Áp dụng toán học để tìm bạn đời, Giáo sư đại học nhận cái kết đắng
Bằng xác suất thống kê, vị Giáo sư toán học người Mỹ kiên định với kết quả chọn bạn đời của mình cho đến một ngày anh nhận được cái kết đắng.
Jonathan D. Farley hiện là Giáo sư toán học ở Đại học Morgan, Maryland
Hôn nhân dựa trên tình yêu mới được bền vững, hôn nhân dựa trên tính toán chỉ có ở trường hợp của anh Jonathan D. Farley hiện là Giáo sư toán học ở Đại học Morgan, Maryland.
Với vị trí của mình, anh hiện có mức thu nhập tốt nếu như không muốn nói là khá cao ở Mỹ. Vật chất không thiếu, trí tuệ thông minh duy nhất chỉ có một điều khiến anh không hài lòng đó là việc anh vẫn độc thân và cô đơn.
Coi việc tìm kiếm tình yêu của mình như xác suất thống kê, anh quyết định tìm bạn gái ở một đất nước khác với hy vọng mọi thứ dễ dàng hơn.
Đến Siberia trong tâm thế vui vẻ, anh gặp một người phụ nữ quen qua mạng.
Farley nói: "Tôi gặp cô ấy vào năm 2013 qua một trang web hẹn hò trực tuyến. Cô ấy 20 tuổi, tôi 42. Dù chênh lệch tuổi tác, chúng tôi đều nghĩ sẽ cho mình cơ hội".
"Ở Nga, phụ nữ hơn đàn ông tới hơn 10 triệu người", Farley cho biết thêm.
Sau lần gặp đầu, cả hai đều giữ liên lạc. Anh đã gửi cho cô khoảng 250 câu hỏi về cuộc sống gia đình, muốn có bao nhiêu đứa con và nhiều khía cạnh khác.
Sau 3 năm hẹn hò trên mạng, Giáo sư người Mỹ tin rằng mình đã lựa chọn đúng người.
Farley bay sang Thổ Nhĩ Kỳ gặp bố mẹ bạn gái. Họ đăng ký kết hôn tại tòa án Towson. Thế nhưng chỉ 14 ngày sau khi cưới, Farley chợt nhận ra kết quả của phép tính kia đã sai lầm.
Vị giáo sư này quả là gặp đen khi tính toán sai hạnh phúc của mình. (Ảnh: Newschannel5)
Farley bàng hoàng nhớ lại: "Những lần tranh luận và lăng mạ nhiều hơn. Cô ấy chi tiêu như thể không tính toán gì, mua hết thứ này tới thứ khác. Mua nhu yếu phẩm hàng ngày tới 400 USD, đồ gia dụng 900 USD, và rất nhiều quần áo, mỹ phẩm. Tôi không nhớ cô ấy đã chi tiêu bao nhiêu ở cửa hàng đồ nội thất".
Một lần, vợ anh muốn có một chiếc áo khoác mới. Khi Farley đề nghị đi cùng, cô liền tức giận quát tháo: "Đưa tiền đây, 500 USD”.
"Sau rất nhiều lần như vậy, lần đó tôi nghĩ mình cần phải dừng lại, tôi không phải là chiếc máy ATM", Farley nhớ lại.
Vốn là người điềm tĩnh, Farley cố gắng hòa giải bằng cách đưa vợ tới một nhà hàng lãng mạn. Tuy nhiên khi chiếc cốc rượu vang "bay" thẳng vào mặt Farley là lúc vị Giáo sư "nhọ" nhất năm quyết định ly hôn cô nàng "đào mỏ" này.
Farley và cô vợ "đào mỏ" tại toà án để giải quyết ly hôn.
Giáo sư toán học sau đó đồng ý thỏa thuận ly thân với vợ sau 3 tháng, dưới sự chứng kiến của luật sư. Farley rất tử tế khi đã mua cho vợ vé máy bay sang Thổ Nhĩ Kỳ, cùng 3.000 USD để bắt đầu cuộc sống mới.
Khi trở lại căn hộ, Farley nhận ra căn nhà của anh chỉ còn một cái bàn, ba cái ghế, mọi thứ giá trị khác đã bị lấy mất. Nhìn vào căn phòng trống rỗng, anh hiểu ra mọi chuyện.
"Tất cả những hành vi kỳ lạ của cô ấy đã chứng minh rằng đó là một trò lừa đảo ngay từ đầu. Cô ấy chỉ muốn lấy thẻ xanh và tiêu tiền của tôi càng nhiều càng tốt. Tôi đã mất tổng cộng khoảng 50.000 USD. Cô ấy chưa bao giờ có ý định kết hôn", Farley cay đắng chia sẻ.
Đầu tiên, anh gọi cảnh sát và luật sư tiểu bang nói muốn kiện vợ mình tội trộm cắp, nhưng cả hai đều từ chối yêu cầu của anh. Bởi theo luật Maryland, cô nàng xấu tính kia vẫn là vợ của anh.
Farley tiếp tục nhắn tin cho FBI và Dịch vụ di trú và nhập tịch Mỹ nhưng cũng không được giải quyết. Gần 3 năm sau, trên giấy tờ, Farley vẫn được coi là người đã kết hôn.
"Dù tin hay không, dù đã ký thỏa thuận ly thân với luật sư, chúng tôi vẫn là vợ chồng. Tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc. Tôi phải thừa nhận rằng mình đã bị một cú lừa hoàn hảo", Farley cho biết.
Luật sư của Farley nói rằng sẽ phải mất một thời gian để hoàn tất việc ly hôn vì vợ Farley đã rời khỏi Mỹ.
Về phía mình, Farley đã dừng việc tìm kiếm tình yêu thông qua những trang web hẹn hò và dành thời gian cho toán học cũng như vui chơi, hoàn thiện bản thân.
Một thanh niên đã lắp camera theo dõi bạn gái, rồi chế giễu cân nặng và xem người yêu có đang cắm sừng mình không.