8X hóa "nàng tiên" biến ước mơ của bệnh nhân ung thư thành hiện thực

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Ở cái tuổi mà hầu như tất cả bạn bè cùng lứa đều có cho mình một mái nhà riêng thì Diệu Thuần vẫn ngày đêm ra vào bệnh viện, truyền nghị lực sống cho bệnh nhân.

Cô gái 8X tươi cười trong lần kiểm tra sức khỏe sau 5 năm ghép tủy.

Cô gái 8X tươi cười trong lần kiểm tra sức khỏe sau 5 năm ghép tủy.

Suốt 7 năm chiến đấu ròng rã với căn bệnh ung thư máu, đã có lúc tưởng như cánh cửa sự sống đã khép lại với cô gái Hoàng Diệu Thuần. Nhưng bằng ý chí, nghị lực kiên cường và tinh thần sống lạc quan, cô gái 8X đã vượt qua và trở thành biểu tượng sống, người truyền cảm hứng cho những bệnh nhân cùng cảnh ngộ…

Trong thời tiết se lạnh của những ngày cuối năm, dòng người hối hả đi mua sắm mới thấy một năm trôi thật nhanh. Thế nhưng, trái ngược với dòng người ngược xuôi ngoài kia, có một nơi khi Xuân đến với mọi nhà thì nơi đây càng vắng vẻ. Đó chính là các bệnh viện. 

“Giáp Tết, viện thường vắng lắm, chỉ những em bé yếu ớt quá hoặc đang trong giai đoạn điều trị bắt buộc mới phải ở lại. Có năm, tôi có hẹn khám muộn ở viện và bận việc dự án nên phải ở lại thành phố. Tôi lên viện suốt thời gian đó, đi các phòng nói chuyện với các bố mẹ, mua món quà nhỏ nhỏ cho các bé. Câu nói nghe nhói lòng: “Tết này con ở lại viện, không được về…” đã trở thành quen thuộc với tôi. Hay có một người cha rưng rưng nước mắt khi kể, vợ anh đang ngoài đường giá rét để kiếm tiền chữa bệnh cho con bằng gánh hoa quả nhỏ…. Những gương mặt mệt nhoài nhưng ánh mắt và lời nói toát lên niềm hy vọng về một năm mới khởi sắc làm tôi thấy ấm áp trong lòng dù ngoài kia tiếng gió Đông Bắc rít lên từng đợt”, chị Hoàng Diệu Thuần (33 tuổi, Nghệ An) bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những hồi ức sâu lắng của chị với phóng viên.

“Bản án” năm 18 tuổi

Diệu Thuần là một bệnh nhân ung thư khi vừa bước chân vào giảng đường đại học năm 18 tuổi. 7 năm chiến đấu và chiến thắng “bản án” ung thư máu, chị Thuần đã quay lại nơi điều trị để đồng hành cùng những đứa trẻ mắc căn bệnh ung thư quái ác

33 tuổi, cái tuổi mà hầu như tất cả bạn bè cùng lứa tuổi đều có cho mình một mái nhà riêng thì chị vẫn ngày đêm ra vào bệnh viện - nơi có những đứa trẻ đang đấu tranh giành lại sự sống trên tay thần chết. 

Chị nhớ lại cảm giác của chị vào năm 2005, khi đó chị 18 tuổi: “Khi biết thông tin mình mắc căn bệnh ung thư máu, lòng tôi thấy trống rỗng và như có một bàn tay bóp nghẹt trái tim. Tiếp đó, những cú sốc cứ liên tục tới, khi những người bạn cùng điều trị liên tiếp về thế giới bên kia.”.

Năm 2010, chị Thuần sử dụng thuốc nhắm đích nhưng không đáp ứng. “Khi ấy, tôi bị kháng thuốc, một bên chân teo lại và nhức không di chuyển được, sốt triền miên. Có những lúc đau quá, tôi đã nghĩ mình chết đi cho xong, để không còn là gánh nặng với mọi người”, chị Thuần kể.

Thế nhưng, khi nhìn tấm lưng của người mẹ tảo tần chăm sóc, nhớ về người anh trai đã bỏ cả tương lai phía trước để kiếm tiền chữa bệnh cho mình, xung quanh những người bệnh khác vẫn đang kiên trì đấu tranh với bệnh tật, chị nghĩ không thể buông xuôi. Mọi người luôn dành cho chị quá nhiều sự yêu thương, chở che như vậy, chị phải kiên cường chiến đấu. Khi đó, chị đã gượng dậy để sống và hy vọng vào một tương lai tươi sáng. 

Tháng 9/2012, chị Thuần thực hiện ca ghép tủy và phép màu đã đến khi ca phẫu thuật thành công. “Trước khi vào phòng ghép tủy, tôi có viết một quyển sách mang tên Như hoa hướng dương nói về hành trình tôi đã trải qua. Ở cuốn sách này, tôi muốn gieo thêm nhiều hy vọng và động lực sống cho các bệnh nhân ung thư đang gặp bế tắc trong cuộc sống.

Sau này, mọi người hay gọi tôi là hoa hướng dương. Tôi là một bông hoa hướng dương nhỏ bé, còi cọc, cần nhiều tia nắng chiếu vào để vươn lên. Tiếp nối cuốn Như hoa hướng dương, tôi viết cuốn Muôn ánh mặt trời. Đây là cuốn viết về hành trình ghép tủy và là lời cảm ơn đến mọi người đã đồng hành cùng tôi. Ở cuốn này, tôi “học làm tia nắng”, dù là yếu ớt nhưng cũng sẽ chiếu ánh nắng cho những người có số phận như tôi”, chị Thuần chia sẻ. 

Những cuốn sách nảy mầm từ đau đớn thân xác

Sau ca ghép tủy 2 năm, chị Thuần không phải dùng thuốc, sức khỏe dần ổn định. Thuần được biết ở bệnh viện có một khu điều trị hóa chất của trẻ con, cô tìm đến và trò chuyện với lũ trẻ trong bệnh viện. Từng là một cô sinh viên nhớ trường nhớ lớp, nhớ bạn bè khi trong thời gian điều trị bệnh, Thuần hiểu được tâm trạng của những đứa trẻ. Cô từng ngày từng ngày lên chơi, trò chuyện với chúng như một thói quen. 

Mỗi tuần, Thuận dành 2, 3 buổi chiều đến chơi với các em nhỏ tại thư viện Viện huyết học - Truyền máu trung ương.

Mỗi tuần, Thuận dành 2, 3 buổi chiều đến chơi với các em nhỏ tại thư viện Viện huyết học - Truyền máu trung ương.

“Hôm nay, con nhớ cô hay hôm nay, con lên viện, cô vào chơi với con nhé rồi có cả những câu hỏi mà tôi không biết trả lời ra sao: Cô ơi, tại sao cô lại chơi với con? Con cảm thấy hạnh phúc… Cứ hết bé này đến bé khác gọi tôi tíu tít như thế. Tôi dẫn chúng đi ăn, đi mua sắm quần áo... Tôi trở nên thân thiết với đám trẻ trong bệnh viện như người thân ruột thịt. Nhưng đến một ngày, tôi nhận ra nhiều bé mà tôi thân thiết đều không trụ nổi và các em đã vĩnh viễn ra đi.

Lúc đầu, tôi sợ, ám ảnh. Dù là khi đi làm, đi tập thể thao hay khi đi ngủ, tôi đều bắt gặp hình ảnh chúng. Tôi mơ thấy chúng nói chuyện, vui đùa bên mình. Có giai đoạn, tôi rơi vào trầm cảm nhưng cũng dần vượt qua được. Tôi nghĩ: Chúng đến với cuộc này đã là điều kỳ diệu, các bạn ý đã cố gắng, cái duyên đến được bao nhiêu thì trân trọng bấy nhiêu. Không nên quá đau buồn vì điều đó. Nhưng thú thật có lúc tôi vẫn rất buồn, khi biết tin các bạn ấy ra đi mà không kìm được nước mắt”, Thuần kể.

Cuộc đời dù ngắn ngủi vẫn nuôi dưỡng khát khao, hy vọng…

Hiểu được tâm lý và những mong muốn của các em, quỹ từ thiện Muôn ánh mặt trời - được lấy tên theo cuốn tự truyện của Thuần ra đời.

“Để có kinh phí hoạt động, ngoài tiền bán sách, tôi còn bán bao lì xì, bán khẩu trang tự thêu, tổ chức các buổi trải nghiệm cho trẻ em vẽ tranh và bán các sản phẩm các em tham gia làm để gây quỹ. Khi kêu gọi ủng hộ, tôi không muốn xin của ai, mà muốn người đóng góp cũng được nhận lại một giá trị nào đó. Vì vậy, tôi chỉ làm ra các sản phẩm để gây quỹ, hoặc tổ chức cho những người có nhu cầu góp quỹ, được tham gia một hoạt động nào đó, để mang lại giá trị cho cộng đồng”, Thuần cho hay.

Dự định của Diệu Thuần sẽ thành lập một doanh nghiệp xã hội.

Dự định của Diệu Thuần sẽ thành lập một doanh nghiệp xã hội.

“Trong tương lai, tôi dự định sẽ thành lập một doanh nghiệp xã hội để có nguồn kinh phí duy trì các hoạt động thiện nguyện. Và cùng thực hiện với bệnh viện một CLB bệnh nhân ghép tủy để cho mọi người có một nơi chia sẻ, tâm sự với nhau”, Thuần cho hay.

Chưa dừng lại ở đó, Thuần còn xây dựng chương trình talkshow Em ước mong sao - nơi các bé được trở thành nhân vật chính, thoải mái trò chuyện và được thực hiện ước mơ của mình. “Em ước mong sao ghi hình được 4 số, chắp cánh ước mơ cho 4 em. Nhưng… có 2 bé trong talkshow ra đi. Hiện tại, tôi đang tạm dừng chương trình talkshow này”, Thuần cho hay.

Là người đi thực hiện ước mơ cho các em nhỏ, thế nhưng, ước mơ của Thuần có một mái ấm hạnh phúc cho riêng mình lại khó thực hiện được. “Sau đợt điều trị ghép tủy, tôi gần như không còn khả năng làm mẹ. Chính vì vậy, khi cảm nhận được có người đàn ông dành tình cảm cho tôi, tôi thường nói thẳng họ”, Thuần nói.

Dù vậy, Thuần vẫn luôn lạc quan bởi động lực sống của cô lúc này là giúp đỡ những em nhỏ ung thư có được nụ cười rạng rỡ. Qua hành trình đầy máu và nước mắt, nỗi buồn và có cả niềm vui, cô gái 8X mạnh mẽ muốn nhắn nhủ với những người đồng cảnh ngộ: “Hãy để mọi thứ đến tự nhiên, ta sẽ trưởng thành hơn từ cô đơn nhưng đừng bao giờ tuyệt vọng”.

Nguồn: [Link nguồn]

Cô gái trẻ mắc ung thư hiếm gặp được ”thần chết từ chối” và kỳ tích làm mẹ

Cô gái trẻ 22 tuổi nhận kết quả U lympho ác tính Non Hodgkin lan tỏa tế bào B lớn (một căn bệnh hiếm gặp) đã không thể...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Linh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN