Bạn trẻ trở lại với nghề "du lịch"
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều bạn trẻ làm du lịch đang tìm cách dần trở lại với nghề, bắt đầu nhận tour và sáng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn.
Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất
Chị Lê Ngọc Hân (Bắc Giang) là người thường xuyên tổ chức các tour du lịch đến Sa Pa chia sẻ: “Đợt dịch vừa rồi đã ảnh hưởng nặng nề đến công việc của mình, hầu như mọi hoạt động của ngành du lịch và dịch vụ đều ngưng lại và mình chỉ vừa bắt đầu khởi động lại công việc này trong thời gian gần đây khi nhận thấy mọi thứ đã được kiểm soát. Dù đã mở lại các tour du lịch nhưng mình thấy mọi thứ vẫn còn khá ảm đạm”.
Chị Hân cũng cho biết, hiện nay, khách hàng của chị nhờ tư vấn rất nhiều, nhưng theo chị nhận thấy thì mọi người vẫn còn đó những lo lắng. Một bộ phận khách hàng đã lên kế hoạch và sẵn sàng đi chơi nhưng trong tâm thế chưa được thoải mái. Bộ phận khác lại nửa vời, muốn đi nhưng lại sợ dịch nên chọn cách nghe tư vấn xong, đợi hết dịch hoàn toàn họ mới sẵn sàng đi để bảo vệ sức khoẻ.
Lê Ngọc Hân (Bắc Giang) là người thường xuyên tổ chức các tour du lịch đến Sa Pa.
Hiện tại, chị Hân đang đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi và dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo hơn để thu hút mọi người tham gia các tour du lịch. Nhằm thích ứng với tình hình hiện nay, chị cũng bắt đầu triển khai các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội nhằm mục đích tiếp cận với nhiều khách hàng hơn và đồng thời mọi người cũng có thể dễ dàng book các tour du lịch thuận tiện hơn mà không cần phải đến trực tiếp.
Chế Hoàng Anh Tú (ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Trong năm vừa qua, đại dịch đã diễn ra đúng vào mùa cao điểm của du lịch 30/4 - 1/5, tất cả các điểm du lịch đều áp dụng lệnh cấm và hạn chế đi lại. Chính vì vậy, bản thân mình cũng không có nhiều cơ hội được va chạm và tiếp xúc với nghề để tự tích luỹ thêm kinh nghiệm thực tế nhiều như những anh chị đi trước”.
Để không bỏ lỡ quãng thời gian này, song song với việc học trực tuyến thì Anh Tú đã đảm nhận thêm công việc gia sư. Ngoài ra, anh cũng thử sức bản thân ở vai trò mới là sáng tạo nội dung về du lịch ở trên nền tảng TikTok và đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt là tham gia các chương trình trao đổi sinh viên online, các buổi workshop hay webinar của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch để rút ra cho mình nhiều bài học, trải nghiệm quý báu.
Đợt dịch vừa rồi khiến Anh Tú không có nhiều cơ hội cọ xát với nghề.
Cũng theo Anh Tú, mặc dù số lượng ca nhiễm có tăng nhưng số ca nặng và số ca tử vong lại giảm đi rất nhiều, vì thế, ngành du lịch đã có những tín hiệu trở lại tích cực. Anh hy vọng, bản thân mình sẽ có nhiều thời gian nhằm trau dồi và rèn luyện thêm ngoại ngữ cũng như các kỹ năng mềm khác cần có, để khi du lịch hồi phục hoàn toàn trở lại bản thân sẽ trong tâm thế sẵn sàng để đón nhận những cơ hội đáng quý đó.
Lên nhiều kế hoạch vui chơi
Là một người thích xê dịch và thường xuyên thực hiện những chuyến du lịch xa nhà, Nguyễn Trương Thảo Nhi (TP. HCM) đã có khoảng thời gian dài phải gác lại các dự định du lịch của mình do đợt dịch COVID-19 vừa rồi. Thảo Nhi tâm sự: “Từ giữa tháng Năm cho đến đầu tháng Hai này, mình cùng gia đình có nhiều kế hoạch đi du lịch, nhưng tiếc là vì dịch bệnh nên mình chỉ có thể ở nhà và giải trí bằng các hoạt động khác. Điều này làm mình cảm thấy không thoải mái, bí bách. Và ngay khi biết được thông tin ngành du lịch sẽ mở cửa trở lại thì mình đã lên rất nhiều kế hoạch để sắp tới khi có thời gian rảnh mình sẽ có thể đi ngay”.
Thảo Nhi còn khá e ngại khi đi du lịch vào thời điểm này.
Thảo Nhi còn cho biết, dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, cô cũng đã cùng gia đình thực hiện một chuyến du lịch Đà Lạt. Theo cảm nhận của Nhi thì ngành du lịch tại Đà Lạt cũng như nhiều địa điểm khác trên khắp cả nước đã phục hồi hoàn toàn và luôn sẵn sàng đón khách tham quan. Dù vậy, Thảo Nhi cũng còn một số lo lắng nhất định khi đi du lịch vào thời gian này. “Tuy dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng một số nơi du lịch tập trung quá đông người sẽ tạo ra nguy cơ lây bệnh khá cao, đó là điều mà mình khá e ngại và lo lắng khi đi du lịch vào thời điểm này. Ngoài ra, những chi phí phát sinh sau dịch cũng là yếu tố khiến mình lưu tâm”, Nhi chia sẻ thêm.
Nguyễn Thị Linh Chi (trường ĐH Công nghệ TP. HCM) cho biết: “Sống và làm việc ở một thành phố vô cùng nhộn nhịp, ồn ào nên mình thích khám phá những nơi có cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, thời tiết mát mẻ, hoặc các khu du lịch có truyền thống lâu đời... Tuy nhiên, văn hóa ẩm thực cũng là một tiêu chí quan trọng để mình lựa chọn địa điểm du lịch”.
Trong mỗi chuyến đi Linh Chi luôn tuân thủ đúng các biện pháp phòng dịch.
Cũng theo Linh Chi, hiện nay, mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp, nhưng cuộc sống đã dần trở lại như bình thường, bản thân cô cảm thấy rất hào hứng vì đã có thể tiếp tục khám phá những vùng đất mới của Việt Nam mà Linh Chi chưa từng đặt chân tới. “Trong mỗi chuyến đi, mình luôn đặt tiêu chí "5K" lên hàng đầu, cẩn thận phòng, chống dịch cho mình và mọi người”, Linh Chi bộc bạch.
Nguồn: [Link nguồn]
Thời gian gần đây, bên cạnh việc nhập học trở lại, vấn đề ăn uống của các sinh viên trọ ngoài cũng trở thành chủ đề rất được quan tâm. Nhắc đến “cơm sinh viên”,...