Ngọc đang chăm chú dạy con học bài. Dáng người thấp, đậm, khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng khiến chị già hơn nhiều so với tuổi 45. Hỏi đến cuộc sống hiện tại, chị rưng rưng nước mắt cho biết là đang phải sống chung với căn bệnh ung thư trực tràng.

Sau khi ly hôn, nhận thấy người mệt mỏi, đau bụng thường xuyên, chị vay mượn tiền đi khám mới biết mắc bệnh nan y. Mới đầu, chị quyết định buông xuôi, không dùng hóa trị vì không có tiền, vì bi quan nghĩ mình rồi cũng sẽ phải chết. Nhưng rồi nhìn con gái, chị lại sợ con thơ sẽ sớm mồ côi mẹ khi còn quá nhỏ.

Cứ vài tháng chị lại phải đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An điều trị bằng hóa chất một lần. Mỗi lần như vậy tiêu tốn mất hàng chục triệu đồng. Để có số tiền trên, chị phải vay mượn khắp nơi, từ vay ngân hàng, anh em, đồng nghiệp, bà con lối xóm… Tiền lương hàng tháng của chị chưa đủ để chi trả tiền lãi hàng tháng nói gì đến việc trả tiền gốc.

Đã 4 năm nay chị phải sống như thế vì con. Hiện tại, bé Vũ Kim A (con gái chị) vừa học lớp 1. Mỗi lần nhìn thấy mẹ khóc, cô bé vô tư lấy tay lau nước mắt cho mẹ nói: “Mẹ đừng khóc, để sức đó mà làm việc, kiếm tiền mua thuốc uống cho khỏi bệnh. Mẹ mà chết đi rồi con biết sống với ai”. Nghe con nói, lòng chị Ngọc như dao cắt.

Trước khi chia tay, chị Ngọc ngậm ngùi: “Mắc phải căn bệnh quái ác, sự sống chỉ được tính bằng ngày nên tôi lo lắm. Nếu chẳng may gục xuống, không biết con tôi sẽ bấu víu, sống dựa vào ai khi mà cháu còn quá nhỏ”. Nói đến đây, chị Ngọc òa khóc.

“Tôi chẳng sợ gì, chỉ sợ chết. Nếu tôi chết rồi con gái tôi sẽ sống như thế nào đây. Chặng đường phía trước của nó còn dài lắm. Từ ngày ly hôn, chồng tôi bặt vô âm tín. Tôi lại bệnh tật như thế này chẳng biết có thể duy trì sự sống được bao lâu nữa. Nhưng dù sao tôi phải gắng sống để làm chỗ dựa cho con. Phải sống!”, chị Ngọc nức nở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H. Hải - H. Châu ([Tên nguồn])
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN