Anh: Mỗi tuần có 2 phụ nữ chết vì bạo lực gia đình

Và có rất nhiều phụ nữ phải chịu tổn hại về tinh thần lẫn thể chất.

Ở Anh, những người sử dụng lao động đang được kêu gọi cần phải chú ý nếu nhân viên của họ có những dấu hiệu của bạo lực gia đình như thay đổi trong hành vi hay cách ăn mặc nhằm che đi các vết bầm tím.

Anh: Mỗi tuần có 2 phụ nữ chết vì bạo lực gia đình - 1

56% phụ nữ bị ngược đãi đi làm muộn ít nhất 5 lần mỗi tháng (Ảnh minh họa)

Tổ  chức Y tế công cộng Anh (PHE) đã cảnh báo và nhấn mạnh rằng, các nhà quản lý phải có trách nhiệm phát hiện những nhân viên đang bị ngược đãi và tiến hành các bước cần thiết để hỗ trợ cho họ. Bản hướng dẫn của Tổ chức Y tế công cộng Anh là một phần của chiến dịch “16 ngày hành động” triển khai từ ngày 25/11 đến ngày 10/12, nhằm nêu cao trách nhiệm của các nhà sử dụng lao động trong việc bảo vệ lao động của họ.

Chiến dịch này nhấn mạnh rằng: “Nữ giới bị lạm dụng thường xuyên và kéo dài hơn nam giới trước khi họ chủ động tìm đến sự giúp đỡ. Điều này có nghĩa là công ty bạn đang quản lý những người đã hoặc đang bị ngược đãi, cũng như những người là thủ phạm của sự ngược đãi trong gia đình”.

Nghiên cứu cho thấy 25% nữ giới và 16% nam giới trở thành nạn nhân của một số hình thức ngược đãi trong cuộc sống gia đình, không chỉ là bạo hành về mặt thể chất mà còn có cả các hình thức ngược đãi về mặt tinh thần hay tài chính.

Hơn một nửa số người này nghỉ làm ít nhất 3 ngày/tháng và 56% phụ nữ bị ngược đãi đi làm muộn ít nhất 5 lần mỗi tháng. Con số đáng kinh ngạc là 2% lao động ở Anh mất việc là do hậu quả trực tiếp từ tình trạng ngược đãi trong gia đình. 75% nạn nhân bị quấy rối ở nơi làm việc với các hình thức như gọi điện, nhắn tin và gửi email thậm chí thủ phạm thường xuyên xuất hiện ở nơi làm việc.

Bản hướng dẫn của Tổ chức Y tế công cộng Anh lưu ý các công ty cần ghi lại bất cứ sự cố nào xảy ra tại nơi làm việc và đảm bảo rằng, nhân viên của mình không phải làm việc một mình hoặc làm việc ở các khu vực bị cô lập. Các công ty được khuyến khích treo poster để nhấn mạnh luôn sẵn sàng ủng hộ nhân viên tiết lộ những khó khăn trong cuộc sống cá nhân của họ.

Đồng thời, những người chủ lao động cũng được khuyên nên chuyển hướng cuộc gọi điện thoại và email từ những người bị nghi là thủ phạm ngược đãi và cung cấp cho nhân viên một số điện thoại mới nếu cần.

Giáo sư Kevin Fenton, giám đốc y tế và phúc lợi tại PHE cho biết: "Đó là điều không thể chấp nhận được khi ở Anh và xứ Wales, cứ mỗi tuần lại có hai người phụ nữ chết do hậu quả của bạo lực gia đình, và nhiều phụ nữ khác phải chịu tổn hại về tinh thần và thể chất. Các công sở là một không gian an toàn cho nhiều người đang phải sống trong bạo lực và là chìa khóa để việc vạch trần tội ác ngược đãi trong gia đình. Với vai trò đó, các công ty có thể làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ nhân viên của họ. Đổi lại, họ sẽ thu về những lợi ích tài chính bởi tình trạng nghỉ làm không lí do và biến động nhân sự gây ra do bạo hành gia đình sẽ giảm thiểu”.

Phát biểu với The Independent, ông nói thêm: “Đưa vấn đề bạo hành gia đình vào nơi làm việc là một bước quan trọng để bảo đảm an toàn cho những người đang phải đối mặt với vấn đề này”.

Các công ty đang được kêu gọi kí cam kết “16 ngày hành động” và tham gia cuộc chiến toàn cầu chống bạo hành gia đình.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngụy Hải An ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN