Báo chí cách mạng Việt Nam sau tháng Tám năm 1945

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.

Làng báo Việt Nam cũng  được giải thoát khỏi chế độ "chặn hầu bóp cổ" của những người mất nước, rũ hết những tàn tích nô lệ của những ngày Pháp thuộc để phục vụ nhân dân.

Nổi bật sau cách mạng tháng Tám là những tờ báo sau:

Báo Sự thật của Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác
Báo Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh
Báo Độc lập của Đảng Dân chủ Việt Nam
Báo Tiến lên của Đảng Xã hội Việt Nam
Báo Dân chúng của Mặt trận Việt Minh miền bể
Báo Lao động của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam
Báo Hồn nước của Đoàn Thanh niên Cứu quốc
Báo Đồng minh của Việt Nam Cách mạng đồng minh hội
Báo Tiền phong của Hội Văn hóa cứu quốc
Báo Sao vàng của Vệ quốc quân
Báo Gió mới của Tổng hội sinh viên Việt Nam
Báo Quốc hội, cơ quan của Quốc hội trong dịp tổng tuyển cử toàn quốc

Ngoài những tờ báo lớn của các chính đảng đoàn thể, còn nhiều tờ báo của các tập đoàn, các địa phương, các giới, các ngành hay tư nhân như: Khu giải phóng của Mặt trận Việt Minh miền núi; Dân mới của thanh niên Hà Nội; Dân mới của Mặt trận Việt Minh Thanh, Nghệ, Tĩnh; Đại chúng của hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ; Thái Bình tuần báo của hội văn hóa cứu quốc Thái Bình; Tiến hóa của Văn hóa cứu quốc Quảng Ngãi; Tay thợ của công nhân Trung Bộ; Đường sắt của công nhân hỏa xa; Chính nghĩaQuốc dân của nhóm cải tổ Việt Nam Quốc dân đảng; Giải thoát của nhóm tín đồ Phật giáo; Chiến khu của vệ quốc đoàn chiến khu I; Nhà giáo của liên đoàn giáo giới Việt Nam; Xung phong của thanh niên Hà Nam; Tranh đấu, cơ quan tuyên truyền văn hóa Thái Bình; Cố gắng, cơ quan vận động đời sống mới của khu chợ Hôm Hà Nội; Tiến thẳng của thiếu nhi; Thẳng tiến của Hướng đạo sinh; Quân Bạch Đằng của vệ quốc đoàn chiến khu III; Chiến sĩ của ủy ban Quân chính khu C; Bạn quê ở Hải Dương; Sóng Tuân Vường ở Nam Định; Dân nguyện ở Hải Phòng; Đội Cấn ở Thái Nguyên; Bãi Sậy ở Hưng Yên; Tổ quốc ở Thuận Hóa; Ngoại thành dân báo của ngoại thành Hà Nội; Ánh sáng của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác; Kinh tế tạp chí của Ủy ban hành chính Trung Bộ; Vui sống của Cục Quân y; Canh nông tập san Tấc đất của Bộ Canh nông; Công an mới của Công an Bắc Bộ...

Báo chí  cách mạng Việt Nam sau tháng Tám năm 1945 - 1

Báo Cứu quốc, số ra ngày 5/11/1945

Ngoài ra còn có những tờ báo như: Dân thanh, Dân quốc, Dân sinh, Dân quyền, Vì nước, Tương lai, Thời báo, Thống nhất, Sinh lực, Văn mới, Kiến thiết, Dân quê, Đồng ruộng, Tuổi xanh, Gió biển, Reo, Tin văn, Gió mùa, Nỗ lực, Tuổi trẻ mới, Tân tạp chí, Cấp tiến, Tao đàn tạp chí, Bình dân, Tân báo tuần san, Bó đuốc, Sức khỏe, Trẻ em, Thiếu sinh, Bạn gái... Bên cạnh đó, còn có một số tờ báo chuyên môn như: Sân khấu, Việt Nam khỏe, Kịch ảnh, Khuyến nhạc, Người săn bắn Việt Nam...

Ngoài những tờ báo kể trên, một số tờ báo trước kia có ảnh hưởng tốt hay bị thực dân Pháp thu giấy phép, đến nay cũng được khai sinh lại như Việt Nam hồn, Đời nay, Tin tức, Đời mới, Tiếng vang, Tân thế kỷ...

Nhưng cách mạng vừa đem chính quyền về cho nhân dân thì bọn phản động quốc tế như Mỹ, Anh và bọn tay sai là Tưởng Giới Thạch đã chực bóp chết nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đang còn trứng nước cũng như thực dân Pháp lại định tái chiếm Việt Nam.

Riêng tại miền Bắc, bọn Đại Việt Quốc dân đảng dựa vào thế lực của quân đội Tưởng Giới Thạch, tung ra những tờ báo như Việt Nam, Thiết thực, Dân chúng, Liên hiệp, Liên minh... để chống Chính phủ và phá rối cuộc trị an. Nhưng rồi, chỉ một thời gian ngắn, bọn phản quốc bị quét ra khỏi vũ đài chính trị, thì những con "bọ gậy" (như cách nói thời đó) - trong làng báo cũng biến đi mất.

Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta bắt đầu. Một số tờ báo tư nhân có gốc rễ từ hồi Pháp thuộc lại xuất bản trong vùng địch kiểm soát. Những báo chí kháng chiến của Đảng và Mặt trận phần nhiều lại dời về chiến khu.

Tuy vậy, trong lúc bộ đội và nhân dân Thủ đô huyết chiến với giặc hai tháng tại trong lòng Hà Nội, báo Thủ đô được khai sinh giữa làn khói lửa. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, nhân dân ta đã đánh chặn địch từng bước ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Những tờ báo Quyết chiến, Quyết thắng đã ra đời, tỏ rõ chí kiên quyết và lòng tin tưởng của dân tộc ta nhất định đánh giặc và nhất định thắng giặc.

Cũng ngay từ lúc tiếng súng toàn quốc kháng chiến vừa nổ thì báo Toàn quốc kháng chiến của Mặt trận Liên Việt xuất bản, đăng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người trong nước đứng dậy. Sau khi Đảng Lao động Việt Nam ra công khai, báo Nhân dân, cơ quan chính thức của Đảng, đã truyền đạt phương châm lãnh đạo của Đảng trên mọi mặt kháng chiến kiến quốc...

Mặc dầu tài liệu khan hiếm và giao thông cách trở, báo Nhân dân, báo Cứu quốc ở Trung ương và các khu vẫn ra đều đặn và phổ biến rộng rãi. Báo Quân đội nhân dân và các báo của các giới công nhân, thanh niên, nông dân, phụ nữ, văn nghệ vẫn tiếp tục xuất bản kịp thời phục vụ kháng chiến. Ngoài ra còn có nhiều tờ báo của các địa phương trong cả nước.

Như vậy, sau cách mạng tháng Tám, báo chí Việt Nam đã bước sang trang sử mới. Báo chí cách mạng Việt Nam đã thực sự  là một vũ khí tư tưởng sắc bén và có hiệu quả trên mặt trận đấu tranh với địch, bảo vệ chính quyền cách mạng, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc ta.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Việt Thủy ([Tên nguồn])
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN