Bà bầu sinh viên: Hai lần chờ đám cưới
Nguyễn Thị Thanh Hồng sinh năm 1980 hai lần chờ đám cưới với 2 người đàn ông…
Sóng gió hai cuộc tình
Hơn 10 năm trước, chị yêu M. Anh là mối tình đầu của chị. Tình yêu 2 năm đủ tin tưởng để cả 2 quyết định tổ chức đám cưới. Nhưng anh bất ngờ ra đi trong một tai nạn giao thông khi đi đón chị.
Chị suy sụp, bỏ dở theo đuổi ước mơ trở thành nhà biên kịch tại ĐH Sân khấu Điện ảnh (Hà Nội) và dằn vặt bản thân vì cho rằng mình gián tiếp gây ra cái chết của anh. “Nếu anh ấy không đi đón tôi, có lẽ anh không gặp tai nạn. Nhiều lần tôi nghĩ đến cái chết. Sống mà quay quắt nhớ, quay quắt đau khổ thì cuộc sống ấy là cực hình”. Hồng để tang người yêu trong 3 năm, và thường xuyên thăm hỏi gia đình M. như một người con trong gia đình.
Hồng bỏ học, đi làm. Chị không có ý định tiến đến hôn nhân với người đàn ông khác. Chị để mặc tuổi xuân qua đi.
Hồng rất đau khổ, day dứt vì sự ra đi của M (Ảnh minh họa)
Ngoài 30 tuổi, Hồng quay lại giảng đường đại học. “Tôi thi đỗ trường ĐHVH. Thực ra đó là sự trở lại với nghiệp – nghề cầm bút vốn dang dở khi tôi còn là sinh viên ngành biên kịch của trường Điện ảnh. Ngày còn sống, tâm nguyện của M. là muốn tôi trở thành 1 nhà văn hoặc 1 nhà biên kịch”.
Hồng không hay biết, sự sắt son với tình yêu quá khứ khiến N.T.Tùng (sinh năm 1984) cảm động và ngưỡng mộ. Anh đem lòng yêu chị. Tùng nhận ra hành trình đến với trái tim chị quá nhiều trở ngại: mối tình sâu đậm trong quá khứ, khoảng cách tuổi tác (chị hơn anh 4 tuổi). Rất khó khăn, anh mới chiếm được tình cảm của chị…
Ban đầu, Hồng không chú ý đến anh, chỉ coi anh như một người em. Nhưng rồi sự kiên trì và chân thành của Tùng trong thời gian dài khiến chị mở lòng.
Gia đình Tùng khi biết chuyện phản đối kịch liệt. Mẹ Tùng chê Hồng không có nhan sắc, ngoài 30 tuổi vẫn còn học hành, lại theo đuổi nghề chữ nghĩa. Và quan trọng nhất theo lời bà là hai người không hợp tuổi, lấy nhau về sẽ gây họa. Bố mẹ Hồng thì lo chuyện tình với Tùng không thành con gái lại đau khổ như mối tình đầu nên khi có sóng gió, các cụ cũng phản đối.
Nhưng Tùng và Hồng vẫn yêu nhau, bất chấp sự ngăn cản của 2 gia đình. Tùng bị điều công tác vào Quảng Bình. Xa cách và cấm đoán chỉ khiến 2 người càng thêm gắn bó. Trong 2 năm, cứ nửa tháng anh về kí túc xá thăm chị 1 lần và nửa tháng sau anh mua vé xe để chị vào Quảng Bình với anh một ngày.
Sự phản đối của 2 gia đình ngày càng quyết liệt. Cực chẳng đã, Tùng và Hồng quyết định có thai nhằm mong bố mẹ buộc phải đồng ý khi “sự đã rồi”.
Mong ngóng có bầu
Quyết định có con để gây sức ép lên gia đình, Tùng ra Hà Nội thăm Hồng nhiều hơn. Anh thường xuyên mua vé xe khách để chị vào Đồng Hới – Quảng Bình với anh.
“Có lần được nghỉ học 1 tuần, tôi vào trong đó cả 1 tuần để rồi những ngày sau thấp thỏm mong mình có thai. Bạn bè cùng phòng trong kí túc xá ngày ấy thường xuyên chứng kiến cảnh tôi reo mừng vì tưởng có thai khi nôn ọe vào buổi sáng. Nhưng hóa ra là do chứng ợ hơi dạ dày”, Hồng chia sẻ.
