Ăn Tết xong, thấy thương mẹ chồng vô hạn
Nhìn mẹ chồng lo toan, tất bật từ việc nhỏ đến việc lớn trong khi bố và chồng chỉ thảnh thơi nhậu nhẹt mà tôi thấy thương bà vô hạn.
Lần đầu ăn Tết nhà chồng, tôi có chút bất an vì không biết lễ nghĩa quê chồng thế nào. Vốn nghe mọi người nói làm con dâu sẽ rất vất vả nên tôi càng lo hơn. Khi tâm sự với chồng thì anh bảo: "Em không phải lo đâu, đã có mẹ làm hết rồi!". Và khi nghỉ về quê ăn Tết, tôi mới thực sự hiểu hết câu nói của chồng.
Ở gần mẹ lâu tôi lại thấy thương mẹ nhiều hơn. (Ảnh minh họa)
Chiều 28, hai vợ chồng về đến nhà. Vừa đến cửa, tôi đã thấy mẹ đang đứng trên ghế cao lau dọn bàn thờ. Trong khi mẹ rất vất vả dọn dẹp nhà cửa, nặng nhọc kéo từng cái ghế để lau thì bố chồng tôi lại ung dung ngồi xem tivi.
Sáng hôm sau, khi tôi ngủ dậy thì mẹ đã lau nhà, giặt xong quần áo, đi chợ mua đồ và lo bữa sáng cho mọi người xong rồi. Thực tình tôi cảm thấy rất ngại vì mình đã không dậy sớm để đi cùng mẹ nhưng mẹ lại trấn an tôi: "Không sao đâu con ạ, tuổi các con còn trẻ phải ngủ nhiều. Những việc này mẹ làm quen rồi nên chỉ loáng cái là xong".
Bình thường ở nhà tôi, việc gói bánh chưng thường là bố đảm nhiệm, mẹ con tôi chỉ có việc rửa lá bánh mà thôi. Vậy mà về quê chồng, tôi giúp mẹ rửa lá bánh còn mẹ lo vo gạo, đỗ, thái thịt… từ đầu đến cuối và kiêm luôn cả gói bánh. Tôi thắc mắc: "Sao mẹ không bảo cả bố và anh cùng làm cho vừa đỡ vất vả lại có không khí Tết ạ?" Mẹ chồng tôi vừa thoăn thoắt gói bánh vừa bảo: "Bố và chồng con thì gần Tết có mấy khi tỉnh táo đâu mà nhờ. Với lại những việc này cũng cần cẩn thận mà bố con thì vụng lắm".
Đúng là mẹ gói rất nhanh và rất khéo, không cần khuôn mà cái nào cũng rất vuông vắn, đều và đẹp. Nhìn mẹ hết gói rồi lại chất bếp nấu tôi thật sự thấy thương mẹ, đúng là mẹ vất vả vì quá đảm đang và chiều chồng, chiều con.
Lần đầu làm dâu, tôi biết đến bữa cơm tất niên mệt mỏi thật sự là thế nào. Vì cơm tất niên nhà chồng tôi chỉ toàn các anh các chú đến ăn nên hai mẹ con tôi cứ tất bật không ngừng. Hết đi chợ, nấu nướng, sắp mâm. Đến khi bê lên, mọi người đều ngồi rồi mà hai mẹ con vẫn chạy liên tục vì yêu cầu lấy cái chén, thêm bát, đũa, pha nước chấm khác… Bị sai nhiều quá, tôi thấy rất mệt và phải phục vụ hơn cả ôsin nên cũng bực mình. Nhìn sang mẹ vẫn rất niềm nở và "nhiệt tình" chạy lên chạy xuống phục vụ mọi người, tôi chỉ thấy giận. Tại sao bố và chồng tôi lại có thể ngồi mâm trên rồi yêu cầu hết cái này cái kia để mẹ phải vất vả trong khi có thể tự chạy xuống lấy được?.
Những ngày Tết, mẹ chỉ loanh quanh ở nhà cơm nước. Thỉnh thoảng tôi còn theo chồng đi chỗ này, chỗ kia chứ mẹ thì chỉ ở nhà đón khách và dọn dẹp. Ba ngày Tết, hơn chục bữa cơm và rất nhiều khách khứa mà mẹ đều lo tươm tất. Trong khi mẹ còn chưa được ngồi ấm chỗ để ăn xong một miếng thì lại bị gọi.
Tết, bố và chồng tôi thì chỉ lo ngồi trên mâm uống rượu, những việc còn lại đều là hai mẹ con lo. Mới chỉ có mấy ngày Tết và còn toàn làm theo phụ mẹ mà tôi đã thấy nản rồi. Không hiểu mẹ chồng tôi đã bao năm rồi làm tất cả một mình thì mẹ còn mệt mỏi tới đâu?
Mẹ vừa bê mâm bát xuống dưới lại vội chạy lên nhà vì nghe thấy tiếng "ọe" của chồng tôi. Khi tôi lên đến nơi, nhìn cảnh mẹ đang xoa dầu và ấn thái dương cho con trai vì anh uống quá chén, tôi thấy thương mẹ quá! Đã phục vụ ăn uống chưa đủ, giờ lại kiêm cả "no và say" nữa.
Ngày qua ngày, năm qua năm mẹ đã sống và lo chu toàn cho chồng con như vậy. Đôi bàn tay mẹ đã trở nên gầy guộc, nhăn nheo. Lưng mẹ cũng không còn thẳng nữa vì cả núi công việc lớn nhỏ trong nhà. Ở gần mẹ lâu tôi lại thấy thương mẹ nhiều hơn. Càng thương mẹ lại càng thấy giận bố và chồng vì chỉ biết đến bản thân nên để mẹ phải khổ.