9X bày cách để sinh viên sống với ba triệu đồng mỗi tháng
Hồng Ngọc phân bổ ngân sách để thuê phòng trọ, điện nước nhiều nhất, rồi tới sinh hoạt phí, tiết kiệm, chi tiêu để phát triển bản thân.
Ảnh minh họa: Pinterest
Hồng Ngọc, 27 tuổi, là kế toán trưởng ở Hà Nội. Cô còn là người sáng tạo nội dung, có nhiều video về quản lý tài chính cá nhân, thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Trang Instagram của Ngọc hiện có hơn 12.000 người theo dõi, TikTok có hơn 40.000 người theo dõi.
Khi nhận được nhiều câu hỏi của mọi người về việc sinh viên xa nhà nên xoay xở thế nào với ba triệu đồng mỗi tháng, Ngọc gợi ý phân bổ ngân sách chi tiêu như sau:
- Thuê phòng trọ (ở ghép 2-4 người), điện nước: 800.000 đồng
- Sinh hoạt phí: 1.500.000 đồng
- Tiết kiệm: 300.000 đồng
- Phát triển bản thân: 300.000 đồng
- Xe bus: 100.000 đồng
Hồng Ngọc cũng cho rằng nên tìm việc làm thêm ngoài giờ học để tăng ngân sách trang trải cho cuộc sống. Theo Ngọc, có thể hạn chế tiền thuê nhà, điện nước dao động khoảng một triệu đồng, còn lại sẽ là quỹ dự phòng, phát triển bản thân.
Với chi phí như trên, bạn có thể tìm được phòng trọ ở vùng ven hoặc xa các quận nội thành. Xuân Minh, chủ một khu nhà trọ ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết mức giá anh đang áp dụng dao động từ 1,2 đến 1,6 triệu đồng/tháng cho căn 17 m2, đủ cho 2-4 người ở ghép, cá biệt có căn 6 người cùng ở.
Ngôi Sao khảo sát thêm một số khu nhà trọ ở quận Hai Bà Trưng cho thấy giá thuê chung cư mini dao động 3-5 triệu đồng/tháng cho căn 25-30 m2.
Ngoài những chia sẻ của Hồng Ngọc, khi ngân sách eo hẹp, bạn cần tránh chi tiêu bốc đồng. Ifec, một nền tảng giáo dục tài chính được quản lý bởi Ủy ban Nhà đầu tư và Giáo dục Tài chính (IC) Hồng Kông, khuyên bạn như sau:
- Dừng lại để suy nghĩ trước khi chi tiêu: Nếu bạn thấy thứ gì đó muốn mua khi đi bộ xuống phố, đừng vội rút ví. Trì hoãn quyết định mua hàng, dù là hai giờ hay hai ngày, có thể giúp bạn bình tĩnh và tránh hành động vội vàng. Nếu bạn tạm dừng và suy nghĩ trước khi mua sắm, bạn có thể nhận ra rốt cuộc bạn không cần món hàng đó.
- Tìm hiểu lý do mua sắm: Nhiều khi, bạn cảm thấy sản phẩm đang giảm giá là một món hàng đáng mua và cơ hội này rất hiếm. Tâm lý không bỏ lỡ cơ hội sẽ kích thích bạn tiêu tiền. Dù vậy, hãy nhớ chỉ mua những thứ bạn cần. Chuẩn bị danh sách mua sắm trước khi shopping và nhắc nhở bản thân không mua những thứ không cần thiết.
- Sử dụng tiền mặt thay vì thẻ tín dụng. Khi sử dụng tiền mặt để thanh toán, nhiều người có xu hướng mua ít đồ hơn bởi họ ít nhiều ngần ngại giao tiền mặt cho người khác. Ngoài ra, nếu bạn không có nhiều tiền trong ví, bạn sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi chi tiêu. Nếu bạn cảm thấy khó cưỡng lại việc sử dụng thẻ tín dụng, hãy để nó ở nhà.
- Đừng biến đau buồn và tức giận thành lý do mua sắm. Khi cảm thấy không vui hoặc chán nản, bạn có thể muốn mua một số đồ ăn ngon, quần áo đẹp để khiến mình vui vẻ hoặc cảm thấy dễ chịu hơn. Có rất nhiều cách để giảm căng thẳng như: tập thể dục, đi bộ, nghe nhạc, đi chơi cùng bạn bè... Tránh lấy lý do tự an ủi để mua những thứ không cần thiết.
- Chi tiêu theo ngân sách: Xây dựng quỹ thu - chi cũng như danh sách mua sắm và làm theo kế hoạch. Việc này tuy khó, nó giúp bạn quản lý từng xu hiệu quả. Dù vậy, cũng không hại gì nếu bạn dành ra một ít tiền trong ngân sách để mua những món đồ mình yêu thích bấy lâu.
Nguồn: [Link nguồn]
Hà Nội - Mỗi khi lương về, Bảo Quỳnh đều rút toàn bộ thành tiền mặt, phân bổ chi tiêu theo tháng, tuần, để tránh 'vung tay quá trán'.