"Anh hùng bàn phím" thể hiện sự kém cỏi của giới trẻ

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Việc “anh hùng bàn phím”, “ném đá giấu tay” thể hiện sự kém cỏi, nhút nhát, tư duy phản biện kém của giới trẻ.

Với chủ đề “Tôi và đất nước”, 19 thí sinh đến với buổi hội thảo của chương trình IChallenged 2014 đã hùng biện, tranh luận sôi nổi những vấn đề nổi cộm của đất nước hiện nay. Từ những vấn đề liên quan đến biển Đông, giới trẻ vô tâm với bảo tàng lịch sử, hay vấn đề về các "anh hùng bàn phím"; "ném đá giấu tay" cũng được các bạn trẻ đưa ra mổ xẻ một cách sâu sắc.

Với 19 bạn thí sinh, chương trình đã ghép họ thành bốn đội với những cái tên độc đáo như: Xôi ngũ sắc, Hải Đăng, Khai minh, 4 Men. Trước ngày thi, mỗi đội nhận được một chủ đề do ban giám khảo đưa ra, từ đó hùng biện, trình bày về vấn đề đó.

Các đội sẽ phản biện, tranh luận với nhau về những vấn đề liên quan, cũng như trả lời những câu hỏi của ban giám khảo, từ đó lựa chọn ra đội xuất sắc nhất để trao giải nhất.

Nhận được một chủ đề rất hay, rất hót, đang nóng trong giới trẻ ngày nay, đội Khai minh đã trình bày và phản biện một cách sâu sắc nhất. Đó là hiện tượng “anh hùng bàn phím”, “ném đá giấu tay” cho thấy sự hạn chế trong tư duy phản biện của giới trẻ ngày nay.

Đội Khai minh đã thẳng thắn phê phán, việc “anh hùng bàn phím”, “ném đá giấu tay” thể hiện sự kém cỏi, nhút nhát, tư duy phản biện kém, thiếu kĩ năng tranh luận dẫn đến chỉ có thể ngồi nhà “chiến đấu bằng bàn phím”.

Đội cũng đưa ra những ví dụ cụ thể và sâu sát như về vấn đề biển Đông nóng hổi vừa qua, rất nhiều bạn trẻ chỉ ở nhà lên facebook hô hào, kích động, tuyên truyền những cách thức yêu nước “sai trái” chứ không có những hành động cụ thể, thiết thực.

Hay trước một số hiện tượng xã hội tiêu cực, các bạn trẻ chỉ ở nhà gõ bàn phím bình luận, rồi "ném đá" chứ không có những việc làm thiết thực để khắc phục nó.

Đội đề ra giải pháp nâng cao giáo dục về tư duy phản biện để giới trẻ có thể thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình một cách đúng đắn nhất. Bên cạnh đó, mỗi bạn trẻ cũng cần có lòng dũng cảm, dám nói, dám làm, trao đổi và góp ý trực tiếp chứ không "ném đá giấu tay". 

"Anh hùng bàn phím" thể hiện sự kém cỏi của giới trẻ - 1

19 thành viên tiêu biểu cùng tham gia buổi thảo luận

Với chủ đề “Tôi và đất nước” chương trình đã đưa ra những vấn đề xã hội nóng bỏng để các bạn trẻ tranh luận và hùng biện. Các thí sinh đã thể hiện phần “trình diễn ngôn từ” của mình khá tốt. Đó không chỉ đơn giản là câu trả lời cho “câu hỏi” của một cuộc thi đơn thuần mà nó còn thể hiện được quan điểm, những cái nhìn mới mẻ, thú vị nhưng không kém phần sâu sắc của các bạn trẻ ngày nay.

Với đề tài “Giới trẻ thờ ơ với các bảo tàng lịch sử”, bốn chàng trai của đội 4 Men đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Đó là, giới trẻ ngày nay thích “mì ăn liền” nên muốn hiểu về thứ gì thường sử dụng công cụ “Google”, ít ai muốn bỏ thời gian đến tận nơi tìm hiểu. Hơn nữa, hệ thống bảo tàng của nước ta còn khép kín, im lìm, giống như một công trình đứng bên lề xã hội, trở nên kém hấp dẫn. Điều này dẫn đến một hệ lụy không nhỏ đó là giới trẻ sẽ không có được một cái nhìn chân thực nhất về lịch sử nước nhà.

Để “chiến đấu” với sự thờ ơ của giới trẻ với bảo tàng, đội 4 Men đã đưa ra giải pháp thương mại hóa, tư nhân hóa bảo tàng dưới sự quản lý của nhà nước, xây dựng lại hình ảnh bảo tàng trong con mắt giới trẻ mang tính trải nghiệm và gần gũi hơn. Các giải pháp của đội được đánh giá khá cao nhưng lại mang tính “không tưởng”.

Được nhận một đề tài đang rất nóng hiện nay, đó là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông, đội Hải Đăng đã say sưa đưa ra những cơ sở pháp lý chắc chắn và thuyết phục như Công ước quốc tế về luật biển Liên hiệp quốc, Hiệp định Giơ – ne – vơ năm 1954… để khẳng định chủ quyền biển đảo. Các chàng trai cô gái còn đưa ra những giải pháp nâng cao nhận thức của giới trẻ về vấn đề biển Đông trong bối cảnh hội nhập như: tăng cường truyền thông, giáo dục… 

Là những người trẻ, rất “yêu” và “ham mê” internet nhưng đội Xôi ngũ sắc cũng không ngần ngại bày tỏ quan điểm thẳng thắn về mặt trái của mạng xã hội, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế. Các bạn đã phân tích cụ thể nguyên nhân và mạnh dạn đề ra giải pháp xây dựng dự án Humans of Vietnam. Theo đó, đội sẽ xây dựng một kênh thông tin mới mẻ và thú vị, là nơi phát ngôn chính thống cho người trẻ Việt, cũng là cách bạn trẻ Việt Nam gửi những “cánh thư quan điểm” đến bạn bè quốc tế.

"Anh hùng bàn phím" thể hiện sự kém cỏi của giới trẻ - 2

Chủ đề "Anh hùng bàn phím" đã mang về giải nhất cho đội Khai minh

Sau mỗi phần trình bày là một cuộc tranh luận giữa các đội và phản biện của ban giám khảo. Không khí đôi lúc hóm hỉnh, tươi vui nhưng đôi lúc rất căng thẳng và nghiêm túc. Cũng từ đó, các thí sinh được thẳng thắn bày tỏ quan điểm, cái nhìn của mình về những vấn đề nổi cộm của xã hội nói chung và của giới trẻ nói riêng.

Bằng sự xuất sắc của mình, đội Khai Minh đã dành giải nhất. Giải nhì thuộc về đội Xôi ngũ sắc, giải ba thuộc về đội Hải Đăng và 4 Men.

Nghe các thí sinh trình bày phần thi, bốn vị giám khảo không khỏi bất ngờ về khối kiến thức cũng như góc nhìn độc đáo, thẳng thắn, sâu sắc của các bạn trẻ. Nhà sử học Dương Trung Quốc xúc động bày tỏ: “con hơn cha là nhà có phúc”, nhà giáo Nguyễn Lân Dũng cũng mỉm cười khi cho rằng: “các bạn đã giỏi hơn thế hệ chúng tôi”.

Còn nhà văn Trang Hạ chia sẻ: Từ thời xa xưa đã có những ý kiến phê phán giới trẻ thụ động, hèn kém… nhưng thực tế thì chứng minh rằng, chính họ đã tạo ra một xã hội hiện đại, phát triển như ngày nay. Vì vậy, các bạn trẻ hãy tự tin bước vào cuộc sống với sứ mệnh “chủ nhân” của đất nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vi ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN