"Bạn không có quyền làm tổn thương người khác!"
Đây là thông điệp của tác giả bộ tranh “Ngưng ngược đãi” muốn truyền tải tới mọi người.
Gần đây, trên các trang mạng xã hội, chiến dịch “Ngưng ngược đãi” đang được nhân rộng với mục đích kêu gọi mọi người ý thức được hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng lời nói xúc phạm, miệt thị gây tổn thương người khác trong cả thế giới thật lẫn thế giới ảo.
Bộ tranh nêu lên quan điểm của chàng trai 9x về ngược đãi
Hưởng ứng chiến dịch nhân văn này, bạn Hạ Hồng Việt (sinh năm 1993, hiện đang là sinh viên trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã sáng tạo những bức tranh xúc động có tên "Ngưng ngược đãi".
Bằng những hình ảnh miêu tả cách thức con người ngược đãi, làm tổn thương nhau, chàng trai 9x muốn chỉ ra rằng, không chỉ những hành động bạo lực như đánh đập mới là ngược đãi, mà những lời nói, cái nhìn miệt thị cũng đủ làm tổn thương tinh thần của người khác.
Hạ Hồng Việt chia sẻ: “Khi cộng tác với một trang về tư vấn, chia sẻ các vấn đề tâm lý, mình phát hiện ra có quá nhiều người sức khỏe yếu, gặp vấn đề về tâm lý vì trong quá khứ hoặc ngay cả hiện tại, họ bị tổn thương. Mình nghĩ rằng, có thể những người như vậy không dám lên tiếng bảo vệ bản thân. Nếu cả cộng đồng lên tiếng thay họ thì tình trạng đó sẽ giảm đi đáng kể".
Đó là lý do mình làm bộ tranh với thông điệp “đừng làm tổn thương người khác bằng những lời miệt thị, xúc phạm”.
“Trước khi định có lời bình luận này gay gắt hãy dừng lại và ngẫm nghĩ một chút. Ai cũng làm được như vậy chẳng phải cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và tốt đẹp hơn?”, chàng trai 9x nhắn nhủ.
Nó không chỉ thể hiện ở hành động mà còn ở cả lời nói
Có bao nhiêu ông chồng từng nói những lời này với vợ?
Có bao nhiêu bậc cha, mẹ từng so sánh con mình với con nhà người ta?
Có bao nhiêu người con cảm thấy xấu hổ về nghề nghiệp của cha mẹ, dù nó rất chân chính và lương thiện?
Ông bố đó đang cảm thấy thế nào?
Sự ngược đãi là một vòng tròn...
... người này gây ra cho người kia
Thông qua bàn phím và những dòng chữ thiếu suy nghĩ, cư dân mạng đã ngược đãi lẫn nhau
Không cùng quan điểm không có nghĩa là được lên án, dè bỉu
"Đừng bao giờ làm tổn thương người khác khi không hiểu gì về họ và khi bạn không có quyền"