Bà bầu sinh viên: Mỏi mòn chờ đám cưới

Trong lúc bạn bè đang chuẩn bị hành trang khởi nghiệp thì Thanh - sinh viên năm cuối đại học Sư phạm Hà Nội 2 lại bụng mang dạ chửa, mỏi mòn chờ ngày cưới.

Cuối năm 2008, qua sự giới thiệu của bạn bè, Thanh và Tuấn quen nhau. Thanh kể: “Lúc đó mình sợ anh ấy lắm. Anh lớn hơn mình hai tuổi, học trên một lớp. Tuấn nổi tiếng khắp trường bởi hay gây sự, đánh nhau. Bạn bè xui yêu đi, có gì anh ấy "bảo kê" cho. Ban đầu chỉ hơi thích thích thôi, ai dè yêu thật”.

 Sau vài tháng tìm hiểu, họ chính thức yêu nhau. Những tưởng tình yêu học trò không bền, nhưng tính đến nay, họ bên nhau đã được 5 năm. Đối với những người trẻ, những đụng chạm đơn giản đôi khi dễ dàng biến thành “mồi lửa”, nhất là khi cả hai đều xuống thành phố học, xa sự quản lí của gia đình. Thanh tâm sự, hai người bắt đầu “thân mật” khi cô đang học năm nhất.

Phát hiện có bầu đúng ngày sinh nhật

 Mối quan hệ của hai người cứ bình lặng như thế, cho đến một ngày sự kiện bất ngờ xảy ra. Tại bữa tiệc sinh nhật của Thanh, cô và bạn bè ham vui nên uống chút bia, sau đó, cô thấy đau bụng dữ dội. Cô bạn thân nghi ngờ, nên đã đi mua que thử thai, bắt Thanh kiểm tra.

“Mình không có biểu hiện của người có bầu, nhưng cô bạn từng có kinh nghiệm trước đó nên bắt mình thử, không ngờ dính bầu thật”, Thanh nói.

Bà bầu sinh viên: Mỏi mòn chờ đám cưới - 1 

Tuấn và Thanh đã từng hoãn đám cưới. Ảnh: NVCC 

Thanh kể: “Thời điểm đó, mình sợ run người, que thử rơi xuống đất. Mình không tin vào mắt mình nữa”. Theo cô, hai người có quan hệ đã lâu, không dùng các biện pháp tránh thai vì Tuấn được bác sĩ chẩn đoán khó có con do hút thuốc lá quá nhiều.

“Ba năm qua vẫn bình thường, đùng một cái có thai khiến mình hoang mang cực độ. Mình bần thần, ngồi đơ trên giường, đầu óc trống rỗng”, Thanh kể. Sau đó, cô bạn gọi điện cho Tuấn đến chỗ trọ.

Thanh tâm sự, tuy biết Tuấn yêu cô thật lòng, nhưng vẫn có cảm giác e ngại, sợ Tuấn chưa sẵn sàng để chịu trách nhiệm với cô, với đứa bé trong bụng. Tuấn ngồi cạnh, thấy mãi mà người yêu không nói gì, gặng hỏi mãi, cô mới hé môi.

Ngược lại với suy nghĩ của Thanh, Tuấn rất vui khi biết chuyện. “Nghe anh ấy bảo giữ đứa bé lại, mọi gánh nặng như trút bỏ hết, mình hạnh phúc lắm”, Thanh cười.

Nước mắt của cha mẹ

Sau khi khám thai ở bệnh viện, Tuấn gọi điện thông báo cho gia đình, đồng thời xin phép cưới. Phản ứng của gia đình Tuấn khá tích cực, đa số mọi người trong nhà đều vui vẻ, riêng ông nội bắt về nhà cưới ngay, vì Tuấn là cháu đích tôn, hơn nữa, trước đây vì kết quả khám sức khỏe của Tuấn không tốt, đứa chắt sắp ra đời này rất được chào đón.

Tuy nhiên, mẹ của Tuấn hơi buồn. “Mình biết, mẹ anh ấy lo lắng nhiều thứ. Nhà Tuấn khá chật vật. Trong nhà chỉ đủ chỗ cho hai chiếc giường, một cho bố mẹ, một cho hai anh em Tuấn. Bố Tuấn là thương binh nên thường ốm đau, em trai còn đi học, mọi chi tiêu trong nhà dựa hết vào hàng thịt ngoài chợ của mẹ. Tuấn vừa mới ra trường, bằng cao đẳng khó xin việc ở vùng núi. Mình cũng đang đi học, cần gia đình chu cấp”.

Được kết hôn với người yêu là điều hạnh phúc, nhưng nghĩ đến tương lại phía trước, Thanh không khỏi thở dài e ngại.

Với Thanh mở lời với bố mẹ là điều khó khăn nhất. Khoảng một ngày trước khi gia đình Tuấn lên nhà xin cưới, Thanh buộc phải nói với bố mẹ. Điều cô không ngờ nhất lại xảy ra. Hai người không đánh, không mắng gì cô, chỉ khóc. Thanh tâm sự, nếu bố mẹ nổi xung lên, đánh đuổi cô, thì ít ra, cô sẽ đỡ xót xa hơn.

Đến lúc đó, cô mới bắt đầu ý thức được mình và gia đình sẽ đối mặt với những gì trong tương lai. “Tương lai chắc sẽ không còn màu hồng như mình vẫn tưởng. Trong khi bạn bè bay nhảy ngoài kia với bao dự định cho sự nghiệp, tình yêu, còn mình phải lao đầu vào con cái, gia đình. Mình sẽ phải dẹp hết mọi thứ để lo lắng, chăm sóc cho chồng con”, Thanh nói tiếp. Thanh cũng băn khoăn “bố mẹ nuôi lớn đến chừng này, chu cấp học hành, mình chưa báo đáp được gì cho họ. Sau này, sống cùng gia đình chồng, liệu mình có thể giúp đỡ được gì cho bố mẹ nữa đây?”.

Bớt tiền ăn để mua sữa

Khó khăn không dừng lại ở đó. Thanh bị ốm nghén, nôn nhiều, hầu như không ăn được gì, có khi còn nôn ra máu. Trước khi có thai, cô nặng 53 kg, chỉ sau vài tháng, sụt xuống còn 45 kg.

Đến bây giờ, khi cái thai đã gần năm tháng, cô vẫn chưa hết ốm nghén. Khi lên lớp, cô thường phải chọn bàn cuối để ngồi, mỗi lúc bắt đầu lờ lợ trong cổ, cô lén chạy ra ngoài nôn.

Thời gian khó khăn này, cô phải một mình trải qua. Người yêu ở xa không đến thường xuyên được, bố mẹ cũng không ở bên cạnh. “Những lúc như thế, mình thấy mệt và tủi thân. Nghén dữ quá nhưng vẫn phải kìm để tránh bạn bè biết chuyện. Sợ họ biết chuyện lại nói này nói nọ”, Thanh nói.

Suốt hai tháng, cô giữ sinh hoạt bình thường, chạy nhảy, tham gia hoạt động với bạn bè như cũ nên không ai biết, trừ cô bạn cùng phòng.

Thanh và người yêu cũng đối mặt với những chi phí phát sinh khác như tiền mua sữa, tiền tẩm bổ, thuốc thang, tiền khám thai… trong khi số tiền gia đình gửi lên vẫn như cũ.

“Cả hai nhà đều hoàn cảnh, nên bọn mình ngại xin thêm. Mình cứ ăn vào lại nôn ra, phải ăn nhiều bữa. Người yêu thương, sợ mình gầy đi, hàng tháng nhận được tiền mẹ gửi, anh ấy lại chia cho mình một nửa. Số tiền ít ỏi còn lại, anh chi tiêu tiết kiệm, thường xuyên ăn mì thay bữa”, Thanh tâm sự. Cô nói thêm, đôi khi thiếu tiền, hai người vay mượn thêm bạn bè để bù vào, sau có tiền thì trả.

Tương lai mơ hồ

Thanh cho biết, cô vừa lo vừa sợ, những ngày tháng tiếp theo sẽ cô sẽ sống như thế nào. Tiền không có, công việc không, bây giờ học phí kì tiếp theo, cô sẽ xin ai? Hơn nữa, em bé trong bụng cũng cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để phát triển khỏe mạnh. Nhiều lúc, cô cảm giác cả hai như người thừa trong gia đình.

Khi được hỏi có hối hận vì có thai quá sớm không, Thanh lắc đầu: “Vẫn biết bây giờ quá sớm để đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho em bé, nhưng chưa bao giờ mình hối hận, vì đứa bé là món quà ông trời tặng cho bọn mình, là điều kì diệu nhất mình từng cảm nhận được. Bác sĩ nói cái thai của mình nằm ngoài dự đoán và có thể sau này sẽ càng khó có thai hơn nữa”.

Thanh chia sẻ, đôi khi, cô cảm thấy tương lai phía trước quá mơ hồ. Người yêu thất nghiệp, chưa đủ khả năng để chăm sóc cho cô và con sau khi sinh. Hơn nữa, như cô nói, tính Tuấn còn khá trẻ con, vô tư, chưa biết lo cho tương lai. Sự việc càng gây lo lắng khi nhà trai lùi lại ngày cưới muộn hơn dự tính và giảm gần nửa số tráp cưới xuống.

“Bản thân mình không quá coi trọng vật chất, nếu không mình đã chọn lựa khác rồi. Nhưng, hành động của nhà trai như thế là xúc phạm đến mình, đến bố mẹ mình”, Thanh kể. Cô cho biết, lúc đó, đã quyết không cưới nữa. Cô biết người yêu bị gia đình gây áp lực, nhưng nhất quyết không chịu thỏa hiệp.

Bây giờ, mọi bất hòa gác sang một bên, cặp đôi vẫn đang chờ đợi ngày bước vào lễ đường làm lễ cưới và tính toán cho cuộc sống trong tương lai: “Ra Tết, Tuấn định chung vốn với bạn bè để kinh doanh, còn mình tập trung vào việc học, sinh con. Chắc đến năm sau nữa mới bắt đầu xin việc làm”, Thanh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ái Liên (Tấm gương/Tiền phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN