Bạn trẻ chung tay gom rác, làm sạch bờ biển ở đảo Phú Quý
Là khách du lịch đến đảo Phú Quý nhưng nhóm bạn trẻ còn chung tay thu gom rác, làm sạch bờ biển và nhiều danh thắng trên đảo.
Đảo Phú Quý luôn là điểm đến đầy mê hoặc với những bạn trẻ muốn tìm bình yên cho tâm hồn và hơn thế nữa là thỏa đam mê xê dịch của bản thân.
Tạ Thị Thùy (23 tuổi) - cô gái trẻ đến từ Thái Nguyên yêu du lịch, thích đi đây đi đó đã đến với đảo Phú Quý trước sự hấp dẫn và độ "hot" của hòn đảo này thời gian vừa qua trong những nhóm chia sẻ kinh nghiệm du lịch.
Sau những ngày tập "hòa nhập" với cuộc sống nơi đây, Thùy bắt đầu rong ruổi khắp mọi ngõ ngách trên đảo. Những điểm đến đầu tiên của cô bạn là các địa danh, thắng cảnh nổi tiếng trên đảo như Cột Cờ Bãi Nhỏ, Dốc Phượt, Núi Cao Bát, Bờ Kè Lăng Cô,.... thiên nhiên tươi đẹp và con người hiền lành trên đảo đã khiến Thùy yêu thích nơi này hơn, nhưng vẫn có điều khiến cô trăn trở... đó chính là rác, quá nhiều rác.
"Tớ là con người yêu màu xanh thiên nhiên, thật may mắn trong hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống đến hòn đảo Phú Quý tớ được gặp thêm thật nhiều người yêu màu xanh. Ở miền núi tớ được sống với màu xanh núi rừng, ra đến biển tớ được sống với màu xanh biển cả, nhưng tớ tự nhận thấy mình cần có trách nhiệm với môi trường từ chính thói quen sử dụng đồ nhựa một lần, bọc nilon, tiện đâu vứt đấy."
Rác trắng xóa bãi đá
Một ý tưởng làm sạch bãi biển đã lóe lên trong đầu Thùy và cô bạn đã khởi đầu "kế hoạch 10 ngày dọn rác" bằng một status vận động mọi người chung tay tham gia nhặt rác, làm sạch bãi biển sau đó đăng trên mạng xã hội. Hành động đẹp này nhận được hưởng ứng mạnh mẽ, chỉ trong chưa đầy 1 ngày đã có đến gần 30 người đăng ký tham gia.
"Việc nhặt rác được mọi người hưởng ứng trên tinh thần tự nguyện nên ai rảnh thời gian nào sẽ tham gia vào thời gian đó, có thể là 5 phút, 10 phút hoặc cả buổi, cũng có thể cả tuần... Bởi mọi người đều có công việc riêng nên ai góp được chút nào cũng đều trân quý cả", Thùy chia sẻ. Ảnh: NVCC
Những mảnh lưới được nhóm bạn trẻ kéo vào bờ để đem đến nơi xử lý rác thải.
Những rác thải được sóng đánh vào bờ cũng được các bạn dọn dẹp sạch sẽ.
Những người tham gia đa phần đến Phú Quý với mục đích nghỉ ngơi, du lịch; hay cũng có học sinh trên đảo, hoặc hướng dẫn viên du lịch và cũng có cả người dân địa phương... Những con người xa lạ, vì tình yêu môi trường và trách nhiệm với thiên nhiên đã tìm đến với nhau và trở thành một đội.
Bạn trẻ dọn rác ở cả những nơi có địa hình khó khăn
Thời gian nhặt rác trên đảo bắt đầu từ 16 giờ đến 18 giờ mỗi ngày và được người dân trên đảo ủng hộ. Thùy kể: "Nhóm được mọi người góp tiền nhưng không nhận, chỉ nhận đá lạnh với bình nước to để uống, hạn chế chai nhựa nên những chai nước suối nhỏ người dân cho bọn mình cũng không nhận. Găng tay và kẹp rác sử dụng cho việc nhặt rác đều là được tài trợ, bao đựng rác tụi mình xin bao cũ để tái sử dụng".
Có nhiều bạn trẻ đến góp sức nên công việc được hoàn thành đúng tiến độ. Bạn Châu Nhật Minh - một trong những người rất tích cực tham gia trong các buổi hoạt động, chia sẻ: " Dọn rác giữa trời nắng tuy có vất vả nhưng vui. Đây là cơ hội để mọi người giao lưu, làm quen, gắn kết với nhau hơn. Sau các buổi nhặt rác, mọi người đều ngồi lại và trò chuyện với nhau, tạo thêm niềm vui, tiếng cười cho những ngày sống trải nghiệm trên đảo."
Những khoảnh khắc vui sướng "tận hưởng" thành quả lao động của cả đội
Và không quên chụp ảnh kỷ niệm những ngày tháng vui vẻ, ý nghĩa trên hòn đảo Phú Quý xinh đẹp của nhóm bạn trẻ
Khối lượng rác sau khi thu gom sẽ được chứa trong những bao tải cũ mà nhóm xin được từ người dân, sau đó thuê xe vận chuyển lên nhà máy thu gom. Mỗi ngày lượng rác các bạn trẻ thu được là một con số đáng kể từ 80-100 bao/ngày.
"Lượng rác vượt quá suy nghĩ của tụi mình, ban đầu dự tính mỗi địa điểm chỉ cần 2 buổi để dọn dẹp nhưng đến các địa điểm như ở Bãi Nhỏ hay nơi có địa hình khó khăn như ở Dốc Phượt phải cần đến 4 buổi mới dọn xong. Rác ở ngoài biển thường xuyên bị sóng đánh vào bờ nên rất khó để làm sạch hoàn toàn nhưng mọi người luôn cố gắng hết khả năng của mình. Hy vọng với sự chung tay góp sức của nhiều người, số lượng rác sẽ giảm và người dân cũng như khách du lịch khi đến đây sẽ có ý thức hơn để bảo vệ môi trường, giữ lấy màu xanh biển đảo" - Tạ Thị Thùy chia sẻ.
Rác thải được đưa lên xe để vận chuyển về nơi thu gom xử lý rác trên đảo.
Ảnh: NVCC
Ban đầu, dọn rác chỉ là một hạng mục thêm vào trong một số tua du lịch sinh thái, dần dần nó trở thành điểm nhấn chính để hút khách, nhất là thời điểm sau đại dịch,...
Nguồn: [Link nguồn]