8 thói quen của nhân viên dễ khiến sếp tăng xông, biết để tránh là thượng sách
Có thể những điều này không hẳn xấu hay tiêu cực nhưng lại có thể khiến cấp trên của bạn cảm thấy không hài lòng.
Bạn không bao giờ nên ngồi yên tại bàn làm việc của mình để chờ ai đó nói cho bạn biết mình phải làm gì (Ảnh minh họa)
Dù bạn là người mới chân ướt chân ráo đi làm hay đã có nhiều năm kinh nghiệm, việc vấp phải những điều "tối kỵ" với cấp trên đều dễ xảy ra. Có thể những điều này không hẳn xấu hay tiêu cực nhưng lại có thể khiến cấp trên của bạn cảm thấy không hài lòng.
Giữ được mối quan hệ tốt với cấp trên chính là cách để bạn dễ dàng hơn trên con đường phát triển sau này. Người ta vẫn nói "Khéo ăn khéo nói sẽ có cả thiên hạ", dưới đây là những thói quen mà người chuyên nghiệp luôn biết cách tránh để không khiến cấp trên "tăng xông".
1. Có quá nhiều/quá ít ý tưởng
Thoạt nghe thì việc có quá nhiều ý tưởng khiến cấp trên không thoải mái có vẻ sai sai, nhưng sự thật chính là như vậy. Việc có quá nhiều hay quá ít ý tưởng đều có thể trở thành vấn đề. Điều quan trọng mà bạn phải nhớ chính là thể hiện sự chủ động.
Bạn không bao giờ nên ngồi yên tại bàn làm việc của mình để chờ ai đó nói cho bạn biết mình phải làm gì. Đừng chỉ thao thao bất tuyệt nói với cấp trên về những ý tưởng trên trời dưới biển hay không bao giờ bày tỏ bất cứ ý kiến cá nhân nào. Thay vào đó, hãy để lời nói đi đôi với hành động. Điều này sẽ khiến bạn có thể tiến xa hơn.
2. Bao biện
Trước hết, hãy cố gắng không làm bất cứ điều gì để người khác phải thông cảm với mình vì lý do nào đó. Công sở là nơi bạn thể hiện sự chuyên nghiệp của mình. Hãy hoàn thành công việc của bạn, đi làm đúng giờ và nếu bạn không thể đạt được những điều đó đúng hạn, đừng cố gắng thoái thác trách nhiệm.
Việc bạn cần làm khi đó là nhận ra lỗi của mình, có trách nhiệm bằng việc sửa chữa. Hãy trung thực và có trách nhiệm trong bất cứ việc gì. Không một người sếp nào muốn suốt ngày mình phải thông cảm với các lý do của nhân viên.
3. Không ngừng kêu ca
Đó là việc không ngừng kêu ca, phàn nàn - điều khá dễ gặp ở nhiều người. Hãy nhớ rằng, trong bối cảnh kinh tế ngày nay, bạn phải biết mình đã may mắn khi có một công việc.
Phải thức khuya, phải làm việc vất vả hay chạy deadline... bạn và các đồng nghiệp, thậm chí là sếp của bạn đều trải qua những chuyện như vậy. Thay vì liên tục càu nhàu, hãy nhìn mọi việc theo hướng tích cực hơn và học hỏi những người khác. Kêu ca không khiến vấn đề được giải quyết hay phát triển theo hướng khác đi.
4. Đặt quá nhiều câu hỏi
Đừng làm phiền sếp của bạn hay khiến họ mất thời gian vì những câu hỏi (Ảnh minh họa)
Tất nhiên, những câu hỏi là tốt khi bạn cần được giải đáp và làm rõ hơn vấn đề. Tuy nhiên đặt quá nhiều câu hỏi theo hướng thừa thãi, những câu hỏi mà bản thân bạn có thể tự mình tìm ra câu trả lời thì lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Đừng làm phiền sếp của bạn hay khiến họ mất thời gian vì những câu hỏi như thế. Hãy chắc chắn rằng thắc mắc của mình là cần thiết và cấp trên của bạn là người tốt nhất cho việc giải đáp thắc mắc đó. Việc tự tìm hiểu và giải quyết vấn đề sẽ được cấp trên đánh giá cao bạn hơn.
5. Email cẩu thả
Chỉ vì một số đồng nghiệp của bạn cẩu thả trong thói quen gửi email của họ không có nghĩa là bạn cũng nên như vậy. Trong thời đại liên lạc qua email phổ biến như hiện nay, việc cẩu thả trong khi sử dụng email rất dễ khiến cấp trên bực mình và cảm thấy bạn là người thiếu chuyên nghiệp.
Ít nhất hãy đảm bảo email của bạn không thiếu sót điều gì (chẳng hạn như quên đính kèm file hay trống tiêu đề) và không sai chính tả. Bản thân bạn cũng sẽ không cảm thấy dễ chịu khi liên tục phải đọc những email được viết rất cẩu thả đâu!
6. Lợi dụng/lạm dụng đặc quyền, ưu tiên
Bạn có con nhỏ, nhà xa hay gia đình có người ốm hoặc vì bất cứ lý do nào khác và được cấp trên tạo điều kiện giờ giấc thoải mái hơn mọi người. Tuy nhiên đừng vì vậy mà lợi dụng hay lạm dụng đặc quyền đó.
Nhớ rằng, bạn cần làm đúng và hoàn thành phần việc của mình như mọi người. Mỗi đặc quyền hay ưu tiên của cấp trên cho bạn đều đáng trân trọng, không phải là cái cớ để bạn vin vào đó mà làm việc cẩu thả.
7. Sống tiêu cực
Đó có thể là quá cứng nhắc trong công việc, luôn nhìn mọi thứ theo chiều hướng xấu. Đó có thể là việc luôn ngang ngược, nói không trước mọi ý tưởng, dập tắt ý tưởng của người khác ngay từ ban đầu. Thậm tệ hơn là khi bạn dùng sự tiêu cực đó để nói xấu công ty, nói xấu cấp trên và đồng nghiệp.
8. Đưa chính trị vào mọi câu chuyện
Tốt nhất bạn không nên biến những tranh luận về chính trị trở thành vấn đề gây tranh cãi ở văn phòng. Bạn có thể ủng hộ phe này, cấp trên của bạn có thể ủng hộ phe kia và một đồng nghiệp nào đó có thể chẳng hề quan tâm đến những điều đó. Không ai muốn điều mình tin tưởng bị xúc phạm và sẽ tốt hơn khi bạn không đưa chính trị vào câu chuyện của mình và nói về nó một cách gay gắt.
Không ít người nghĩ rằng khi thân thiện với đồng nghiệp, xởi lởi xem họ như là một người bạn tốt thì sẽ giúp cuộc...
Nguồn: [Link nguồn]