Anh đánh giày câm và câu chuyện lòng tốt
Sự giúp đỡ không đúng lúc, đúng cách đôi khi làm xáo trộn cuộc sống hoặc gây ra nguy hiểm cho người nhận.
Câu chuyện về người đánh giày câm và chú chó mù mới đây đã được đông đảo dân mạng quan tâm. Mối tình cảm đẹp đáng trân trọng giữa hai số phận cùng cảnh ngộ này đã được lan tỏa trên khắp các diễn đàn xã hội Việt như một bài học đáng quý về sự sẻ chia.
Rất nhiều người khi biết câu chuyện cảm động này đã tìm đến tận nơi để giúp đỡ người đánh giày và chú chó, người cho tiền, người cho quà như hộp sữa, bộ quần áo… Chắc hẳn, cuộc sống của anh đánh giày này cũng vì đó mà ít nhiều thay đổi.
Từ sau khi câu chuyện "chú chó nhỏ nằm trong chiếc giỏ đựng giày" được chia sẻ, anh đánh giày câm nhận được nhiều sự giúp đỡ
Mới đây, trên Facebook Hoàng Mỹ Uyên có chia sẻ câu chuyện về cuộc sống của anh đánh giày và chú cún nhỏ từ khi nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng. Theo như những gì chị trực tiếp nhìn thấy, “đôi bạn thân” giờ đây được quan tâm, chú ý hơn. Rất nhiều người ngang qua gửi tiền, gửi quà giúp anh đánh giày nuôi chú chó.
Cũng có những người hỏi mua chú chó với giá cao cùng lời lẽ không mấy thiện cảm. Có người thì bĩu môi: “giờ coi bộ khỏi đánh giày cũng có tiền rồi”… Cuộc sống đường phố của anh câm và chú chó mù cũng vì thế mà ít nhiều xáo trộn.
Hoàng Mỹ Uyên chia sẻ: “Xin hãy cân nhắc khi sử dụng lòng tốt và tiền của mình. Đừng gây nguy hiểm cho người đang sống trên đường phố như anh và cả con chó đáng yêu. Đừng xáo trộn những gì đang an lành theo cách của nó. Chia sẻ nhau để thấy cuộc đời dễ thương thôi mọi người à”.
Liên hệ với Facebook Hoàng Mỹ Uyên thì được biết, chị sống trên con đường anh đánh giày câm thường đi qua. Khi biết câu chuyện chú chó nằm trong chiếc giỏ đựng giày của anh đánh giày, chị chạy xuống phố Sài Gòn trò chuyện, hỏi thăm.
Bức ảnh cảm động được dân mạng chia sẻ
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với chị Hoàng Mỹ Uyên, nghe chị kể về cuộc sống của anh đánh giày câm và chú chó:
Tiếp xúc với người đàn ông đánh giày chị thấy tình cảm anh dành cho chú chó nhỏ thế nào?
Khi có một đám người trêu, trả giá cao mua con chó, anh đánh giày tỏ ra bực mình, lờ đi và dẫn tôi tới cái giỏ. Con chó đang ngủ ngon lành bên đường. Rồi anh quay sang lấy cái bao ni lông sạch che hộp sữa chua vừa lột nhãn, có lẽ con chó ăn chưa hết và tươi cười khoe thêm mấy bịch sữa tươi.
Tiếp tục bị bông đùa, mặt anh xị xuống. Chợt thấy con chó thức giấc, anh lập tức cười tươi rói, hếch hếch cái mặt ý chỉ “nó dậy rồi kìa”. Tôi không biết bạn và những người xung quanh cảm nhận thấy điều gì, nhưng với tôi thì hộp sữa chua được đậy cẩn thận bằng nilon sạch và gương mặt đổi sắc, tươi tắn khi con chó thức giấc đã cho thấy tình yêu của anh dành cho chú cún rồi.
Trong đoạn status chị có nói, anh đánh giày từ chối khá nhiều sự giúp đỡ. Chị có hỏi anh lý do vì sao không?
Tôi thấy rõ là anh ấy ngại. Mọi người nghé qua cho anh hộp đồ ăn thì anh cầm nhưng khi tôi chỉ quán của tôi và mời anh lên ăn tô hủ tiếu thì anh lắc đầu, bẽn lẽn, ngại ngần.
Hay như người ta đưa anh khoảng 100 nghìn đồng (nhiều người lại cho lắm) rồi bảo: “Em gửi anh mua sữa cho cún” thì anh cầm. Nhưng khi tôi nói: “Bạn em muốn giúp anh vài triệu nhưng lo anh nguy hiểm” thì anh lắc đầu nguầy nguậy. Tôi bảo “Để em trả tiền cơm hàng tháng cho anh”, anh ấy cũng không chịu.
Rõ ràng, họ có lòng tự trọng của họ đấy chứ. Và họ cũng đang mưu sinh bằng chính sức lao động của mình.
Anh đánh giày câm và chú chó mù (ảnh: Tri thức trẻ)
Chị cũng đã chứng kiến nhiều người có thái độ khiếm nhã với anh đánh giày câm?
Trong dòng chia sẻ trên Facebook tôi cũng có nhắc đến. Trong lúc ngồi chơi với anh, tôi thấy nhiều bạn gái, trai chạy qua gửi anh tiền mua sữa cho chó. Nhưng cũng có nhiều người bông đùa, hỏi mua lại chú cún với giá cao. Còn có người bĩu môi: “Coi bộ giờ không cần đánh giày cũng có tiền rồi”… Cuộc sống mà, luôn có nhiều kiểu người cùng tồn tại.
Trong status chị có nói: “Đừng xáo trộn những gì đang an lành theo cách của nó”. Phải chăng chị nghĩ, sự giúp đỡ không đúng lúc, đúng cách sẽ làm xáo trộn cuộc sống của người được nhận?
Tất nhiên rồi. Tôi thấy anh ấy cứ phải “tiếp khách” thay vì đi làm như lẽ thường. Tôi nhìn thấy cái giỏ đầy ứ ự đồ ăn, đến mức không còn chỗ cho cún con nằm nữa. Anh ấy gần như chỉ dùng được một tay, lại sống thang lang trên phố, làm sao có thể xoay xở với mớ đồ và con cún rồi làm nghề?
Mọi người cho tiền anh ấy ai ở quanh đây cũng nhìn thấy. Xã hội có cả người tốt lẫn người xấu, lỡ đâu đêm hôm ngủ đường có người trấn lột, anh ấy bị câm có kêu được không? Sức khỏe thì yếu làm sao chống đỡ? Con cún dù mù nhưng vô cùng xinh đẹp, đáng yêu, có ai chắc nó sẽ được an toàn?
Trong khi đó, hằng ngày anh vẫn kiếm được 100 nghìn đồng/ngày như chính anh chia sẻ (số tiền đó tương đương với tiền tương nhân viên phục vụ của quán tôi) thì tôi cho rằng, anh đang sống an lành với góc của cuộc đời anh.
Họ đang lao động chân chính, nhưng cái cách mọi người “tiêu xài” lòng tốt dường như lại đang biến anh thành kẻ hành khất. Câu chuyện của anh ấy và chú cún đẹp nhưng không khổ lụy, chúng ta đừng vội vã “để được tốt” mà không thử đặt mình vào góc đời họ.
Tôi cho rằng, cuộc sống là bức tranh đa sắc và nhiều góc sáng tối, có những thứ vốn không như ta nghĩ. Hãy để nó an lành theo cách riêng của nó là vì vậy.
Vậy theo chị, với trường hợp của anh đánh giày, nếu cộng đồng muốn giúp đỡ thì nên giúp theo cách nào?
Tôi vẫn cứ băn khoăn về cánh tay của anh ấy. Khi tôi hỏi chuyện khám chữa, anh lắc đầu nguầy nguậy. Anh bảo “5 năm rồi”. Nên, nếu có thể thì giúp anh ấy chữa cái tay, có sức khỏe tốt hơn anh sẽ làm việc hiệu quả hơn và chăm cún tốt hơn.
Sau câu chuyện này, chị nghĩ sao về sức mạnh lan tỏa của mạng xã hội?
Tôi nghĩ, mạng xã hội làm công việc lan tỏa thông điệp nào đó rất hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn lại, nhiều sự việc liên quan đến chuyện giúp đỡ và lòng tốt như câu chuyện anh đánh giày cho ta thấy điều gì? Sự giúp đỡ ấy có đem đến kết quả tốt đẹp dài lâu cho người nhận hay chỉ để thỏa mãn cái sự thèm được làm người tốt của mọi người?
Vậy nên, lòng tốt cũng cần được sử dụng đúng cách và đúng lúc. Vừa không làm tổn thương người được giúp đỡ, vừa không vô tình tạo ra những hệ lụy không đáng có như khiến xã hội mất niềm tin hay giúp kẻ xấu có thêm cơ hội lợi dụng lòng tốt của mọi người.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!