Tùng và Hồng yêu nhau, dù vấp phải sự phản đối của gia đình. (Ảnh minh họa)
Hơn 6 tháng qua đi, chị vẫn không có thai. Sự cấm đoán của gia đình bủa vây. Quá mệt mỏi, chị nói lời chia tay mặc anh níu kéo.
Nhưng chia tay được 5 ngày, Hồng phát hiện mình có thai. Tùng và Hồng chờ khi thai được 3 tháng, cả hai về thưa chuyện với gia đình. Lúc đó, cả hai đã mơ về một đám cưới. Nhưng bố mẹ anh vẫn phản đối quyết liệt, mẹ anh khóc ngất.
Hồng nhận ra sẽ chẳng có đám cưới nào cả dù chị mang trong mình giọt máu của Tùng. Chị bằng lòng với thực tại. Ngày ngày mang bụng bầu từ kí túc lên giảng đường. Tùng gửi tiền để chị ăn học và chăm đứa bé trong bụng.
Đó là những tháng ngày tủi nhục với chị. Gia đình không phải là chỗ dựa mà là nơi chị cảm thấy rõ hơn sự cô đơn, khốn khổ của mình “Các em tôi coi việc chị gái không chồng mà chửa là sự sỉ nhục gia đình. Chúng hỗn hào, xỉ vả mỗi lần tôi về quê hay gặp tôi ở Hà Nội. Tôi cô đơn và bị coi thường trong chính gia đình mình”.
Chị ít về nhà hơn, cuối tuần ở lại kí túc xá. Buồn bã, mệt mỏi, chị hay ra sân thượng của khoa đứng khóc một mình. Một thời gian sau, cả trường rộ lên tin đồn chị lên sân thượng tự tử với cái thai 7 tháng tuổi nhưng bị mọi người căn ngan. Tin đồn ầm ĩ đến mức ban quản lí kí túc xá yêu cầu chị lên giải trình.
“Tôi không hiểu sao lại có người tung tin đồn ác ý thế. Chẳng có người phụ nữ nào lại nhẫn tâm tự tử với cái thai 7 tháng cả. Huống hồ tôi mong mãi mới có con”, chị rớm nước mắt kể lại.
Niềm vui duy nhất của Hồng là đứa bé trong bụng. Đứa bé là động lực để chị leo lên giảng đường tầng 5 nghe giảng, là động lực để dù buồn và chán, chị cố ăn thật nhiều để con khỏe mạnh…
Khi Hồng sắp sinh, Tùng xin nghỉ phép về chăm chị. Sau đó, anh xin chuyển công tác về Hà Nội để tiện chăm 2 mẹ con. Anh chị thuê nhà bên ngoài để ở. Hồng không mơ về đám cưới nữa. Có Tùng bên cạnh những tháng ngày đó với chị là đủ.
Có con, việc học của chị bị ảnh hưởng. Chị thường xuyên đến lớp trong tình trạng buồn ngủ vì con quấy khóc suốt đêm. Nhiều hôm, ru con ngủ xong, chị thức trắng đêm vẫn không làm xong tiểu luận. Hồng tiết lộ hồi nuôi đứa con đầu, chị nợ 3 môn. Khi con cứng cáp, gửi nhà trẻ, chị mới có thời gian “cày” trả nợ môn học.
Đám cưới cuối cùng cũng đến với sự kiên trì, nỗ lực của Tùng và Hồng (Ảnh minh họa)
Đám cưới - giấc mơ có thật
Khi con của Hồng được 1 tháng tuổi, gia đình chồng đồng ý cho lấy nhau. Nhưng lúc đó bố mẹ chị tự ái. Mẹ Hồng cho rằng đám cưới cần khi chị mang bầu để bảo vệ danh dự, thể diện. Giờ chị sinh con, bao điều tiếng đều đã gánh thì không cần cưới xin nữa.
Tính tự ái khiến cả hai gia đình cố chấp. Hồng và Tùng đứng giữa khó xử trước thái độ hai bên. Đến khi con trai chị được 14 tháng tuổi, gia đình nhà trai mới hạ mình mang cơi trầu đến nói chuyện. Sau đó, lễ báo hỷ được tiến hành.
Cuối cùng, cũng có một đám cưới diễn ra. Không phải đám cưới ảo ảnh trong những giấc mơ, đám cưới vời vợi trong những truyện ngắn chị viết. Một đám cưới có rạp, có hoa và cô dâu mặn mà trong váy cưới màu tím thủy chung. Trên phông bạt, ngoài hình đôi uyên ương hạnh phúc, có hình bé trai kháu khỉnh…
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi