9x ra tù, mở công ty, chiêu dụng người hoàn lương
22 tuổi, Nguyễn Trùng Dương (phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định) thành phạm nhân. Với quan niệm “ngã ở đâu, đứng dậy ở đó”, anh quyết tâm làm lại từ đầu và nâng đỡ những người bạn đồng cảnh ngộ.
Mới đây, Dương trở lại trại giam Kim Sơn (huyện Hoài Ân, Bình Định), nơi trước đây từng thụ án cải tạo 13 tháng với tội trộm cắp tài sản, với vị thế khác: Là nhân vật được tuyên dương trong buổi gặp gỡ, tọa đàm do Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh phối hợp với trại giam tổ chức. Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị trại giam cười tươi, cùng với cái bắt tay thật chặt khi thấy Dương chững chạc, nghiêm túc trong chiếc áo Đoàn thanh niên đóng thùng.
Trùng Dương (giữa) trong buổi lễ tuyên dương thanh niên hoàn lương tiêu biểu (Trong ảnh, Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo - Cục trưởng Cục GD cải tạo và hòa nhập cộng đồng (Tổng cục VIII, Bộ Công an) và anh Lương Đình Tiên - Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Định tặng kỷ niệm chương và áo Đoàn cho Dương). Ảnh H. Văn.
Vài năm chuộc chữ “tín” cho một phút bồng bột
Năm 2013, Dương bị bắt cùng một nhóm bạn với tội trộm cắp tài sản. Lúc đó còn quá non trẻ, chưa hiểu biết về pháp luật, lại nông nổi, ham vui. Chỉ khi đứng trước vành móng ngựa, đứa con ngang bướng mới thấy mắt mình nhòe đi, ăn năn trước khuôn mặt hốc hác của ba, mẹ và người thân. Tòa tuyên án 13 tháng tù giam. Lát cắt bất ngờ của cuộc đời khiến Dương nhiều khi chán nản, muốn buông xuôi nhưng rồi nhận ra không ai bỏ rơi mình cả.
“Ba mẹ vẫn vào thăm nom và an ủi. Còn các cán bộ trại giam ngoài việc nghiêm khắc trong giờ giấc, luật định cũng động viên cố gắng cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình” – anh chia sẻ.
Vốn nhỏ con, lại chăm chỉ, hát hay nên sau giờ lao động Dương thành ca sĩ nhí, biểu diễn phục vụ cho những bạn tù cùng phòng, ai cũng yêu mến. Mỗi khi gia đình ai đó gửi đồ ăn vào lại chia nhau, kề vai hay ôm thật chặt mỗi khi nhớ nhà. Đến giờ, Dương vẫn giữ thói quen dậy sớm dù không còn giật mình với tiếng kẻng báo động, tận dụng thời gian để làm việc không để tay chân rảnh rỗi, ngồi than vắn thở dài.
13 tháng thử thách, Dương trở về dưới ánh mắt dò xét của nhiều người. Cô vợ sắp cưới cũng đã trở thành vợ người khác. Nhà nghèo, ba chạy xe ôm, mẹ quần quật cả ngày với đồng lương công nhân ít ỏi, dè xẻn nuôi hai đứa em còn đi học.
Dương tự trách mình là anh cả trong nhà đã không giúp được gì còn làm gánh nặng cho gia đình. Nhưng cái “vết đen” từng là tù nhân từng thách thức nhiều người vượt qua mặc cảm tâm lý và người khác cũng không dễ dàng chấp nhận, anh nghĩ tới việc bỏ quê vào Sài Gòn kiếm kế mưu sinh. Nhưng lại nghĩ, đâu ai chạy trốn được cả đời, ngã đâu đứng dậy ở đó, lấy lại uy tín và niềm tin của mọi người nên quyết định ở lại Quy Nhơn lập nghiệp.
Sau khi hoàn lương, Dương thấy quý thời gian, hạnh phúc khi làm việc hết mình.
“Trở về, hãy tìm tôi”
Sẵn có kinh nghiệm trong nghề trang trí nội thất, Dương nhận thi công ở những quán cà phê, karaoke, văn phòng… Để đảm bảo giờ giấc, uy tín có khi phải làm cả đêm để kịp tiến độ, bàn giao theo yêu cầu. Có thêm chút vốn, lại góp vốn cùng người bạn mở cửa hàng kinh doanh giấy dán tường, vật liệu xây dựng, thi công, trang trí nội thất…
Mới đây, Dương tách ra làm riêng, mở Công ty trang trí nội thất Dương Gia. Thì ra, khi còn ở trong trại anh đã tranh thủ hỏi các chú, anh từng kinh doanh về các thủ tục đăng ký xây dựng công ty, xây dựng chiến lược để có thể đứng vững trong thị trường.
“Từ bé mình đã muốn tự tay mình làm nên, và khát khao được khẳng định mình càng trỗi lên sau khi ở trại về, muốn cho mọi người thấy rằng đặt niềm tin ở những người từng lầm lỡ như em không phải là một sai lầm” – ông chủ trẻ khẳng định.
Sáu lao động đang làm việc tại công ty có những người cũng từ trại trở về, có đứa học xong thất nghiệp… Dương đều nhận vào làm, giờ đã có thu nhập ổn định từ 3 – 5 triệu đồng/ tháng, ngoài ra, còn 4 lao động khác làm bán thời gian. “Giờ thì ổn hết rồi, công việc đều đặn, cận tết làm không xuể. Sắp tới em tính sẽ thuê đất mở rộng kinh doanh, nhận thêm người vào làm”.
Trong buổi giao lưu đó, Dương khiến cho mọi người ấn tượng không chỉ bởi câu chuyện thử thách bản thân, vượt qua mặc cảm, tu chí làm ăn mà còn sẵn sàng giúp đỡ những người thất thế khi cần. “Làm người không mắc sai lầm thì tốt, nhưng mắc sai lầm mà biết sửa lỗi còn tốt hơn. Mọi người hãy cố gắng cải tạo tốt, khi trở về hãy tìm tôi nếu không thể tìm được việc làm và cần sự giúp đỡ”. Tiếng vỗ tay phía dưới vang lên sau lời nhắn gửi, còn tôi kịp thấy ánh mắt Dương sáng lên đầy hy vọng.
Có tiền, sắm sửa được ti vi, đồ đạc trong nhà, mua máy tính để khích lệ cô em gái đang nỗ lực trong năm học cuối cấp khiến Dương thấy vui: “Việc học của em đã dở dang nên không muốn em mình vì vấn đề kinh tế mà phải đứt quãng việc học. Sau này ổn định hết rồi em cũng sẽ nộp hồ sơ học thêm buổi tối, có kiến thức mới làm tốt mọi chuyện được”. |