Ái ngại văn hóa ứng xử của người Việt
Anh chàng người Pháp chia sẻ, những từ "Cảm ơn"; "Xin lỗi" dường như trở nên vô giá trị ở Việt Nam.
Anh bạn người Pháp của tôi mới qua Việt Nam làm thực tập sinh. Lần trò chuyện đầu tiên, cậu ta trầm ngâm rồi nói: “Vốn tiếng Việt của tôi chỉ vỏn vẹn ở mấy từ ‘Làm ơn’, ‘Cảm ơn’ và ‘Xin lỗi’. Nhưng hình như những từ ngữ đó vô giá trị ở Việt Nam”. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao lại như vậy. Cậu ta cười trả lời: “Hình như người Việt không có thói quen nói những từ đấy. Khi tôi nói những từ đó với họ, họ ngơ ngác khó hiểu hoặc là tỏ thái độ chẳng quan tâm”. Ngẫm lại tôi cũng thấy cậu ta nói đúng.
Tôi nhớ mãi ánh mắt của những người phục vụ bàn ở Việt Nam khi tôi nói cảm ơn sau mỗi khi họ đem đồ ra cho tôi. Nửa ngạc nhiên, nửa sợ hãi, như thể tiếp theo tôi sẽ gây ra điều gì đó với họ vậy.
Đi sang Mỹ, tôi thấy mọi người ở đây sử dụng những từ cảm ơn, xin lỗi như một điều hiển nhiên trong cuộc sống của họ. Đi trên phố, khi lỡ va quệt vào nhau, hai bên cùng đồng thanh xin lỗi. Còn ở Việt Nam, không hiếm gặp cảnh xe máy va quệt vào nhau, ai cũng mặt nặng mày nhẹ lách xe đi tiếp, không quên quay lại nói như hét vào mặt nhau: “Đi đứng thế à?!”.
Khi ai đó giúp bạn, dù chỉ là một cử chỉ nhỏ như giữ cửa thang may hộ thì phép lịch sự tối thiểu cũng phải nói cám ơn. Vậy mà tôi đã chứng kiến không biết bao lần người Việt ta thì cứ thế chen vào, không quên ném cho người lạ lịch thiệp một cái nhìn ngờ vực.
Còn ở bên Mỹ, khi người khác hắt xì thì người bên cạnh cũng tỏ thái độ quan tâm bằng câu chúc “Chúa phù hộ bạn!”. Những cử chỉ ấy của họ đã được lập trình sẵn trong tiềm thức như một phản xạ có điều kiện.
Có lẽ điều khác biệt lớn nhất trong văn hóa ứng xử của ta và các nước khác là văn hóa xếp hàng. Ở Mỹ, bạn phải xếp hàng mọi lúc, mọi nơi: siêu thị, nhà ga, thậm chí là mua cà phê sáng. Đây được xem là một điều rất đỗi bình thường trong văn hóa của họ. Những hành động như: chen hàng, xô đẩy sẽ được xem như trái với trật tự xã hội của họ, một quy luật đã được thiết lập sẵn trong văn hóa ứng xử.
Nhiều người cảm thấy ngạc nhiên khi được nghe hai từ "Cảm tiếng" (Ảnh minh họa)
Ở Việt Nam thì ngược lại. Kể cả bạn có cố gắng xếp hàng thì người khác cũng sẽ chen lên. Đối với ta, việc không xếp hàng trở thành điều bình thường trong ứng xử.
Tôi bắt gặp một ví dụ điển hình về văn hóa xếp hàng ở Việt Nam khi đi mua quà sáng. Giờ cao điểm, khách hàng tấp nập ghé thăm thúng xôi vỉa hè của cô nọ. Tiếng người nói như quát nhau, ai cũng phải cố gắng nói to át người kia để mình mua được xôi trước. Thi thoảng có những người qua đường dừng lại, chen ngang, viện cớ: “Tôi phải đi làm sớm!”. Ô hay! Nếu đây là Mỹ quốc, hẳn bạn sẽ nhận được một cái nhìn khó hiểu, vì người Mỹ tin rằng, nếu anh phải đi làm sớm thì trách nhiệm của anh là phải đến sớm mua xôi trước. Không trật tự, không hàng lối, tranh nhau đến từng gói xôi một, tất cả mọi người đã tự tốn thời gian của bản thân và “góp phần” tạo nên một hình ảnh vô cùng xấu xí.
Ngán ngẩm nhất là có bà cô quay sang dạy con rằng: “Luồn lách qua người ta kia kìa, chen lên, nói to vào không là mất phần đấy!”. Đứa bé mồ hôi vã ra như tắm, gắng sức chen qua người lớn trong khi mẹ nó đắc thắng nhìn với vẻ mặt: “Biết dạy con từ thuở còn thơ!”
Trở lại với cậu bạn người Pháp. Sau khi nghe cậu ta tâm sự như vậy, tôi thực sự cảm thấy rất ái ngại và xấu hổ. Chúng ta luôn muốn hình ảnh của mình trở nên tốt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế, song lại từ chối những nghi thức đơn giản nhất trong quá trình trở nên lịch sự hơn.
Chính những hình ảnh chen lấn, xô đẩy nhau khiến chúng ta trở nên xấu xí. Những con người Việt Nam sẽ đẹp đẽ hơn biết bao nhiêu nếu chúng ta học tập người phương Tây việc ứng dụng những mẫu câu đơn giản nhất vào cuộc sống thường ngày: "Cảm ơn"; "Làm ơn’"và "Xin lỗi".
Xem thêm các bài liên quan: