Bản lĩnh thi đấu giúp nam sinh Huế vào chung kết Olympia

Nhập cuộc không tốt vì bị tâm lý, liên tiếp phải rượt đuổi điểm số với đối thủ, Phú Đức được rèn bản lĩnh thi đấu, nhờ đó thắng vòng thi quý để vào chung kết Olympia.

Trong trận thi quý III, chương trình Đường lên đỉnh Olympia, phát sóng hôm 7/7, Võ Quang Phú Đức, lớp 11 chuyên Toán, trường THPT chuyên Quốc học Huế, giành chiến thắng kịch tính.

Trước đó, Phú Đức thi tuần, tháng và cũng không trận nào vượt qua dễ dàng, thường phải bám đuổi điểm số với bạn chơi.

"Em rất vui vì có thể tiếp tục hành trình tại Olympia. Góp mặt tại chung kết là điều khiến em vô cùng tự hào", Đức chia sẻ.

Đây là lần thứ 7 trong 24 năm, tỉnh Thừa Thiên Huế có học sinh dự chung kết Olympia - nhiều nhất trong 63 tỉnh, thành. Tất cả đều đến từ trường chuyên Quốc học.

Phú Đức tại trường THPT chuyên Quốc học, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phú Đức tại trường THPT chuyên Quốc học, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nam sinh mê xem Olympia từ hồi tiểu học. Sau này, được các "đàn anh" truyền cảm hứng, nam sinh quyết tâm thử sức.

Lên lớp 10, Đức đăng ký tham gia "Nguyệt Quế Đỏ" - cuộc thi mô phỏng chương trình Olympia do trường tổ chức. Trải qua nhiều trận đấu, Đức giành chức vô địch và đại diện duy nhất chuyên Quốc học dự Olympia năm nay.

Dù đã cố gắng giữ tâm lý thoải mái, không cố nhồi nhét kiến thức, Đức vẫn bị "khớp" trong trận thi đầu tiên. Ở phần Khởi động của cuộc thi tuần, Đức trả lời đúng 4/6 câu hỏi cá nhân, giành 40 điểm. Nhưng ở phần chung, em trả lời sai nhiều, chỉ giành thêm 15 điểm, đứng thứ hai trong 4 thí sinh và kém người dẫn đầu 25 điểm.

"Kết quả không như mong muốn do em chưa thật sự làm quen với nhịp độ trận đấu và không khí trường quay", Đức lý giải.

Nam sinh sau đó tự nhủ cần giữ bình tĩnh, đọc nhanh và nghe kỹ câu hỏi trước khi quyết định bấm chuông. Sự thay đổi thể hiện rõ nét ở trận thi quý, khi em giành tới 105 điểm ở phần thi Khởi động, dẫn đầu và tạo cách biệt 60 điểm với bạn chơi ở vị trí thứ hai.

Phần thi mà Đức thích nhất là Vượt chướng ngại vật. Thí sinh cần tìm từ khóa dựa vào các gợi ý là đáp án câu hỏi phụ. Theo nam sinh, sự hồi hộp và thách thức của phần chơi này hấp dẫn em.

Trong trận thi tuần, chỉ dự vào gợi ý "mã", Đức bấm chuông từ sớm và trả lời đúng đáp án là "mật khẩu". Nhờ giành thêm 40 điểm, Đức vươn lên dẫn đầu và duy trì được thứ hạng này tới cuối, trong khi điểm thi ở phần trước đó không cao. Vì vậy, nam sinh cho rằng nếu tận dụng tốt cơ hội, phần Vượt chướng ngại vật sẽ trở thành bước ngoặt của cuộc thi. Thí sinh nào tìm ra từ khóa sớm có thể cải thiện điểm, hoặc tạo cách biệt lớn.

