6 điều các bạn trẻ cần học để trưởng thành
Đừng so sánh mình với người bằng tuổi xung quanh, hãy so sánh mình với chính con người mình muốn vươn đến.
Mới đây, trong buổi giao lưu ra mắt sách ”Tương lai nghề nghiệp của tôi”, Giáo sư Kim Rando, Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc, đã có buổi chia sẻ với gần 100 bạn trẻ tham dự chương trình “Trải nghiệm doanh nghiệp”. Tại đây ông đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm hữu ích với bạn trẻ.
Giáo sư Kim Rando chia sẻ với các bạn trẻ Việt
1. Điều thú vị nhất trong cuộc đời - đối với tất cả mọi người: The Growth - Sự phát triển
Trên đời mỗi người có thể yêu thích và thậm chí, "nghiện" một thứ nào đó như: game, phim, truyện tranh và một số thứ tệ hơn thế.
Nhưng tất cả mọi người đều "nghiện" cùng một thứ, đó là "GROWTH" - "sự trưởng thành", hay "sự phát triển".
Thật không nhỉ? Bằng chứng là gì?
- Các nhà sản xuất game đã chỉ ra những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một game hay, hấp dẫn và khiến người ta say mê nghiện ngập đến quên ăn quên ngủ, bao gồm: Mạch chuyện hay, đồ họa đẹp, nhân vật kỳ diệu, âm nhạc hấp dẫn, gameplay tốt.v.v...
Nhưng quan trọng nhất là: sự phát triển, sự trưởng thành của nhân vật trong game.
Các nhà làm game sẽ phải làm sao để đảm bảo rằng, người chơi càng chơi lâu, chơi nhiều thì họ càng thấy được những bước tiến của mình trong game: có thêm nhiều "đồ", nhân vật càng ngày càng mạnh hơn, lên level, các hệ thống chơi ngày càng phức tạp hơn, và cảm giác thỏa mãn một khi hoàn thành một nhiệm vụ, vượt qua một cấp mới, lên một bậc mới.v.v.
- Các bộ phim bao giờ cũng là câu chuyện về sự trưởng thành của nhân vật chính:
Nếu là chuyện tình, chàng và nàng bắt đầu là những người xa lạ, thậm chí ghét nhau, rồi dần dần thích nhau, rồi yêu nhau, rồi bị ngăn cản, rồi cùng chiến đấu vượt qua, rồi dành thắng lợi và vượt lên mọi nghịch cảnh để đến bên nhau, chứng tỏ đang có sự phát triển trong mối quan hệ của họ.
Nếu là phim hành động, nhân vật trẻ ngờ nghệch hoặc trẻ con hoặc yếu đuối hoặc hiếu thắng, qua nhiều thử thách và giành lấy thành công, trưởng thành lên và sẽ gặt hái được nhiều thứ xứng đáng hơn.
Cho nên, thứ con người thực sự nghiện là "sự trưởng thành".
Nếu là một mối quan hệ thì phải phát triển, phải có những bước tiến, phải có sự thay đổi, nếu không nó sẽ chết dần. Bảo sao người ta luôn nghiện cái giai đoạn "khám phá và tìm hiểu" hơn là khi mối quan hệ đã đi vào ổn định.
Một lớp học hấp dẫn nhất với học sinh là lớp học mà sau khi học xong, chúng thấy mình biết thêm rõ là nhiều thứ mới và bổ ích. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng mong một lớp học "có ích" thực sự. Chứ không phải lớp học mà giáo viên cố pha trò làm vui lòng lũ trẻ.
Một cuốn sách hấp dẫn nhất với người đọc là cuốn sách mà sau khi đọc xong, họ cảm thấy được mở mắt, được sáng tỏ, được giỏi giang và phát triển hơn ở một khía cạnh nào đó.
Con người ta khao khát, và mong muốn thấy sự phát triển của chính bản thân mình, nếu không sẽ bắt đầu nản. Và vì sự phát triển trong cuộc sống thì vô cùng khó khăn, cho nên rất nhiều người chìm đắm vào những "sự trưởng thành" giả như game, phim ảnh, hoặc thậm chí, ma túy.
Vậy nên, điều quan trọng nhất trong cuộc sống, là phải luôn làm cho mình trưởng thành lên, mỗi mối quan hệ của mình cũng phải phát triển, các kỹ năng nhuần nhuyễn thêm, các kiến thức nhiều thêm, mọi thứ phải luôn vận động và thay đổi.
2. Thang cuốn tự động và những bậc thang đá
Nhưng trong lúc đi tìm sự tiến lên ấy, đa phần mọi người sẽ cố tìm những chiếc "thang cuốn tự động" - như trong các trung tâm thương mại, nơi chỉ cần tìm được đến thang cuốn, bước lên bậc đầu tiên của thang, thế là nó sẽ đưa mình đến nơi mình muốn đến.
Cuộc đời không có "thang cuốn tự động". Không có gì đảm bảo chắc chắn bạn sẽ đến được nơi bạn muốn đến. Không phải "kinh doanh", không phải "nghề luật sư", không phải "nghề ngân hàng", không phải "bất động sản". Không có gì là dễ dàng, đơn giản, và "chắc chắn thành công". Tất cả đều là thang bộ và sau khi bước vào cầu thang đó, bạn vẫn sẽ phải bước tiếp. Rồi bước tiếp nữa. Rồi lại bước tiếp nữa. Lắm khi mệt đứt cả hơi. Có khi còn ngã cái uỵch. Nhưng phải bước thì mới mong đến được nơi cần đến.
3. Cây Mojuk và nước sôi
Mojuk là một loại tre sống ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, có lông tơ mọc khắp thân mình. Một cây mojuk trưởng thành có thể cao tới 24-26m, và là một trong những loại cây cao nhất thế giới.
Thế nhưng Mojuk mất đến 5 năm - chỉ là măng thấp bé. Suốt 5 năm trời, mojuk không mọc thêm một chút nào, và bất cứ ai nhìn vào cũng có thể nghĩ "nó chỉ được như vậy thôi", và cho rằng đó là giới hạn của nó. Nhưng sau 5 năm, mojuk đột nhiên sẽ cao lên với tốc độ khủng khiếp, 70-80cm/ngày, và chỉ trong vài tuần, sẽ trở thành loại cây cao nhất thế giới.
Đun nước cũng vậy. Khi nước ở nhiệt độ bình thường, bạn cứ cấp thêm nhiệt thì nhiệt độ của nước cũng sẽ tăng thêm đều đặn. Đến 100 độ C, thì dù có cấp thêm nhiệt bao nhiêu, nhiệt độ cũng sẽ không thay đổi nữa. Nó sẽ cứ dừng lại ở mức 100 độ. Người ta nhìn vào có thể sẽ nghĩ "đó là nhiệt độ tối đa rồi", và dừng cấp nhiệt, khiến cho nhiệt độ giảm xuống dần. Nhưng chỉ cần cứ tiếp tục đun, cho đến khi nước chuyển thành hơi nước hết, thì khi đó, nhiệt độ có thể lên đến 1000-2000 độ, chứ không chỉ còn là 100 độ nữa.
Cuộc đời một con người cũng thế. Sẽ có những giai đoạn mà dường như có cố gắng mấy thì mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ.
Không làm được gì mới, không có bước tiến nào đáng kể. Người ta có thể nghĩ "mình chỉ làm được đến thế thôi" và bỏ cuộc. Nhưng cứ tiếp tục cố gắng, thì sẽ đến một lúc nhìn lại và nhận ra mình đã có bước tiến nhảy vọt, mình đã lên một mức mới cao hơn so với trước kia rất nhiều. Cuộc đời là những bậc thang như thế. Không phải là một đường thẳng tuyến tính, khi mà thành quả tỉ lệ thuận với công sức và thời gian bỏ ra.
Có những lúc, phải bỏ ra thêm 5- 10 nỗ lực và thời gian, dường như chẳng để làm gì. Mà như đã nói, con người nghiện sự phát triển. Cho nên khi không thấy sự phát triển, người ta sẽ nản. Nhưng chỉ cần không nản, thì sẽ có lúc mình đạt được gấp trăm lần, thậm chí ngoài sức tưởng tượng.
4. Đồng hồ của bạn chỉ mấy giờ?
Nếu cả cuộc đời bạn là 24 tiếng của một ngày, vậy bạn đang ở mấy giờ?
Tính trung bình tuổi thọ người dân Hàn Quốc bây giờ là 80 tuổi, GS Kim Rando tính đơn giản thế này: 1 tuổi = 18 phút.
Vậy nếu bạn 10 tuổi, bạn đang ở 3h sáng.
Nếu bạn 20 tuổi, bạn đang ở 6h sáng.
Nếu bạn 30 tuổi, bạn đang ở 9h sáng.
Nếu bạn 40 tuổi, bạn đang ở 12h sáng.
Lúc 6h sáng, bạn có thể còn chưa kịp ngủ dậy. Ai chăm chắc đang tập thể dục. Có thể đánh răng và rửa mặt.
Lúc 9h sáng, công việc có thể mới bắt đầu, còn 1 tỉ thứ phải giải quyết, và ngày hôm ấy thành công hay không chưa thể biết được.
Lúc 12h sáng, bạn chuẩn bị ăn trưa, nghỉ giữa hiệp. Mới có 1 nửa ngày trôi qua mà thôi.
Cho nên đừng vội. Và đừng hoảng hốt khi bạn gặp rắc rối vào lúc 6h sáng, 9h sáng, hay thậm chí 12h trưa. Cho đến thời điểm ấy, bạn vẫn chưa làm được gì cũng không có nghĩa cả ngày là vứt đi cả.
Tiến chậm cũng không sao. Miễn không dừng lại là được.
5. Bench-marking và Self-marking
Bench-marking là từ để chỉ việc một cá nhân, một công ty muốn đạt được những thành công mà cá nhân, hoặc công ty khác đã đạt được, bởi vậy tìm cách học hỏi và bắt chước những điều mà cá nhân hoặc công ty kia đã làm.
Việc này rất phổ biến, và thực ra là tốt cho sự phát triển.
Thế nhưng, vấn đề là chúng ta phải học tập theo ai. Ví dụ, bạn muốn thành công như Steve Jobs, hãy học theo và làm theo những điều ông làm.
Nhưng thường thì, người ta lại không bench-marking những người mà chúng ta cần phải học theo - những người chúng ta phải vươn đến, mà lại bench-marking những người bạn của mình, những người cùng tầm tuổi với mình, cùng "loại" với mình, nhưng có gì đó nhỉnh hơn mình một chút.
Ví như cậu học sinh thấy những bạn/người hơn mình vài tuổi đua nhau chọn trường này, có vẻ sang chảnh, nên cũng phải cố mà bắt chước. Thấy bạn mình thi loại bằng này, tham gia hoạt động kia, cũng phải cố làm theo. Bố mẹ cũng thường khoái chuyện khuyên bảo con mình theo gương "con nhà người ta". Hỏng bét.
Giống như người ăn xin ngoài đường, lẽ ra ông ta phải ghen tị và học hỏi theo những ông chủ của tòa nhà cao tầng trước mặt, những người đã cho ông ta tiền, đi xe sang, mặc quần áo đẹp. Nhưng không, ông ta sẽ ghen tị và học theo gã ăn mày ngồi bên cạnh - người xin được hơn ông ta 100 nghìn đồng.
Cho nên GS Kim Rando tạo ra khái niệm self-marking. Có nghĩa là học theo, làm theo chính bản thân mình - của 20 năm nữa. Đi theo chính hình ảnh con người mà mình muốn trở thành ở tuổi 30, 40, 50, chứ không phải theo bất kỳ ai khác cả. Như vậy gọi là self-marking.
Đừng so sánh mình với người bằng tuổi xung quanh, hãy so sánh mình với chính con người mình muốn vươn đến.
6. Con vịt, đại bàng và hình chữ T
Vịt là loài vừa biết bơi dưới nước, vừa biết đi bộ trên bờ, và nếu muốn, lại còn có thể bay một chút nữa.
Nhưng nếu ông chủ muốn thuê một nhân viên biết bay, ông sẽ thuê đại bàng, không thuê vịt.
Nếu ông chủ muốn thuê một nhân viên biết bơi, ông sẽ thuê cá heo, không thuê vịt.
Nếu ông chủ muốn thuê một nhân viên biết đi trên mặt đất, ông sẽ thuê ngựa, không thuê vịt.
Đại bàng không bơi được, cũng chẳng đi bộ được. Nhưng về bay, nó là số 1.
Cho nên GS Kim Rando khuyên rằng, nên là đại bàng, chứ đừng nên là vịt.
Tuy nhiên, nếu vịt là dạng phát triển bề nổi, chiều ngang , và đại bàng là phát triển tập trung, chiều sâu thì ông cho rằng, mô hình lý tưởng nhất là hình chữ T. Có nghĩa là có bề ngang đủ rộng ở nhiều lĩnh vực nhưng có riêng 1 lĩnh vực thế mạnh phát triển thật sâu.
Và khi người ta còn trẻ, người ta nên tập trung phát triển chiều sâu trước, sâu nhất có thể. Rồi đến khi đi làm, trong các môi trường làm việc, tiếp xúc, người ta sẽ học được nhiều thứ để phát triển chiều ngang của mình. Còn nếu chưa gì đã phát triển chiều ngang, thì ở những năm tiếp theo của cuộc đời, ở lứa tuổi lớn hơn, sẽ rất khó để phát triển chiều sâu trở lại.
6. Cuộc đời, mê cung và những dead-end
Có bạn hỏi: So sánh cuộc đời như bậc thang bộ, chứ không phải như thang cuốn quả là đúng. Nhưng người ta còn nói, cuộc đời giống mê cung. Sẽ ra sao nếu sau rất nhiều nỗ lực, rất nhiều cố gắng, bạn bỗng nhận ra - đó không phải là con đường mình muốn đi, cần đi? Sẽ ra sao nếu chúng ta bỗng nhận thấy mình đang ở đường cụt, và bế tắc?
GS trả lời: "Tôi đồng ý rằng, cuộc đời giống như một mê cung vậy, nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn một điều rằng, trong cuộc đời, chắc chắn không có cái gì gọi là "dead-end". Không bao giờ có một nơi gọi là đường cùng, chắc chắn sẽ luôn có lối thoát."
"Vào năm tôi 25 tuổi, tôi trượt một kỳ thi quan trọng đến 4 lần. Tôi học giỏi hơn các bạn tôi, thế mà các bạn tôi thì đỗ, còn tôi thì trượt, 4 lần. Cũng năm đó, bố tôi qua đời. Và tôi không còn một cơ hội nào để có thể tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu và vượt qua kỳ thi đó nữa. Bây giờ tôi có thể kể lại khá dễ dàng, nhưng vào thời điểm đó, tôi cảm thấy mình lâm vào đường cùng, và suýt chút nữa đã tự tử."
"Cuối cùng thì, tôi quyết định rẽ hướng, trở thành một giảng viên ở trường, bỏ tất cả mọi thứ để làm lại, học lại từ đầu. Trong cuộc đời tôi, đã có vài lần như thế, khi mà tôi dường như lâm phải đường cùng, và phải chọn bỏ lại tất cả để làm lại từ đầu."
"Nhưng giờ đây, ở tuổi 52, khi tôi gặp lại những người bạn cũ - những người đã vượt qua kỳ thi mà tôi bị trượt năm ấy. Tất cả họ lại quay ra ngưỡng mộ tôi, và nói với tôi rằng 'Ước gì năm ấy tôi cũng trượt như ông.' Cho nên hãy tin tôi, rằng không có nơi nào là đường cùng hết".
Giáo sư Kim Rando là một chuyên gia tư vấn về nhân sự cho nhiều Tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong số đó đã có nhiều Tập đoàn đã đến Việt Nam đầu tư như: Samsung, Lotte, Aeon… |