9X dạy võ thành thợ xăm trẻ nhất Hà thành
Trần Bích Ngọc (Biệt danh: Ngọc Like) là cô gái 20 tuổi mê xăm hình, thiết kế thời trang và các môn thể thao mạnh.
Lần đầu tiên xăm cảm thấy mình… liều
Trần Bích Ngọc, sinh năm 1993 hiện đang là sinh viên năm thứ 3, khoa Mỹ thuật, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh. Cô được biết đến là một nữ thợ xăm trẻ nhất trong làng tattoo nghệ thuật.
Cô gái sở hữu mái tóc dài, yêu thích nền mỹ thuật truyền thống này đã quyết định theo đuổi nghề xăm lâu dài. Mặc dù xăm hình chủ yếu được nam giới chọn lựa nhưng Bích Ngọc lại cho rằng mình được nhiều hơn mất khi “dấn thân” vào nghề.
Hiện tại, trên cơ thể Ngọc có 5 hình xăm khác nhau. Hầu hết đó là những hình xăm kín, đánh dấu từng thời điểm quan trọng trong cuộc sống. Trong đó có dòng chữ chạy dọc cơ thể ghi "My family is my heart that keeps me alive" (Tạm dịch: Gia đình là trái tim của tôi, điều giúp tôi tồn tại).
Dòng chữ xăm trên cơ thể Ngọc "My family is my heart that keeps me alive" (Tạm dịch: Gia đình là trái tim của tôi, điều giúp tôi tồn tại).
Ngọc sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình yêu nghệ thuật nên cô nàng đam mê mỹ thuật như một lẽ tự nhiên. Ngay từ ngày nhỏ Ngọc đã thích đến nỗi vẽ tràn lan lên sách vở bằng các hình minh họa cho Toán học và Văn học. Kết thúc THPT, cô thi đỗ Á khoa của khoa Mỹ thuật, trường ĐH Sân khấu Điện ảnh mà chưa từng trải qua một lớp học vẽ chuyên nghiệp nào.
Cô gái đa tài này đã tham gia rất nhiều công việc khác nhau: Thiết kế trang phục cho nhiều người nổi tiếng như diễn viên Diễm Hằng, người mẫu Công Toàn… Bích Ngọc cũng đã từng đoạt giải trong cuộc thi tài năng sinh viên về thiết kế của trường ĐH Sân khấu Điện ảnh năm 2012. Phong cách Ngọc yêu thích là gothic, thiết kế đồ dạ hội, độc đáo và mang đậm dấu ấn cá nhân.
Không chỉ dừng lại ở những thành công nhất định trong ngành Mỹ thuật, Ngọc còn được biết đến là một giáo viên dạy taekwondo tại CLB taekwondo Thành Công (Hà Nội). Cô đã từng đoạt 5 Huy chương trong các cuộc thi taekwondo cấp thành phố, quốc gia.
Ngoài ra, Ngọc còn là cô gái say mê bóng đá nghệ thuật đường phố. Cô kể lại: "Khi tham gia lớp học bộ môn này, có duy nhất Ngọc là nữ nên mình cảm thấy hơi e ngại. Tuy nhiên với bản tính giống con trai nên Ngọc đã nhanh chóng hòa nhập”.
Hai mươi tuổi, Ngọc trở thành bà chủ của một phòng xăm nghệ thuật. Tuy mới mở được 3 tháng nhưng thương hiệu Ngọc Like đã thu hút rất nhiều khách, đa phần là những người trẻ. Cô cho biết, cảm giác lần đầu tiên khi xăm hình cho khách là hồi hộp đến mức thấy mình… liều quá.
Bước vào nghề xăm, Ngọc may mắn vì luôn nhận được sự tôn trọng, ủng hộ của bố mẹ. Là một cô gái “tham lam”, Ngọc chia sẻ: “Mình mong một ngày có 72 tiếng để có thể làm nhiều công việc hơn”.
Bích Ngọc tham gia hoạt động của chương trình nghệ thuật đường phố.
Bị bố mẹ mắng vì xăm… khắp nhà
Được biết, Bích Ngọc đã làm quen với nghệ thuật xăm từ 5 năm trước. Đó là quãng thời gian cô học lớp 11, từ khi xăm hình mới bắt đầu về Việt Nam, còn nhiều lạ lẫm. Là một học sinh đam mê ngành thời trang, Ngọc thường sáng tạo và vẽ những họa tiết ấn tượng.
Bích Ngọc bắt đầu bằng cách tự học xăm. Cô mày mò và tham khảo nhiều tài liệu trên mạng. Tuy nhiên lúc đó ở Việt Nam chưa có một giáo trình dạy xăm chính thức nào, cảm thấy kiến thức như muối bỏ bể nên Ngọc quyết định tham gia học lớp đào tạo xăm. Là sinh viên mỹ thuật, đã có nền tảng sẵn về nghệ thuật tạo hình, vẽ khối trên cơ thể nên Ngọc tiếp thu khá nhanh chóng.
Thời gian đầu, Ngọc tập xăm lên bì lợn và các loại da nhân tạo. Cô chia sẻ: “Để tìm được một miếng bì lợn đẹp rất khó. Khi đã hết nguyên liệu mà vẫn còn muốn xăm nữa mình thường xăm lên ghế và các vật dụng trong nhà có da trơn. Mình đã từng bị bố mẹ mắng rất nhiều vì trong nhà mỗi nơi lại có một hình xăm khác nhau”.
Ba tháng mở phòng xăm, từ công việc dự định ban đầu là “làm thêm”, hiện tại việc xăm hình đã chiếm khá nhiều thời gian, tâm huyết của Ngọc. Không trưng biển quảng cáo, không giới thiệu rầm rộ, khách đến đây chủ yếu là người quen, do bạn bè giới thiệu.
Ngọc vui vẻ kể lại: “Khi đăng những mẫu hình nghệ thuật lên mạng xã hội, mình cũng được nhiều người biết đến, thêm nhiều khách mới”. Vừa học vừa làm khiến Ngọc ít có thời gian rảnh rỗi cho mình. Có những khi cô phải xăm hình thâu đêm, đến gần sáng cho khách quen.
Sợ khách “quên” mình
Là người chu đáo, tinh tế, Bích Ngọc luôn tạo cho khách cảm giác dễ chịu nhất khi đến phòng xăm. Căn phòng được cô bày trí theo phong cách truyền thống như tranh dân gian, vật dụng từ sơn mài, đất nung lại là nơi khởi nguồn sáng tạo cho một loại hình nghệ thuật hiện đại. Ngọc tỉ mẩn đốt tinh dầu thơm, căn chỉnh ánh sáng, lên ý tưởng, vệ sinh da vùng xăm, in hình vẽ và cẩn trọng đưa từng mũi kim.
Hình ảnh Ngọc xăm cho khách hàng. (Ảnh: Tuấn Mark)
Hình xăm có thể là mẫu vẽ sẵn hoặc do Bích Ngọc sáng tạo từ nhu cầu của khách. Sau khi xong ý tưởng, cô sẽ phác họa, lên màu chi tiết để tạo nên một khuôn hình ưng ý nhất. Thời gian để vẽ một hình xăm nhiều hay ít đều phụ thuộc vào kích thước của họa tiết và sự hợp tác của khách. Cô tâm sự: "Để cứng tay cũng đòi hỏi thời gian lâu dài bởi máy xăm khá nặng, dễ gây mỏi khi thực hiện các hình lớn"
Luôn cho rằng mình là người mới bước vào nghề nên Ngọc vẫn từng ngày miệt mài học hỏi thêm từ những người có kinh nghiệm để tìm hướng đi cho riêng mình. Cô gái trẻ này quan niệm, làm điều gì cũng phải cần có "tâm" mới mong đạt như ý: “Xăm hình nếu chỉ làm qua loa để kiếm tiền thì sẽ rất đơn giản. Nhưng phải xăm làm sao để mỗi lần khách nhìn thấy hình lại nhớ đến mình mới là điều quan trọng". Điều Bích Ngọc thấy sợ nhất khi làm nghề chính là sợ khách “quên” mình.
Thu nhập từ phòng xăm giúp cô sinh viên năm thứ 3 này tự lập cuộc sống. Tuy có nhiều trăn trở nhưng Bích Ngọc luôn vững tin vào sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Cô bày tỏ: "Theo quan niệm của nhiều người, xăm hình thường gắn liền với những điều không hay như ăn chơi, quái dị. Thực ra hình xăm không xấu, cái xấu chỉ là do định kiến và cách nhìn nhận của những người không không hiểu những cái mới mà thôi. Bản thân Ngọc coi đây là một nghề chân chính, cảm thấy rất may mắn vì được theo đuổi nó".