9X chế tạo trang sức bằng bu lông, ốc vít
Bằng sự khéo léo và sáng tạo, Trần Đình Đạt (sinh năm 1998, quê Nam Định) được nhiều người biết đến và công nhận qua những video chế tác trang sức như nhẫn, hoa tai bằng bu lông, ốc vít.
Một sản phẩm trang sức được tạo ra từ sự tỉ mỉ và sự chăm chút của Đạt.
“Thổi hồn” vào ốc vít
Chia sẻ về lý do lựa chọn công việc sáng tạo trang sức bằng bu lông, ốc vít, Đình Đạt cho biết, trước đây anh từng làm việc trong ngành du lịch, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, Đạt có thêm nhiều thời gian rảnh nên đã quyết định tìm kiếm một việc gì đó để thỏa đam mê sáng tạo của bản thân. Đạt chia sẻ: “Mình có xem qua những clip của nghệ nhân nước ngoài, người ta thường chế tạo và chế tác ra nhiều thứ bằng những vật dụng rất đỗi bình thường. Cảm thấy hứng thú mình bắt tay vào làm ngay. Mình đã cố gắng vừa làm vừa học hỏi nên dần dần sản phẩm mình làm ra ngày một tinh tế và đẹp hơn rất nhiều”.
Đạt cũng cho biết thêm, anh muốn tạo ra những sản phẩm thật đẹp để tặng cho người thân của mình, cũng như muốn tạo ra kỷ niệm, một cột móc mới cho bản thân vào giai đoạn mới. Đạt chia sẻ: “Hiện tại, kênh Facebook của mình có hơn 10.000 lượt theo dõi, mình muốn dùng lợi thế này để đấu giá sản phẩm mình làm ra để có kinh phí ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn”.
Chiếc nhẫn làm từ vòi nước, được Đạt đính kết kim cương thật, dành tặng mẹ.
Đến nay, Đình Đạt đã làm ra sáu sản phẩm các loại như hoa tai, nhẫn… Tuy nhiên, anh không có ý định dùng các sản phẩm của mình với mục đích thương mại. Anh quan niệm: “Mình muốn người xem cảm nhận được tâm huyết mình đặt vào mỗi tác phẩm. Với mình, làm bán và làm vì đam mê là hai thứ khác nhau. Làm bằng đam mê thì người xem sẽ cảm nhận được “cái hồn” mình bỏ vào sản phẩm, còn khi bán thì chỉ người mua mới quan tâm đến, người không mua thì sẽ tìm đến nơi khác. Khi đó, sự tâm huyết của mình gần như bị chia đôi. Vì thế, thay vì kiếm thêm lợi nhuận, mình muốn nhận được nhiều hơn sự ủng hộ, yêu quý của mọi người!”. Đạt cũng cho biết, nếu mọi người yêu quý và muốn đặt sản phẩm tương tự, anh có thể làm tặng hoặc chỉ lấy một nửa giá trị của sản phẩm.
Đạt lên ý tưởng, phác thảo thiết kế cho sản phẩm của mình.
Qua những sản phẩm của mình, Đình Đạt mong muốn người xem và nhất là các bạn trẻ có thể cảm nhận sự tỉ mỉ và tâm huyết mà anh bỏ ra cho những “đứa con tinh thần” của mình. Đạt cũng chia sẻ thêm, đến nay, đã có nhiều bạn trẻ thích thú với công việc này và ngỏ ý nhờ Đạt hướng dẫn. Tuy nhiên, trước mắt Đạt chỉ có thể hướng dẫn cho các bạn trẻ ấy những điều cơ bản nhất.
Công đoạn cắt, dũa vật liệu ban đầu do Đạt thực hiện.
Tỉ mỉ và tập trung tuyệt đối
Ban đầu, Đình Đạt có ý tưởng làm nhẫn bằng gỗ cây, nhưng theo Đạt, sản phẩm làm ra lại không thực tế. Sau nhiều lần cân nhắc, anh chọn những con bu lông, ốc vít làm vật liệu vì chúng có dạng hình tròn và có thể dễ dàng tái tạo. Thành phẩm bằng kim loại có độ bóng như vàng trắng và thời gian sử dụng được khá lâu. Đạt cho biết, trước đó, anh chưa có điều kiện tiếp xúc với nghề thủ công, nên đã dành một tháng để học và nghiên cứu cách làm nhẫn và chế tạo nhẫn qua những video của các nghệ nhân chuyên nghiệp đăng tải trên nền tảng YouTube.
Công đoạn tạo lỗ, đính đá cho sản phẩm.
Chia sẻ về bí quyết thành công ngay trong sản phẩm đầu tiên, Đạt nói: “Trong việc vẽ, mình có sức tưởng tượng khá phong phú, do đó khi làm một sản phẩm hoặc có ý định làm, mình có thể hình dung ra được khi tác phẩm hoàn thành sẽ như thế nào. Điều quan trọng, theo mình, là sự liên tưởng, một sự liên tưởng tốt sẽ dễ dàng hình dung các công đoạn chế tạo, tiến hành như thế nào, đường nét ra sao”.
Đạt chia sẻ, ốc vít tuy là những vật bình thường nhưng nếu biết tận dụng và biết cách thổi hồn sẽ tạo nên những tác phẩm hoàn mỹ.
Sau khi tạo ra được “khung sườn” chính, cuối cùng, anh tiến hành tạo ra đường nét hoặc khoan những vị trí để đính đá. Đạt chia sẻ: “Để làm ra một sản phẩm đẹp, người làm cần tỉ mỉ, tập trung tuyệt đối trong mỗi công đoạn. Ví dụ, bạn làm một món đồ bằng đất nặn thôi, nếu một phần nào đó bị gãy thì bạn còn có thể bù lại được còn riêng kim loại nếu bạn làm hỏng thì coi như đã thất bại”.
Để tạo ra một sản phẩm hoàn mỹ từ những đường nét nhỏ nhất, Đình Đạt dành sự tập trung tuyệt đối cho từng công đoạn.
Đạt chia sẻ, điều quan trọng nhất một người thợ cần có đó là sự tập trung, khéo léo và trí tưởng tượng tốt. Đặc biệt, mỗi 'nghệ nhân' phải luôn biết lắng nghe ý kiến góp ý, từ đó, rút kinh nghiệm để những sản phẩm tiếp theo được hoàn thiện hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong thời gian nghỉ học và tự học tại nhà để phòng, chống dịch Covid-19, Hà Viết Bình, học sinh lớp 11C4 trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Hội An, Quảng Nam) đã chế tạo thành...