Bất chấp dịch COVID-19 khắc nghiệt, giáo viên mầm non thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng
Không thể đến trường dạy học, một số giáo viên mầm non vẫn có cuộc sống dư giả nhờ sự năng động, nhanh nhạy và chuyên môn giỏi.
Một số giáo viên mầm non vẫn có công việc và cuộc sống ổn định trong mùa dịch COVID-19 (ảnh minh hoạ)
Dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, các trường mầm non tư thục tạm dừng đón học sinh đến trường, nhiều giáo viên mầm non rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống bấp bênh. Tuy nhiên, một số giáo viên trẻ với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã có, cùng với sự năng động, mối quan hệ tốt đã tìm được cho mình những công việc có mức thu nhập cao. Một vài giáo viên mầm non chia sẻ, thu nhập hiện tại của họ còn cao hơn lúc đi dạy tại trường.
Ngô Nga (28 tuổi, quê Vĩnh Phúc, giáo viên của một trường mầm non quốc tế tại Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ: “Giáo viên có năng lực tốt, đi theo một phương pháp giáo dục cụ thể thì không lo thất nghiệp".
Nga từng là sinh viên ngành Tâm lý học. Trong 4 năm sinh viên, cô học thêm nghiệp vụ sư phạm mầm non, theo đuổi phương pháp giáo dục Montessori, tham gia một vài khoá học Tiếng Anh… và khi ra trường quyết định theo đuổi nghề giáo viên mầm non. Cô hiện là giáo viên của một trường mầm non quốc tế có tiếng tại Hà Nội.
Dịch COVID-19 ập đến, Nga cũng như nhiều giáo viên khác không thể đến trường dạy học. Cô cũng chỉ được nhà trường giúp đỡ phần nào, còn lại vẫn chịu cảnh không lương và phải tự tìm cách xoay sở ổn định cuộc sống.
Tuy vậy, với năng lực tốt, nhanh nhạy, Nga không quá chật vật trong chuyện tìm việc. Cô gây dựng được uy tín với các phụ huynh nên được họ nhờ đến nhà kèm cặp con nhỏ với mức lương ổn.
“Mấy tháng gần đây, mình nhận dạy học tại nhà cho một em bé chậm nói, mỗi ngày dạy 1,5 giờ, thù lao 300.000 đồng. Ngoài ra, mình nhận làm thêm một vài dự án giáo dục khác, tổng thu nhập 1 tháng rơi vào khoảng 15 đến 18 triệu đồng. Mình được nhiều phụ huynh nhờ đến kèm con chậm nói, tự kỷ hoặc có vấn đề tâm lý nhưng không có đủ thời gian để làm”, Nga chia sẻ.
Quan sát xung quanh, Nga nhận thấy, nhu cầu tìm cô giáo dạy con của các phụ huynh mùa dịch rất cao. Nhóm phụ huynh có nguồn thu nhập ổn định không ngại chi tiền tìm các giáo viên có năng lực tốt đến tận nhà dạy con theo các phương pháp giáo dục tiên tiến. Do vậy, theo cô, để không rơi vào cảnh thất nghiệp, các giáo viên trẻ cần học hỏi, nâng cao năng lực, gây dựng uy tín đối với nhà trường và các phụ huynh.
Phạm H. (sinh năm 1994, hiệu phó chuyên môn của một trường mầm non tại Hà Nội) cũng có mức thu nhập “trong mơ” giữa mùa dịch COVID-19 khắc nghiệt. Điểm mạnh của H. là chuyên môn tốt và đặc biệt giỏi Tiếng Anh. Trường học đóng cửa, H. chuyển sang dạy Tiếng Anh cho một vài nhóm học sinh, chia thành 3 ca: sáng, chiều, tối.
Mỗi nhóm học sinh của H. gồm 3-4 trẻ, phụ huynh dành riêng 1 căn nhà chung cư với đầy đủ tiện ích, dụng cụ học tập rồi nhờ H. đến dạy. Thu nhập hàng tháng của H. khoảng 30 triệu đồng.
“Mình có cái mà các phụ huynh đang cần nên không sợ thất nghiệp. Mình thấy trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm giáo viên tìm trẻ, trẻ tìm giáo viên, tức là nhu cầu tìm giáo viên mầm non dạy trẻ tại nhà rất lớn. Có điều, năng lực của giáo viên phải đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của các phụ huynh”, H. nói.
Nguyễn T. (sinh năm 1995, giáo viên mầm non tư thục tại Hà Nội) cùng một đồng nghiệp khác sống chung một dãy trọ. Mùa dịch COVID-19, ba cô giáo trẻ nhận trông trẻ tại nhà để có thêm thu nhập. Họ nhận trông 5 học sinh với mức phí 200.000/ngày/trẻ, bao gồm tiền ăn và chi phí dụng cụ học tập.
Nhận trông 5 bé độ tuổi 3 – 4 tuổi, hai cô giáo phân chia nhau lịch trình rõ ràng. Buổi sáng, một cô dạy học, một cô nấu ăn, buổi trưa cả hai cô cùng vệ sinh cho trẻ, cho trẻ ăn và ngủ. Buổi chiều, mọi thứ diễn ra tương tự. T. và đồng nghiệp phải soạn giáo án và có những môn học, tiết học rõ ràng cho từng ngày. Cô xác định, mình không chỉ trông trẻ mà còn phải dạy trẻ học kiến thức, kỹ năng như ở trường.
Nhận trông 5 học sinh, mức thu nhập của hai cô giáo trẻ khá tốt, thậm chí còn cao hơn khi đi dạy tại trường. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với không ít thử thách.
“Ở nhà không đầy đủ tiện ích và dụng cụ học tập như ở trường, ngoài giờ dạy, chúng mình phải tìm hiểu, sáng tạo ra các trò chơi để rèn luyện kỹ năng cho các con. Các môn học cũng phải sắp xếp sao cho thật phù hợp, đồ ăn đổi món thường xuyên để các con đảm bảo sức khoẻ. Hơn nữa, vì nhận trông trẻ tại nhà, tụi mình ngại quy định giờ đón cho các phụ huynh, đôi khi họ gửi sớm và đón con khá muộn”, T. kể.
Không ít giáo viên nhận trông một nhóm trẻ tại nhà phụ huynh với mức thu nhập ổn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất họ phải đối mặt phải thiết kế môn học, tự làm đồ chơi, vừa dạy trẻ, vừa phải nấu ăn, tạo ra không khí vui vẻ cho trẻ hoạt động, học hỏi… Mong muốn lớn nhất của các cô vẫn là sớm được trở lại trường dạy học.
Nguồn: [Link nguồn]
Nghĩ đủ cách kiếm kế sinh nhai mùa dịch, nhiều giáo viên mầm non vẫn không có cuộc sống ổn định.