Tuy vậy, không phải lần nào Đức cũng thành công với phần thi này. Ở trận tháng, Đức nóng lòng sau khi chỉ giành 45 điểm ở vòng Khởi động, nên cũng sớm bấm chuông trả lời từ khóa Vượt chướng ngại vật, song không chính xác và phải dừng phần chơi. Dù cải thiện điểm đáng kể trong các phần sau, Đức không thể giành chiến thắng. Em may mắn góp mặt trong trận quý vì là thí sinh về nhì có điểm cao nhất.

"Đó là bài học để em thận trọng, chuẩn bị tốt hơn trong trận thi quý", Đức nói.

Ở trận này, Đức không giành điểm nào ở phần Vượt chướng ngại vật. Nam sinh nói không mạo hiểm trả lời từ khóa vì muốn bảo toàn lợi thế cách biệt điểm sau phần Khởi động.

Phú Đức vui mừng sau khi giành quyền trả lời trong câu hỏi quyết định, biết mình chắc chắn vào chung kết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phú Đức vui mừng sau khi giành quyền trả lời trong câu hỏi quyết định, biết mình chắc chắn vào chung kết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với Đức, những pha rượt đuổi đã giúp em có thêm bản lĩnh thi đấu. Câu hỏi cuối cùng của cuộc thi quý có giá trị 20 điểm, Đức khi đó đang dẫn đầu, cũng hơn người đứng sau 20 điểm. Chỉ trong vài giây, Đức hiểu rằng tấm vé vào chung kết sẽ nằm trong tầm tay nếu có thể bấm chuông và giành quyền trả lời câu hỏi, bất kể đúng hay sai. Nếu trả lời sai, em chỉ bị trừ 10 điểm, vẫn dẫn đầu.

Do đó, khi hệ thống ghi nhận Đức là thí sinh có tín hiệu xin trả lời nhanh nhất, em đã nhảy lên ăn mừng trong tiếng reo hò của khán giả.

"Cảm xúc lúc đấy rất khó tả, nhưng em rất rõ trong đó có sự vui mừng, xúc động vì mình đã mang trận chung kết về Huế", Đức nhớ lại. "Đây là khoảnh khắc có ý nghĩa nhất với em tại Olympia".

Theo dõi ba trận đấu của Đức tại Olympia, thầy Lê Văn Luân, giáo viên chủ nhiệm và dạy Đức môn Toán, thấy học trò nỗ lực nhiều. Thầy ấn tượng với khả năng tư duy, suy luận nhanh của Đức - yếu tố giúp em vượt qua một số câu hỏi khó.

Thầy giáo nhận xét nam sinh ham học hỏi, có khả năng tự học và nghiên cứu hiệu quả, lại rất nhạy bén nên học đều các môn.

Người thân, bạn bè và thầy cô cổ vũ Phú Đức tại Olympia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người thân, bạn bè và thầy cô cổ vũ Phú Đức tại Olympia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ba tháng trước trận chung kết, thầy Luân cho biết nhà trường sẽ hỗ trợ Đức tài liệu để luyện tập, nghiên cứu, giải đáp câu hỏi ở những lĩnh vực em chưa nắm vững. Còn Đức sẽ đọc thêm sách, báo để bổ sung kiến thức và cập nhật các sự kiện thời sự. Nam sinh nói không có chiến thuật cụ thể, ngoài tập luyện sẽ cố gắng giữ tinh thần thoải mái. Để cân bằng, em tập thể dục, gặp gỡ bạn bè.

Ngoài mong muốn trở thành nhà vô địch Olympia năm thứ 24, Đức hy vọng hình ảnh của trường Quốc học và tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được quảng bá rộng rãi về sự tươi mới, trẻ trung và năng động.

Nguồn: [Link nguồn]

Nam sinh Hà Nội Phan Duy Hùng từng bước cải thiện vị trí, rồi bứt tốc ấn tượng vươn lên dẫn đầu đoàn đua. Duy Hùng giành vòng nguyệt quế trận thi tháng và ghi danh vào màn tranh tài quý III Đường lên đỉnh Olympia 24.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hằng ([Tên nguồn])
Đường lên đỉnh Olympia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN