Bà mẹ 2 con kể lại hành trình khốc liệt chiến đấu với căn bệnh ung thư
Kim Hương hoang mang, lo sợ nhưng nỗi sợ đó không kéo dài quá lâu. Chỉ sau một hồi trầm ngâm, cô đã chấp nhận thực tại và sẵn sàng chiến đấu với căn bệnh ung thư buồng trứng.
Kim Hương vốn là cô gái năng động, kỷ luật, có lối sống lành mạnh
“Bác sĩ nói: “Là u ác”. Mình sốc, những kịch bản xấu nhất rẹt ngang trong đầu, chợt nghĩ đến 2 đứa con gái 6 tuổi và 2 tuổi nước mắt chực rơi. Nhưng mình không khóc, chỉ trầm ngâm một hồi rồi không biết động lực nào thôi thúc, mình không buồn nữa mà đơn giản nghĩ rằng, sắp bước vào một cuộc chiến khốc liệt”.
Kim Hương (32 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) kể về cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư quái ác của mình một cách nhẹ bẫng. Đến giờ, khi đã trải qua quãng thời gian dài đầy khó khăn, đau đớn, thậm chí có những lúc hoang mang, vô định về sinh mệnh của mình, cô vẫn chỉ cảm thấy đó là một việc buộc phải trải qua trong đời.
Sẵn sàng bước vào cuộc chiến khốc liệt
Trước năm 32 tuổi, Kim Hương có quãng đời bằng phẳng. 25 tuổi cô lấy chồng, 26 tuổi sinh cô con gái đầu tiên, 30 tuổi sinh cô con gái thứ hai. Tổ ấm nhỏ của cô luôn tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương.
Cô rất sốc khi phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư buồng trứng
Kim Hương vốn là cô gái kỷ luật, có lối sống lành mạnh. Cô có thói quen ngủ sớm, dậy sớm, thường xuyên thể dục thể thao, đặc biệt chú tâm đến vấn đề dinh dưỡng của bản thân và gia đình… Bởi thế, cô luôn tự tin mình có một thể trạng khỏe mạnh, năng lượng dồi dào.
Tháng 11/2022, trong lần khám sức khỏe định kỳ, cô được bác sĩ chẩn đoán là có một u bì buồng trứng, kích thước 10mm nhưng không cần điều trị ngay mà chỉ cần theo dõi thêm. Một tháng sau, Kim Hương thấy đau âm ỉ ở bụng dưới và sờ thấy một cục u ở bụng nên quyết định đi khám lại. Bác sĩ phát hiện cô có một khối u 10cm ở bụng, khuyên cô nên đến phòng khám chuyên khoa để có chẩn đoán chính xác hơn.
Trong lần khám kế tiếp, Hương được chẩn đoán là có khối u buồng trứng, kích thước đã lên tới 129cm và có nguy cơ sắp vỡ nên phải tiến hành phẫu thuật ngay. Kim Hương vẫn lạc quan đó chỉ là khối u lành, tuân theo mọi y lệnh của bác sĩ, tiến hành mổ và chờ kết quả sinh thiết khối u.
“Bệnh viện hẹn 2 tuần sẽ có kết quả sinh thiết nhưng chỉ 7 ngày sau, mình đã nhận được cuộc điện thoại của bác sĩ nói cùng người nhà đến bệnh viện nghe tư vấn. Khúc này là mình thấy lành ít dữ nhiều rồi.
Mình vào viện, được bác sĩ thông báo kết quả giải phẫu là u ác, phải phẫu thuật lần 2 để cắt bỏ buồng trứng còn lại và tử cung để triệt để nguy cơ. Sau đó tiếp tục sinh thiết, nếu kết quả vẫn ở giai đoạn 1 thì phải hóa trị 4 toa. Lúc này mình mới tỉnh mộng, nhận ra bản thân mắc bệnh ung thư – căn bệnh nan y mà mọi người sợ hãi nhất”, Kim Hương kể lại.
Cô hoang mang, lo sợ nhưng nỗi sợ đó không kéo dài quá lâu. Chỉ sau một hồi trầm ngâm, cô đã chấp nhận thực tại và sẵn sàng chiến đấu với căn bệnh ung thư buồng trứng.
“May mắn kịp sinh con trước khi mắc bệnh hiểm nghèo”
Kim Hương trải qua những ngày tháng hóa trị khốc liệt
Trong cơn bạo bệnh, Kim Hương kìm nén cảm xúc và xử lý mọi việc bằng lý trí. Trước khi phẫu thuật lần 2, cô gặp gỡ hai con, ôm con vào lòng để được truyền thêm động lực. Nhìn các con, thay vì nghĩ đến nỗi bất hạnh của chúng nếu chẳng may mất mẹ, cô lại cảm thấy mình thật may mắn vì đã kịp sinh ra hai con khỏe mạnh trước khi bị bệnh.
Sắp xếp mọi việc đâu vào đấy, Kim Hương lên bàn mổ lần 2 với hy vọng sau khi phẫu thuật sẽ không cần hóa trị. Sau khi xuất viện, cô vẫn chuẩn bị tâm lý cho trường hợp xấu nhất nhưng may mắn, kết quả sinh thiết lần 2 tốt, chưa thấy tế bào di căn. Có điều, cô vẫn phải hóa trị 4 đợt thuốc để điều trị triệt để.
Vợ chồng cô lại bước vào hành trình mới, nhiều đau đớn hơn. Hương nói với chồng: “Lúc phẫu thuật em còn sợ tí chút chứ giờ vô thuốc để giành lại sự sống thì em chẳng sợ gì”.
Những lúc đau đớn và mệt mỏi nhất, cô vẫn lạc quan
Cô nhờ mẹ ruột lên trông con, đi cắt tóc, chuẩn bị hết thảy mọi việc rồi vào viện với một tâm thế sẵn sàng. Vào đợt thuốc đầu tiên, cô nghe ý tá cảnh báo về đủ các loại tác dụng phụ của thuốc như: rụng tóc, buồn nôn, chán ăn… nhưng cô vẫn thấy mình “khỏe re”.
Nhưng khi vào đợt thuốc thứ 2, cô mới thấm thế nào là “thảm kịch”. Cô sợ tất cả các loại mùi, mỗi ngày nôn ói trên dưới 10 lần, thuốc khiến cô có những cơn ớn lạnh, mệt mỏi và rệu rã. Có những lúc, cô muốn từ bỏ điều trị để thoát khỏi cảm giác kinh khủng này nhưng rồi nghĩ về mẹ già, chồng và hai đứa con, cô lại cố gắng từng giây từng phút.
“Mình bịt mũi lại, bỏ thức ăn vào miệng để nhai nuốt mà không cần biết thức ăn có ngon không. Lúc vô thuốc mệt, mình nằm một chỗ nhưng lúc khỏe hơn mình lại đi “bà tám” khắp khoa để tinh thần phấn chấn hơn. Dần dần, cả khoa điều trị ở viện ai cũng biết mình. Các cô y tá cũng kể về mình như một tấm gương cho các bệnh nhân khác.
Để có được tinh thần lạc quan như thế công lao lớn nhất thuộc về chồng mình. Anh vốn là người rất sợ những việc chẳng may trong cuộc sống nhưng khi vợ bị bệnh, anh đã tự vực dậy bản thân, trở thành chỗ dựa vững chãi cho mình. Anh xin làm việc online, vào viện chăm sóc mình 15 ngày/1 tháng. Anh luôn chuẩn bị một bình hoa thật đẹp bên giường bệnh của mình, nhắc nhở mình ăn uống, tắm cho mình khi tay bị cắm kim truyền thuốc… Thế rồi, anh ấy cũng trở thành một người chồng nổi tiếng ở khoa”, Kim Hương chia sẻ.
Kim Hương đã khỏe mạnh và quay trở lại cuộc sống bình thường
Càng về các đợt thuốc sau, tác dụng phụ của thuốc càng mạnh khiến Kim Hương mệt mỏi không gượng dậy được. Nhưng cô vẫn coi đây là một cuộc chạy marathon, cần nỗ lực và kiên trì để cán đích đúng tiến độ.
Cuối cùng, Hương đã thành công. Kết quả điều trị của cô được đánh giá tốt, tiên lượng tốt 95%. Đến giờ, cô đã trải qua 3 lần tái khám định kỳ với kết quả khả quan. Hương có thể ăn uống bình thường, ngủ ngon giấc, tóc mọc lại nhanh. Cô cần trải qua các đợt tái khám định kỳ nữa cho đến khi vượt qua cột mốc 5 năm là có thể coi như một người khỏe mạnh bình thường.
Trải qua một cơn bạo bệnh, Kim Hương thấm thía được nhiều điều. Cô nghiệm ra rằng, cuộc sống sẽ luôn xảy ra những điều ta chưa từng nghĩ tới, việc ta cần làm là bình tĩnh đối mặt, nỗ lực vượt qua.
“Và mình rút ra rằng, dù bi kịch đến đâu cũng phải giữ được tinh thần lạc quan, kết nối bạn bè, chia sẻ niềm vui cũng như khó khăn của mình để được san sẻ, giúp đỡ. Ngay cả khi mắc bệnh nan y, chúng ta cũng đừng mặc cảm, cứ yên tâm tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, rồi may mắn sẽ đến”, Kim Hương tâm sự.
Cô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để có một cơ thể khỏe khoắn, sớm phục hồi nếu chẳng may mắc bệnh. Việc hăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết, giúp chúng ta có thể phát hiện sớm, tận dụng được “thời điểm vàng” để điều trị bệnh hiệu quả.
Nguồn: [Link nguồn]
Cô gái trẻ được chẩn đoán mắc bệnh sarcoma kiếm bộn tiền nhờ khoe cơ thể trên trang web giải trí dành cho người lớn.