8x mở dịch vụ cắt tóc miễn phí cho người nghèo

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Kỳ Quân đã thực hiện được ước mơ gần 10 năm ấp ủ đó là cắt tóc miễn phí cho người nghèo.

Gần 1,5 tháng nay, tiệm làm tóc của Phương Kỳ Quân (sinh năm 1984, quê Ninh Thuận) trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5) trở thành điểm đến của giới trẻ và nhiều người nghèo khó, cô bán vé số, anh xích lô...

Gần 10 năm ấp ủ mở dịch vụ cắt tóc miễn phí

Trước cửa quán, một người đàn ông trạc 60 tuổi, gầy gò, quần áo bạc thếch im lặng chăm chú đọc dòng chữ trên tấm bảng có nội dung: “Cắt tóc miễn phí cho người bán vé số, ba gác, xích lô, xe ôm, người thu gom rác và quét dọn”.

8x mở dịch vụ cắt tóc miễn phí cho người nghèo - 1

Phương Kỳ Quân đang treo biển cắt tóc miễn phí trước cửa hàng.

Thấy ông đứng tần ngần ngoài cửa, chàng trai chủ quán vội bước ra mời vào. Ông cứ chần chừ, rồi rụt rè hỏi: “Cắt tóc miễn phí thiệt hả cháu”. Chàng trai 8X tươi cười nói: “Dạ, thiệt mà, mời ông ngồi chờ tí, để con cắt cho khách xong đã”.

Phương Kỳ Quân tỉ mỉ tư vấn cho ông: “Ông làm nghề chạy xe ba gác thì nên hớt cao cho tiện. Tuy nhiên tóc ông hơi dơ, nên để con gội đầu cho sạch rồi cắt”. Sau chừng 15 phút, người khách ra về với một mái đầu gọn gàng và không quên gửi lời cảm ơn tới Quân.

Cở sở của Kỳ Quân mở đã được gần ba năm, nhưng khoảng một tháng rưỡi anh mới bắt đầu treo bảng cắt tóc miễn phí. “Đối tượng mình hướng đến là những người nghèo khó, nhất là những người bán vé số, thu gom rác. Với họ việc cắt tóc một cách đàng hoàng trong tiệm sang trọng gần như là điều xa xỉ nên mình làm vậy chỉ để giúp đỡ, tạo thêm niềm vui cho họ và chính mình”, Quân nói.

Anh cũng cho biết đã ấp ủ ý định này gần 10 năm nhưng giờ mới thực hiện được. Bởi chính bản thân Quân cũng trải qua thời kì nghèo khó khi vào Sài Gòn lập nghiệp từ tuổi đôi mươi nên khi đã thành đạt thì muốn giúp đỡ lại người khác.

Sớm nghỉ học từ năm lớp 10 vì “mình học hơi kém nên không theo nổi”. Sau đó anh chọn đi học nghề. Ban đầu, Quân học sửa xe máy. Chừng vài tháng, anh ra nghề và mở tiệm. Nhưng chỉ được 4 tháng thì Quân buộc phải dẹp tiệm do bị tai nạn nặng, phải mất gần 1 năm điều trị mới hồi phục.

“Sau khi khỏi bệnh thì mình ở nhà ăn không ngồi không hoài, thấy phụ công ba mẹ nên xin vào Sài Gòn học làm tóc. Thời gian đầu, mình vừa học nghề vừa làm bưng bê, đi bán điện thoại... Rồi ra nghề đi làm phụ ở salon. Cuộc sống bấp bênh, nhiều lúc mình phải đi xin hộp cơm từ thiện”, Quân kể.

Ngoài ra, từ khi đi học nghề tóc (năm 2004), Quân thường xuyên cùng nhóm bạn đi cắt tóc miễn phí cho trẻ em ở mái ấm, làng câm điếc, người nghèo ở nhà chùa… Có lúc thì phát bánh mì ngoài đường. Vì vậy nên trong suy nghĩ, anh luôn ấp ủ khi có cơ sở riêng sẽ làm việc này một cách chỉn chu hơn để giúp lại các mảnh đời nghèo khó

Không phân biệt đối xử khách hàng

Salon của Quân nhỏ xíu và thua lỗ thường xuyên trong 4 tháng đầu. Gần 3 năm sau, khi đã có thợ phụ, không phải lo lắng về doanh thu thì Quân treo bảng cắt tóc miễn phí để thực hiện ý tưởng đã ấp ủ bấy lâu nay.

8x mở dịch vụ cắt tóc miễn phí cho người nghèo - 2

 Dù là khách bình thường hay khách cắt miễn phí Quân cũng đối xử như nhau.

Từ khi vào nghề đến nay thì Quân vẫn đều đặn một tháng vài buổi đi cắt tóc cho người nghèo. Anh chia sẻ rằng thích nhất là cắt cho trẻ em khó khăn, khuyết tật. Nhiều em sau khi được cắt hay hỏi Quân có quay trở lại không. Lúc ấy, anh thường nói: “Khi nào tóc dài, chú sẽ lại cắt cho con tiếp. Rồi chú sẽ mở tiệm hẳn hoi để con đến”. Tuy nhiên, nhiều khi lời hứa không thành vì anh bận việc, vì nhóm bạn rủ đi nơi khác cắt tóc từ thiện. Vì thế, anh mới treo bảng để người nghèo có thể tự tìm đến cắt tóc không chỉ một lần.

Chàng trai 8X cho biết, dù người nghèo đến đâu đi chăng nữa thì khi bước chân vào tiệm anh cũng đối xử như khách bình thường. Nhân viên cũng sẽ mời nước, tư vấn kiểu tóc, cắt tỉa gội đầu đàng hoàng và không có thái độ ban ơn trịch thượng.

“Chỉ trừ trường hợp khách đông mình mới để thợ phụ cắt, còn bình thường đều tự tay cầm kéo. Hầu hết ai cũng thích thú khi được làm tóc trong một salon chuyên nghiệp, mà trước giờ vì nghèo nên không có điều kiện”, Quân chia sẻ.

Bác Nguyễn Văn Ba (50 tuổi, chạy xe ba gác) kể: “Tui cắt chỗ này được 2 lần rồi. Lần đầu do hơi say nên mới “liều” vô đây, chứ nếu bình thường dù có treo bảng miễn phí tui cũng ít tin, ngại không dám vào. Hóa ra anh này cắt tóc mà không lấy tiền thật. Nơi này thì ăn đứt mấy tiệm vỉa hè mà tui hay cắt rồi. Sau lần đó, tui đều giới thiệu bạn bè đến đây”.

Mỗi ngày, Quân cắt miễn phí được cho khoảng 3 người. Nhiều khách bình thường thấy chủ quán làm vậy cũng đều ủng hộ thay vì tỏ ra khó chịu. Quân tâm sự: “Mình muốn sẽ có thêm nhiều người nghèo biết đến chỗ này. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của họ là mình vui rồi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Quỳnh (ZING.vn)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN