9x "phải lòng" người nghèo, lang thang cơ nhỡ
Đó là Nguyễn Đức Huy, sinh năm 1991, hiện đang là chủ nhiệm nhóm từ thiện Chia sẻ vì cộng đồng.
Ngồi nói chuyện cùng tôi là một chàng trai ngoài 20 tuổi tay liên tục bấm trả lời điện thoại hướng dẫn “những người quen” đến địa chỉ cần gặp. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, Huy nhanh miệng: Mấy anh chị gọi điện hỏi địa chỉ của bà Huệ bị mù, sống gần Chùa Hà để đến thăm.
Quân số một trong những nhánh tỏa đi khắp nơi quanh Hà Nội để tìm giúp những hoàn cảnh khó khăn. (Trong ảnh Huy đứng ngoài cùng bên phải)
Hôm rồi, các bạn trong nhóm cũng đến sắp xếp đồ đạc, gia cố lại căn nhà lụp xụp cũng như mua thùng chứa nước để bà có nước dùng hàng ngày.
Trong câu chuyện với Huy tôi nhận thấy không lúc nào chàng thanh niên này không nhắc tới hình ảnh những người lao động nghèo ở Hà Nội.
Huy kể, có một lần, trên đường đi làm về khi đi qua đoạn đường Thanh Niên, anh nhìn thấy một người đàn ông trên người độc một manh áo mỏng đang nằm co ro trên vỉa hè.
Anh dừng xe lại, chạy vào hỏi chuyện thì được biết ông tên là Trần Văn Soạn, quê ở Nam Định, năm nay hơn 70 tuổi, làm nghề nhặt phế liệu. Mấy hôm rồi không kiếm được đồng nào nên ông chưa có gì vào bụng. Huy liền chạy đi mua bánh mỳ với nước cho ông ăn tạm rồi nhắc ông ngồi chờ để chạy xe về nhà, lấy quần áo của bố mang cho ông mặc tạm.
Từ đó, cứ đi làm về có thời gian rảnh Huy lại lang thang khắp các con phố, bắt chuyện với từng người. Ban đầu, Huy đi một mình với những phần quà chỉ có bánh mỳ với nước lọc, sau có nhiều tình nguyện viên cùng tham gia, các thành viên đề xuất thành lập một nhóm từ thiện chuyên giúp đỡ những hoàn cảnh lang thang, cơ nhỡ.
Năm 2013, nhóm từ thiện Chia sẻ vì cộng đồng do Huy làm thủ lĩnh ra đời với mục đích giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn thiếu thốn của người yếu thế.
Một phụ huynh đi cùng trao phần quà cho người dân xóm chạy thận trên đường Lê Thanh Nghị (Hà Nội)
Trong một lần đi phát chăn ấm, khi nhóm đến phát quà và chăn ấm cho người đàn ông làm nghề bơm vá xe trên đường Hoàng Diệu tối đến lại ngủ luôn tại đó nhưng anh này chỉ nhận quà còn chăn anh trả lại vì lý do vẫn còn nhiều người nghèo cần đến chăn hơn anh. Anh dùng chiếc cũ của mình cũng được rồi.
Chiếc chăn đó về sau được nhóm phát cho một ông già trên đường Hoàng Hoa Thám. Cầm chiếc chăn trên tay, ông cụ rưng rưng nước mắt rồi chắp tay lại cám ơn các tình nguyện viên. “Ngắm nhìn niềm vui đơn sơ của một người đã đi gần hết cuộc đời ai cũng như có thêm động lực để tiếp tục phần việc còn lại”, Huy tâm sự.
Không ai hẹn ai, cứ vào tối thứ 6 hàng tuần tại địa chỉ 74 Quán Sứ các tình nguyện viên sẽ tập trung sau đó chia làm 3 hướng tỏa đi khắp nơi trên địa bàn Hà Nội trao 150 suất cơm đến tận tay người tiếp nhận.
150 suất cơm này do một nhà hảo đã tâm đứng lên nhận nấu giúp với giá chỉ 5 nghìn đồng, hôm nào nguyên liệu đắt thì trả mỗi suất cơm 8 nghìn đồng. Để có được suất cơm ngon mà giá cả phải chăng, cô phải dậy sớm, ra tận chợ đầu mối để mua nguyên liệu. Các bạn tình nguyện viên thay nhau đến để hỗ trợ cô trong những công việc vặt.
Tâm sự với tôi về kỷ niệm trong những lần đi phát cơm miễn phí, hình ảnh khiến Huy suy nghĩ mãi đó là một chị ở xóm chạy thận trên đường Lê Thanh Nghị, Hà Nội.
Sau khoảng 1 giờ, 130 phần quà đã được trao đến tận tay 130 bệnh nhân ở đây, người nào cũng rơm rớm nước mắt vì xúc động. Thế rồi, không khí bỗng trùng xuống khi một chị đã trả lại phần quà của mình vì tối qua, chồng chị đã ra đi vì căn bệnh quái ác này.
“Khi đi làm công việc này nhiều người hỏi làm vì cái gì. Lúc đó, tôi chỉ trả lời không vì gì cả. Tôi chỉ mong một ngày nào đó Hà Nội không còn tổ chức thiện nguyện, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không còn bắt gặp cảnh những người lao động lang thang trong đêm tối để mưu sinh, không còn cảnh ngủ ngoài đường hay phải nhịn đói thêm lần nào nữa”, Huy tâm sự.
Anh Nguyễn Tuấn (SN 1984) cho biết: “Huy là một người nhiệt tình, không một chút nề hà đối với công việc. Tôi thấy, nhóm Chia sẻ vì cộng đồng hoạt động không giống các nhóm khác, không khoe mẽ mà hoạt động từ cái tâm của mình. Đó cũng là lý do tôi quý và thường xuyên giúp đỡ Huy trong những hoạt động từ thiện mà còn thiếu sót”.