“Cả tuổi thơ, mình được chứng kiến nước mắt của anh trai, những lời nhiếc móc của bố và những cái tát của mẹ khi anh một mực muốn làm con gái. Cho đến khi mình nhận ra, sâu thẳm trong mình cũng là một con người khác đang muốn thoát ra…”, dòng tâm sự của một cô gái tên Lê Yến Nhi (hiện tại được gọi là Bình Nhi, Hải Phòng) khiến mạng xã hội “dậy sóng”. Chấp nhận một người con “sinh nhầm giới tính” đã là điều quá khó, cả hai người con trong nhà đều có “giới tính đi lạc” và suốt tuổi trẻ loay hoay, khổ sở tìm lại chính mình còn là chuyện khó tới mức nào.
Ấy vậy mà bố mẹ Bình Nhi đã phải trải qua điều đó. Bản thân cô (giờ đây sống như một chàng trai) và người anh trai độc nhất (đã chuyển giới thành con gái) cũng có những tháng ngày đớn đau, quay quắt vì sống ngược với giới tính được sinh ra.
“Anh trai mình tên thật là Lê Kim Tùng. Bố mình đặt cái tên đó vì muốn cậu con trai độc tôn mạnh mẽ như cây tùng trên núi. Còn mình được đặt là Lê Yến Nhi, ngụ ý con gái giống như cánh chim bé nhỏ. Nhưng chắc bố tính xa quá nên phản tác dụng, cuối cùng cả hai người con đều sống ngược lại”, Nhi cười.
Từ khi học tiểu học, Bình Nhi đã biết anh trai mình khác biệt: ăn mặc điệu đà, thích đeo khuyên tai, sơn móng tay loè loẹt, thường sưu tầm móc chìa khoá có hình thù dễ thương, tóc để nhiều màu, nhiều kiểu, đi đứng ẻo lả, cách phản ứng với mọi thứ đúng nghĩa là một cô gái đang tuổi dậy thì…
Người ta đàm tiếu đủ điều về anh trai cô, người thì gọi là bê đê, người thì nói là “con bóng”… Nhưng điều đó chưa là gì so với cách gia đình cô đối diện với sự khác biệt này. Suốt tuổi thơ, cô được chứng kiến những trận đòn của bố, những cái tát của mẹ lên người anh trai. Đến nỗi, cô có thể quên bất kỳ điều gì nhưng không quên nổi sự phản kháng yếu ớt và những giọt nước mắt bất lực của anh khi bị đánh đòn.
“Hồi mình học lớp 7, có một ngày anh trai về nhà cùng chú ruột và bạn của chú ấy. Người ta chỉ mặt bố mình nói: “Anh không sửa được nết con anh thì để tôi sửa”, rồi đem vứt hết vòng vèo, dây dợ của anh xuống mương, vứt cả món quà kỷ niệm dì để lại trước lúc mất. Anh chẳng làm được gì khác, chỉ bất lực hứng chịu đòn roi của họ. Sau hôm đó, bố mình đinh ninh con trai đã được uốn nắn rồi”, Bình Nhi kể.
“Nhưng không, làm sao đòn roi có thể giết chết linh hồn mạnh mẽ ấy”, cô nói thêm. Sau này, anh trai Nhi quyết định sang Malaysia để thoát khỏi sự kèm cặp của gia đình, được bung xoã, sống như mình mong muốn.
Ngày Bình Nhi lên cấp ba, anh trai cô trở về với vẻ ngoài của một cô gái thực sự. Người ta nói anh cô “trổ bóng” nhưng cô biết, anh mình đã thay đổi hoàn toàn.
“Gió sương làm anh mạnh mẽ hơn nhiều. Thuở còn là Kim Tùng, anh ấy để tóc khi thì 2 phân, khi thì 3 phân, đủ thứ màu… kiểu như biết mình khác biệt nhưng không biết diễn tả sao cho đã, đành tạo hình khác người. Nhưng giờ đây, anh tự tin để tóc dài, mặc váy, mọi thứ đều chỉn chu như nó vốn là. Có điều, nhìn anh khi ấy nực cười lắm, để tóc dài, độn ngực giả, mặc váy nữ tính nhưng vai u thịt bắp, giọng nói ồm ồm. Mình dù thương nhưng vẫn phải ôm bụng cười”, Bình Nhi chia sẻ.
Có những lúc như vậy, Nhi mới biết anh trai đã nỗ lực thế nào. Anh cô từng bước thay đổi bản thân, tiêm hormone nữ, phẫu thuật ngực, chuyển giới thành một cô gái thực sự. Giờ đây, cô sẵn sàng gọi anh trai là chị và tự hào về vẻ đẹp của chị, một gương mặt duyên dáng, một vóc dáng mềm mại và mọi cử chỉ còn nữ tính hơn cả “con gái thẳng”.
Chứng kiến những gì anh trai từng trải qua giúp Bình Nhi hiểu rõ hơn về “giới” nên sớm nhận ra mình là ai. Cô không giống anh trai, mất đến 19 năm để biết mình thực sự là một cô gái.
Bình Nhi là les (đồng tính nữ) có cơ thể của một cô gái nhưng lại mang tâm hồn của một chàng trai, thậm chí muốn làm mọi cách để trở thành con trai. Năm lớp 1, Nhi thích một người bạn tên Hương, là sự hấp dẫn giới tính chứ không chỉ là “thích chơi cùng”. Nhi thường chơi đao kiếm, xem siêu nhân, chơi cùng đám con trai và thích làm đại ca trong nhóm.
Đến tuổi dậy thì, sự nam tính ở Nhi càng rõ ràng hơn. Cô cư xử như thể mình là đàn ông thực thụ với cả hai phái. Có lúc, Nhi được cả nam và nữ tỏ tình nhưng với con trai cô từ chối thẳng, còn với con gái, cô có xu hướng dịu dàng hơn.
Từ sự khác biệt của anh trai, cô nhận thức rõ bản thân mình. Cô can đảm tìm hiểu về giới tính thật và quyết định sống như mình mong muốn.
“Ý thức được bản thân từ sớm nên mình định hướng cơ thể và gu ăn mặc rất rõ ràng. Hồi nhỏ thì lén mặc áo phông, đi giày nam đến lớp, lấy băng dính dán ngực… Lớn lên, mình đi tập gym, boxing để có body cơ bắp. Về tính cách và hành động thì mình chẳng cần thay đổi gì bởi từ nhỏ, đã chẳng có chút nữ tính nào”, Bình Nhi chia sẻ.
Nhi đã tiêm hormone nam đến mũi thứ 3 và cơ thể thay đổi đáng kể nhờ tập thể thao. Cô dự định sẽ phẫu thuật ngực và trở thành một người chuyển giới nam thực sự.
Thay đổi mọi thứ nhưng riêng cái tên “Nhi” cô giữ lại. Cô muốn giữ cái tên bố dày công suy nghĩ và muốn trong vòng tay bố, mình luôn là cánh chim bé nhỏ.
Lắng nghe câu chuyện của Bình Nhi, không ít người thắc mắc, cũng là đứa con “bị mụ nặn nhầm” nhưng tại sao hành trình tìm lại chính mình của anh trai cô gian nan, khổ ải, còn cô thì nhẹ nhàng đến thế.
Nhi đáp: “Anh trai đã đi trước, đón đầu tất cả sự kì thị, phản đối của gia đình và xã hội giúp mình, gần như là mở đường cho mình vậy. Mình chỉ phải vượt qua chính bản thân thôi”.
Khoảng thời gian nhận ra mình khác biệt và lặng lẽ thay đổi, Bình Nhi rất ngạc nhiên khi bố mẹ không phản ứng dữ dội như trước đó từng phản ứng với anh trai. Cô nhớ rõ, năm lớp 8 được anh trai dẫn đi cắt phăng mái tóc dài, cô bị bố đánh và doạ giết. Nhưng mùng 1 Tết của năm đó, bố lại ôm cô vào lòng và bảo: “Con mãi là con bố, là Yến Nhi của bố”.
“Mình biết bố mẹ rất đau lòng. Chẳng bố mẹ nào có thể đối diện với việc cả hai đứa con đều sinh nhầm giới tính một cách dễ dàng hết. Nhưng có lẽ, từ những đau đớn anh trai đã trải qua, bố mẹ mình hiểu rõ và không muốn áp đặt lên mình nữa”, Bình Nhi chia sẻ.
Chấp nhận, bao dung và thấu hiểu cho hai người con khác biệt cũng là hành trình đầy nước mắt của bố mẹ Bình Nhi. Nhi kể, bố cô là người khó tính, thường có những cách dạy con mà những phụ huynh bình thường không nghĩ ra được. Ông nói khó nghe và dữ đòn, từng đánh hai chị em không ít lần vì con trai thì thích mặc đồ con gái, còn con gái lại muốn diện đồ con trai… Mẹ cô thì nhẹ nhàng hơn, không đánh mắng nhưng thường doạ tự tử để gây áp lực lên con cái.
Cùng với nỗi đau thể xác, tinh thần của hai người con, bố mẹ cô cũng chịu đủ sự dày vò trong những năm tháng ấy. Mãi sau này, khi nhìn hai con trưởng thành, mạnh mẽ và hiếu thuận, họ mới đủ dũng cảm chấp nhận giới tính thật của con.
“Buồn cười lắm! Khi mà mọi chuyện đã rõ ràng, chị gái mình váy vóc đầm xẻ cứ đi tung tăng trong nhà, đôi khi còn nhờ bố kéo khoá váy hộ, còn mình thì thoải mái quần đùi, tập tạ. Bạn bè đến nhà cũng tự do gọi chị Kim, anh Nhi… riêng bố kiên quyết gọi con đầu là thằng Tùng, và con thứ là “con gái rượu”.
Mẹ mình cũng có những thay đổi rất dễ thương, trước đây thường gọi mình là “con gái yêu ơi”, giờ đổi thành “cục vàng ơi”. Mẹ mình thích chị gái mặc gọn gàng, kín đáo vì không muốn người ngoài đàm điếu con “đã chuyển giới còn không giữ mình”, Bình Nhi tâm sự.
Cho đến giờ, Bình Nhi và chị gái vẫn chưa một lần chính thức “come out” với bố mẹ, thay đổi từ từ là cách họ khẳng định bản thân. Hai chị em hoán đổi thân phận cho nhau, chị gái ngày càng chín chắn và đằm thắm, còn cô thì mạnh mẽ, nam tính. Bố mẹ cô cũng coi đó là một món quà đặc biệt.
Riêng Bình Nhi, từ trong sâu thẳm luôn muốn gửi lời cảm ơn đến chị gái, đã đi trước và gánh hết mọi khó khăn cho mình. “Nên sau này, mọi hạnh phúc mình sẽ dành hết cho chị trước. Mong rằng cô gái ấy sẽ tìm được bến đỗ, được khoác lên chiếc váy cưới hằng mong và có được cuộc sống viên mãn”, Bình Nhi nói.