70 ngày kéo vợ và con trở về từ cõi chết

Hà Nội - Nguyễn Đạt Chiến hoảng loạn khi nghe bác sĩ thông báo vợ anh và đứa con 6 tháng trong bụng "gần như không còn dấu hiệu sống".

Mọi thứ ập đến với anh quá nhanh. Khoảng 7h sáng 14/3, Chiến bật dậy ngay sau tiếng kêu của vợ: "Em không cử động được. Cứu em với!". Vợ anh, Phí Thị Trang, 20 tuổi, ngủ dậy đi vệ sinh, đột nhiên thấy đau đầu, cố bò được vào đến giường gọi chồng xong thì ngã xuống bất tỉnh.

Gia đình vội đưa Trang tới bệnh viện gần nhất, sau đó chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai. Đến 13 chiều, bác sĩ thông báo "sự sống trong não gần như không còn. Dấu hiệu sống của em bé trong bụng cũng tương tự".

Đại gia đình nội ngoại, hơn 30 người đứng ngoài phòng cấp cứu không tin vào tai mình. Ai nấy đều tưởng Trang bị ngất vì thiếu canxi hoặc thiếu máu não trong thai kỳ, không quá nghiêm trọng. Nghe bác sĩ nói xong, những tiếng khóc vỡ òa.

"Nếu mổ tỷ lệ sống cũng chỉ khoảng 10%. Có sống được thì khả năng thực vật cũng rất cao", bác sĩ thông báo tiếp.

Anh Chiến và chị Trang ở Quốc Oai, Hà Nội trong đám cưới cuối năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Chiến và chị Trang ở Quốc Oai, Hà Nội trong đám cưới cuối năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Chiến kể, từ hai tháng trước đó Trang hay kêu đau đầu và sức khỏe yếu đi. Gia đình chủ quan, nghĩ mang bầu nên sức khỏe thay đổi, việc yếu là bình thường. Trên thực tế cô bị dị dạng mạch máu não bẩm sinh. Mang bầu áp lực máu tăng lên để nuôi cả hai mẹ con, dẫn đến máu lên não không đủ và gây ra xuất huyết não.

Chiến cũng như gia đình quyết tâm mổ càng nhanh càng tốt để giành 10% sự sống còn lại. "Không có nỗi đau nào hơn phải ký vào tờ giấy sinh tử của vợ con", người chồng 26 tuổi, quê Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội nói.

Ký xong, Chiến ngồi một góc gạt nước mắt, nghĩ lại những kỷ niệm và dự định của hai vợ chồng mà càng đau.

Họ yêu nhau ba năm, đồng hành từ ngày còn tay trắng. Có thời điểm người này chốt đơn, người kia đóng hàng thâu đêm. Khi Chiến rơi vào nợ nần, cũng chỉ có Trang động viên. Vượt qua khó khăn cũng đến ngày họ làm chủ một doanh nghiệp phân phối sản phẩm thủ công từ tre. Hạnh phúc thêm viên mãn với một lễ cưới vào dịp cuối năm 2023.

"Bây giờ tôi chỉ ước giá như đánh đổi bản thân để vợ con được sống cũng chấp nhận vì cô ấy chính là cuộc sống của tôi", người chồng nói.

Cuộc đời Chiến đã đi qua nhiều đau khổ. Ngày mẹ mất, cậu thiếu niên bị buộc phải trưởng thành bởi anh trai đang phải sống thực vật vì bệnh hiểm nghèo. Giờ vợ con đang trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc, anh một lần nữa buộc phải quật cường.

Những ngày đó, Chiến chạy khắp nơi làm thủ tục, giấy tờ cho vợ. Điện thoại nhiều lúc trong tình trạng nóng máy vì anh liên hệ nhờ kết nối với những y bác sĩ đầu ngành để tìm phương pháp chữa trị tốt nhất. Xác định đồng hành với vợ lâu dài, anh ủy quyền quản lý công ty cho các anh em, chấp nhận từ nay làm cầm chừng.

Hơn hai ngày sau mổ, gia đình được vào thăm. Lúc anh bước vào phòng hậu phẫu đã thấy vợ cũng đang ngóng mình. Anh tiến nhanh lại, mắt cô cũng theo đó hoen đỏ, giọng lạc đi: "Sao bây giờ chồng mới vào?".

Anh nịnh cô bằng ánh mắt trìu mến, thơm nhẹ lên đôi bàn tay đang cắm kim chuyền. Anh đút cho cô được một cốc cháo trong 10 phút vào thăm. Trước lúc rời đi, anh lại thơm lên đôi bàn tay, động viên: "Em đừng lo lắng gì cả. Ở trong này có các y bác sĩ chăm sóc hết mình. Bên ngoài kia, gia đình có mặt đầy đủ cả".

Bước ra khỏi phòng mà lòng Chiến như bình minh rực sáng. Nhìn lại bờ vực sinh tử vừa qua, anh càng biết ơn hiện tại. Đến ngày thứ 5, Trang được ra phòng bình thường. Lúc này, cô đã có thể cười nói, trò chuyện và nhớ được mọi chuyện trước đây. Một nửa cơ thể bên phải cử động được, còn nửa bên trái thì không.

Đối với các bệnh nhân bị xuất huyết não, 6 tháng đầu là thời điểm vàng để phục hồi. Vì vậy, 13 ngày sau ca mổ, Chiến chuyển vợ sang Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để tập vật lý trị liệu. Sau 24 ngày, cô được xuất viện về nhà.

Chiến đưa vợ ra sân đi dạo, kể chuyện vui cho vợ nghe và cùng cô tập vận động, tại trang trại của gia đình ở Quốc Oai, Hà Nội giữa tháng 4/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chiến đưa vợ ra sân đi dạo, kể chuyện vui cho vợ nghe và cùng cô tập vận động, tại trang trại của gia đình ở Quốc Oai, Hà Nội giữa tháng 4/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong mọi tình huống, Chiến đặt cảm xúc của vợ lên đầu. Khi xuất viện, anh quyết định đưa cô về sống trên trang trại của bố mẹ vợ để được hưởng không khí trong lành, yên tĩnh. Hàng ngày anh dành thời gian tối đa cho cô từ 7h sáng đến 22h đêm. Lúc cô ngủ, anh mới xử lý việc công ty.

Trang kể, chồng là người lên thực đơn dinh dưỡng hàng ngày để phù hợp với khẩu vị của cô. Vì muốn cô ăn nhiều hơn một chút, anh tự tay đút từng miếng. Mỗi ngày từ 10-11h sáng có nhân viên y tế tới tập vật lý trị liệu, chồng cũng tập cùng để khích lệ cô. Việc ăn uống, vệ sinh cá nhân của cô được anh lo từ A-Z.

Dù vậy vẫn không tránh được những lúc cô buồn tủi, mất niềm tin vào khả năng phục hồi. Đang từ một cô gái xinh đẹp, chạy nhảy khắp nơi nay mọi thứ phải phụ thuộc vào chồng. Mái tóc dài bị cạo trọc, trên đầu nhiều vết sẹo. Có những lúc cô giận dỗi, hoài nghi tình cảm của anh.

Nhưng anh bao dung cả những lúc vợ thất thường ấy. Người chồng quan niệm đây là thời điểm vợ cần được đòi hỏi và anh cần phải đáp ứng.

"Điều gì có thể làm được cho vợ để chứng minh tình cảm là tôi chẳng ngại thể hiện. Trong hoàn cảnh này, quan trọng nhất là tạo sự tin tưởng, bởi chỉ có như vậy cô ấy mới yên tâm chữa trị", anh chia sẻ.

Cũng từ lúc vợ gặp biến cố, Chiến lập một kênh TikTok chia sẻ cuộc sống của hai vợ chồng, bởi nghĩ rằng chỉ một mình động viên vợ mãi cũng thành nhàm nên xây kênh "để có thêm lời động viên bên ngoài truyền năng lượng tích cực cho vợ". Hơn nữa, anh tin vào khả năng phục hồi của cô, nên mong muốn thắp hy vọng đến những người cùng hoàn cảnh.

Hàng triệu người đã bày tỏ sự cảm động trước sự chăm sóc của người chồng, gửi đến người vợ sự động viên. Không ít khác chia sẻ cũng rơi vào hoàn cảnh bệnh tật, nhưng không may mắn như Trang.

Chiến kể chuyện và bầu bạn với vợ cả ngày để tâm trạng cô luôn vui vẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chiến kể chuyện và bầu bạn với vợ cả ngày để tâm trạng cô luôn vui vẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuộc sống đảo lộn chỉ sau một giấc ngủ. Hơn hai tháng qua, người chồng này nhìn vào vợ mà kiên trì. Người vợ cũng nhìn vào con để cố gắng. Chính sự đồng lòng của vợ chồng và đại gia đình, Phí Thị Trang đã hồi phục thần kỳ. Từ liệt nửa người sau ca mổ đến 21 ngày, bên trái cơ thể bắt đầu có cảm giác. Đến 43 ngày, cô đã điều chỉnh được tay trái bình thường và ngồi xuống sàn ăn cùng gia đình.

Hiện tại chân trái cô cử động vẫn khó khăn. Song giờ đã là những tuần cuối cùng của thai kỳ nên cường độ luyện tập phải tính toán lại, việc vận động cũng phải hạn chế, chờ sau khi em bé chào đời.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Tấn Lộc, khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết điều may mắn là vì Trang còn trẻ nên tỷ lệ hồi phục rất nhanh. "May mắn nhất cô ấy có người chồng yêu thương và gia đình ở bên động viên rất tốt cho tinh thần. Và có lẽ bản năng một người mẹ đã cho cô ấy sức mạnh phi thường nữa", bác sĩ Lộc nói.

Ngày dự sinh là 20/6, nhưng để đảm bảo sức khỏe hai mẹ con, Trang sẽ được mổ chủ động trước vài tuần. Sau ca mổ này, cô sẽ phải trải qua một ca đại phẫu hộp sọ nữa. Khó khăn phía trước còn nhiều, nhưng họ tràn đầy tự tin vào ngày bình phục hoàn toàn, nhà ba người tung tăng khắp nơi.

Những ngày này, chiều nào Chiến cũng đưa vợ ra sân hóng mát và ngắm nhìn giàn phơi những món đồ nhỏ xinh phấp phới trên nền đồng lúa xanh, hệt như một bức tranh đẹp.

"Chúng tôi đang trông ngóng ngày được gặp con. Bước qua lằn ranh sự sống nên chắc con cũng kiên cường như bố mẹ của cháu", ông bố trẻ nói.

Kim Hương hoang mang, lo sợ nhưng nỗi sợ đó không kéo dài quá lâu. Chỉ sau một hồi trầm ngâm, cô đã chấp nhận thực tại và sẵn sàng chiến đấu với căn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Dương ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN