Bài học lớn thức tỉnh thiếu nữ nhẹ dạ
Chân ướt chân ráo lên thành phố học tập, lập nghiệp nhiều cô gái đã không làm chủ được mình sa ngã vào lối sống buông thả, trụy lạc. Để rồi khi có hậu quả, những tên Sở Khanh cao chạy xa bay.
Mỗi ngày tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, có hàng chục ca nạo phá thai, thậm chí những hôm cao điểm có thể lên tới hàng trăm ca. Đa số là những cô gái mặt non nớt, sợ sệt khi bước tới nơi gọi là “đường cùng” này.
Bi kịch gặp phải kẻ thích ăn ốc, nhưng không chịu đổ vỏ
Đa số giới trẻ ngày nay đều cho rằng, sống thử là việc rất đỗi bình thường. Với sinh viên thì lại càng dễ dàng rơi vào con đường sống thử. Cùng cảnh xa nhà, không người thân, các em dễ tìm đến nhau để góp gạo cùng thổi cơm chung. Một khi đã cùng góp gạo, thì những cái khác các em cũng dễ chung đụng với nhau. Do đó, những hậu quả đáng tiếc là không tránh khỏi.
Hầu hết, các bạn nam trẻ tuổi khi đã “trót lỡ" gây hậu quả, các em sợ sệt không dám nhận trách nhiệm về phía mình. Thậm chí có kẻ khi biết bạn gái mang bầu, tìm đường lẩn trốn, cao chạy xa bay, hoặc tìm cách chối bỏ trách nhiệm bằng cách đe dọa, lăng mạ người yêu của mình.
Chị K. L (bác sĩ) chia sẻ: “Thực tế, cứ 10 ca nạo phá thai thì lại có 7 hoặc 8 ca là các em sinh viên. Có những em còn ngô nghê tới mức không nhớ nổi chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của mình. Có khi tôi hỏi, em và bạn trai đã quan hệ bao nhiêu lần cũng lắc đầu. Điều đó, chứng tỏ một lối sống buông thả, vô trách nhiệm với chính bản thân mình. Và hầu hết các bạn nữ đều đi một mình tới bệnh viện sau khi đã bị bạn trai bỏ rơi, chối bỏ trách nhiệm”.
Điều chị K.L nói là hoàn toàn chính xác. Hầu hết, các bác sĩ đều rất có trách nhiệm, tình thương với các sinh linh bé bỏng. Trước khi quyết định cuối cùng được đưa ra, đa số bác sĩ đều khuyên răn các em hãy giữ lại tình yêu thương, hãy suy nghĩ trước khi quyết định, bởi rồi những sinh linh đó sẽ lớn lên thành người.
Chị Thu Hiền chia sẻ: “Mình vào thăm cô bạn bị thai lưu 10 tháng, chứng kiến nhiều cảnh các em sinh viên, thanh niên trẻ tuổi nạo phá thai trong sự sợ hãi mà mình cũng mủi lòng. Khi mình hỏi thăm, nhiều em chia sẻ bị bạn trai lừa dối, chối bỏ trách nhiệm nên mới quyết định bỏ đi. Có em còn khóc khi nói rằng “Em cũng muốn lắm, nhưng anh ấy nói, mình đều là sinh viên thân chưa nuôi nổi huống chi là con. Chưa hết, anh còn dọa em nếu không làm theo lời anh ấy thì chuyện sẽ đến tai bố mẹ em, bạn bè em. Xấu hổ lắm chị ạ”.
Các cô gái trẻ đừng dại mà trao thân cho đàn ông có vợ (Ảnh minh họa)
Chị Hiền còn chia sẻ thêm, một số bạn sinh viên vì nhẹ dạ cả tin, mà làm nô lệ tình dục cho những tay chơi đã có gia đình. Thậm chí khi no xôi chán chè, biết người yêu có thai còn đánh đập, sỉ vả thậm chí còn lăng mạ tình nhân, một mực chối bỏ trách nhiệm. Thế nên cha ông mới đúc rút kinh nghiệm xương máu, đàn ông có thể vui chơi, nhưng đa số không bỏ vợ theo bồ, đừng dại mà trao thân cho đàn ông có vợ.
Có lẽ, đó là những câu chuyện đắng lòng, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho giới trẻ trước khi quyết định trao thân cho ai đó.
Bài học lớn thức tỉnh lòng người
Là phụ nữ, đừng quá tin những lời mật ngọt thốt ra từ miệng đàn ông. Bởi khi đã trao thân cho ai đó, chúng ta sẽ khó giữ mình trong bước đường đời tiếp theo. Cạm bẫy ái tình là vô lối, một khi đã có lần thứ nhất, ắt sẽ có lần tiếp theo. Rồi khi hậu quả đến, những người phụ nữ sẽ là người đau khổ nhất. Đa số đàn ông chưa có ý định trói buộc mình vào cuộc sống gia đình, họ sẽ chối bỏ trách nhiệm.
Và hậu quả đổ vỏ sẽ là áp lực lớn cho người phụ nữ. Một số người vì quá thương con, nên chọn cách tìm người "đổ vỏ" thay cho tình cũ. Nhưng có lẽ đó là việc làm thiếu lương tâm nhất. Việc tìm người "đổ vỏ" thay không chỉ làm tổn thương người khác, mà họ khiến chính bản thân mình cũng phải sống trong sự lừa dối, giày vò.
Thà cứ ở vậy nuôi con, răn đe bản thân có khi còn tốt hơn. Việc đó, cho thấy người phụ nữ dám làm, dám đương đầu với sai lầm và đủ bản lĩnh chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Không dám chia tay vì trót trao thân