Bạn trẻ “thay áo mới” cho không gian sống trong mùa dịch
Vì muốn “thổi luồng gió mới” cho không gian sống và làm việc, nhiều bạn trẻ đã tận dụng những vật liệu sẵn có hoặc tìm mua trên mạng rồi tự do thiết kế theo sở thích cá nhân.
Không gian studio trước và sau khi cải tạo của Tuấn Anh.
Từ phòng trống thành nơi “sống ảo”
Không gian studio nhẹ nhàng, ngập tràn ánh sáng tự nhiên là thành quả sau ba tuần cải tạo phòng trống của Nguyễn Tuấn Anh (còn được biết đến với tên gọi "nhiếp ảnh gia Gấu Tứn"). Sau khi thuê địa điểm, cậu bắt tay cải tạo với sự hỗ trợ của ba người bạn. Tuấn Anh muốn bất cứ ai bước vào studio đều có cảm giác đang ở Đà Lạt mộng mơ, đầy nắng.
Tuấn Anh chọn màu trắng và vàng gỗ làm tông chủ đạo cho căn phòng. Điểm nhấn của studio là phòng ngủ màu tím có thiết kế hiện đại, cùng đồ trang trí tinh tế như thủy tinh, ghế trong suốt… cố gắng tận dụng những thế mạnh vốn có của căn phòng để thiết kế các chi tiết phù hợp. Chẳng hạn, đối với cửa sổ lớn thu được nhiều ánh sáng, cậu thiết kế rèm cửa màu trắng, mỏng để vừa chắn bớt nắng, vừa giúp căn phòng trở nên lung linh. Tuấn Anh cũng tự sơn tường nhà; rồi tự tay cắt, dán các miếng gỗ cho phần sàn.
Tuấn Anh cho biết, việc tự mình chăm chút từng góc nhỏ trong phòng giúp cậu thoả mãn đam mê thiết kế, cũng như “hô biến” các ý tưởng thành hiện thực. Đối với chàng nhiếp ảnh gia năng động này, việc cải tạo phòng cũ để trống thành nơi “sống ảo” lý tưởng là một trải nghiệm thú vị.
Tuấn Anh cân nhắc thiết kế các chi tiết phù hợp cho studio.
Căn phòng đã trở thành không gian thư giãn yêu thích của Tuấn Anh. Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ còn tới đây chụp ảnh nên Tuấn Anh nhận được một khoản thu nhập từ studio. Là sinh viên ngành Luật (trường ĐH Kiểm sát Hà Nội) nhưng Tuấn Anh lại đam mê nghệ thuật, bao gồm việc thiết kế và chụp ảnh. Suốt thời gian đi học, cậu luôn cố gắng học tập tốt nhưng không quên duy trì đam mê.
Tiết kiệm và thân thiện với môi trường
Trước đây, ban công phòng trọ của Nguyễn Thị Út Quyền (năm thứ ba, trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) chỉ để giày dép và các vật dụng linh tinh. Cô nhận thấy ban công có vị trí khá đẹp nên muốn trang trí lại để tạo không gian mở cho phòng trọ. Quyền vô tình thấy khách sạn gần nhà bỏ đi một số vật dụng nên đã nảy ra ý định tái sử dụng chúng cho ban công nhà mình.
Quyền trồng thêm cây xanh cho không gian sống của mình.
Vì còn là sinh viên, Quyền thấy cách cải tạo này vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường. Cô hướng tới phong cách vintage và trang trí thêm cây xanh để không gian trở nên xanh mát. Quá trình cải tạo ban công mất khoảng hai ngày và tất cả vật dụng trang trí đều từ vật liệu tái chế. Chẳng hạn, bộ bàn ghế gỗ xin lại từ khách sạn được Quyền “hô biến” thành kệ trồng cây. Ngoài ra, cô còn tận dụng vỏ chai nhựa, thủy tinh được trang trí bởi dây dừa để trồng cây thủy canh như lưỡi hổ, trầu bà, mẫu tử, nha đam… Quyền dùng nước gạo và phân bón hữu cơ từ rác bếp để tưới cây nhằm tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
Ban công trước và sau khi cải tạo của Út Quyền.
Vốn yêu thích sự đơn giản và muốn tận dụng những vật liệu có sẵn, Lê Thị Hà Giang (năm thứ hai, chuyên ngành Quan hệ công chúng, trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II) quyết định “tân trang” phòng trọ của mình. Từ những ngày đầu đến TP. HCM, Giang đã mong muốn có thể tạo ra không gian sống đơn giản, tiết kiệm để “tái tạo” năng lượng sau giờ học.
Hà Giang tự tay trang trí cho căn phòng của mình.
Giang tự tìm ảnh trên mạng, in ra rồi trang trí. Cô nhặt những tấm nhựa PVC còn sử dụng được trong công xưởng và tìm mua dụng cụ để làm bàn gấp. Tủ và kệ trong phòng Giang cũng có thể gấp gọn hoặc tháo ra. Giang nhấn mạnh, tất cả đều là những món đồ tự chế nên có độ bền ổn và không gây hại cho môi trường.
Căn phòng trọ sau khi được “thay áo mới” không chỉ giúp Giang có thêm động lực, sự tập trung trong công việc mà còn khiến cô hoàn toàn thư giãn. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, cô càng thấy trân quý không gian sống của mình.
Căn phòng trọ sau khi được “thay áo mới” của Hà Giang.
Giang nhấn mạnh, sự sạch sẽ và gọn gàng là hai yếu tố cần được đảm bảo nếu muốn cải tạo không gian sống. Giang không khuyến khích việc mua quá nhiều sản phẩm nội thất giá rẻ trên các trang thương mại điện tử vì chất lượng không tốt và gây ô nhiễm môi trường. Cô bộc bạch: “Hãy tạo ra không gian sống phù hợp với khả năng tài chính của bạn, với những món đồ ý nghĩa, có giá trị tinh thần cao”.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi không thể lên tuyến đầu chống dịch tại thành phố lớn nơi mình ăn học, nữ sinh miền Tây đã gửi năng lượng tích...