"Bài học" vỡ lòng cho "chiếu mới" công sở: Đồng nghiệp đòi nghỉ thường gắn bó với công ty
Top 1 những dấu hiệu nhận biết nhân viên sẽ gắn bó lâu dài với công ty là gì? Đáp án sẽ khiến nhiều “tấm chiếu mới” ngỡ ngàng đấy vì đó là những người thường xuyên tuyên bố sẽ… nghỉ việc!
Mới đây, trên một page có hơn 2 triệu lượt theo dõi đã có bài đăng về chủ đề chuyện công sở và nhanh chóng thu hút đông đảo cư dân mạng quan tâm. Cụ thể, nội dung bài viết cho rằng: “Câu cửa miệng của những người sẽ gắn bó với công ty lâu dài: Cùng lắm là nghỉ việc”.
Bài viết hiện thu hút hơn 2,3K bình luận từ cộng đồng mạng.
Bài viết hiện thu hút hơn 13K lượt react và hơn 2,3K bình luận từ nhiều “tấm chiếu mới trải” và “đã trải” qua nhiều lần nhảy việc. Đông đảo cư dân mạng bày tỏ sự đồng tình dành cho bài viết trên và kể lại những đồng nghiệp cũ cũng từng ít nhất một lần thốt lên như vậy.
Bạn Hà Du kể: “Hồi mình mới ra trường, có gặp một chị đồng nghiệp hay rỉ tai với mình về những chuyện tiêu cực ở công ty như thường xuyên yêu cầu nhân viên làm thêm ngoài giờ nhưng không trả thêm tiền. Chị hay bảo mình: “Khi nào em nghỉ thì chị nghỉ”, đến nay mình đã nghỉ công ty đó được 3 năm, còn chị vẫn trụ lại, nể thật đấy!”.
Đồng cảm với câu cửa miệng “Cùng lắm là nghỉ việc”, bạn Thu Hiền chia sẻ: “Những người thường nói vậy là do quá chán công việc nhưng vẫn chưa tìm được công ty tốt hơn để nghỉ việc. Mình cũng thường nói vậy, cứ dăm ba bữa là muốn nghỉ việc nhưng lạ là sau đó lại làm hăng hái hơn trước. Hơn 4 năm đi làm và không nhớ bao nhiêu lần “Cùng lắm là nghỉ” nhưng cái kết là vẫn gắn bó với công ty”.
Còn trong mắt “tấm chiếu đã trải”, những người thật sự muốn nghỉ việc thường im lặng và “đánh úp” với đồng nghiệp và cả sếp bằng mail xin nghỉ. “Mấy người muốn nghỉ thường không có dấu hiệu hay bất cứ điều gì báo trước đâu, đùng cái là nghỉ luôn. Còn những ai hễ động vào là: "Sớm muộn gì cũng viết đơn”, kiểu gì cũng gắn bó lâu dài với công ty đấy”, bạn Nguyễn Ly cho biết.
Hãy chia sẻ với cấp trên hoặc đổi việc nếu bạn đã cố gắng nhưng không phù hợp với công việc để tránh gây ảnh hưởng đến mọi người vì sự chán nản của mình. (Ảnh minh họa Internet)
Ngoài ra, còn câu cửa miệng khác cũng khá quen thuộc với nhiều người khi chán việc, đó là: “Cùng lắm thì nghỉ, rồi về quê”. Áp lực từ nhịp sống hối hả ở thành phố cũng như trong công việc nên ngày càng có nhiều bạn trẻ muốn “bỏ phố về quê” để “quẳng gánh lo đi mà vui sống”.
Bạn Đình Trọng kể: “Hồi đầu tháng 7, mình quyết định xin nghỉ do nhận ra bản thân không phù hợp với công việc và về lại quê. Ban đầu khá thoải mái nhưng sau 2 tháng mà không kiếm được tiền, cả ngày quanh quẩn trong nhà rồi cảm giác “ăn bám” bố mẹ khiến mình phải tìm cách quay lại thành phố và xin việc mới. “Về quê” bây giờ cũng muôn vàn khó khăn chứ không hề thơ mộng như nhiều tấm ảnh, câu chuyện trên mạng xã hội. Chưa kể, ngày càng lớn nên không thể cứ sống dựa vào bố mẹ mãi được”.
Cũng từng là một nhân viên với câu cửa miệng “Cùng lắm là nghỉ việc” nhưng sau 5 năm trở thành “tấm chiếu đã trải”, bạn Thảo Như nhắn nhủ với những Gen Z đang và sẽ bước vào "trường đời":
“Mình vẫn tự nhắc bản thân “Có áp lực mới tạo ra kim cương” để cố gắng mỗi khi gặp khó khăn trong công việc, thay vì thốt lên những câu “cổ vũ” cho sự chán nản. Còn nếu thật sự bạn nhận ra không phù hợp với công việc đang làm thì nên trao đổi với sếp để tìm giải pháp hoặc chủ động xin nghỉ vì dù sao đi làm là phải vui vẻ chứ đừng là một “zombie” vật vờ, thiếu sức sống ở công sở”.
Nguồn: [Link nguồn]
Chính xác có 4.116 nhân viên được thưởng ô tô trong dịp này.